Tiền hỗ trợ trực tiếp cho mỗi người dân Mỹ trong gói cứu trợ 900 tỷ đô la là ‘đủ trong giai đoạn trước mắt’ nhưng ‘không thể nào chỉ làm xong lần này rồi ngưng’ vì đại dịch vẫn còn tác động nặng nề đến kinh tế Mỹ cho đến ít nhất là đến hết nửa năm sau, một nhà quan sát nhận định với VOA.
Hôm 27/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký thành luật thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 900 tỷ đô la cho giai đoạn đại dịch Covid-19. Trước đó, ông Trump đã đe dọa không ký và yêu cầu nâng số tiền cứu trợ người dân từ 600 lên 2.000 đô la mặc dù nó đã được lưỡng Đảng ở Quốc hội thông qua.
Trong số các nội dung được mong đợi nhất của đạo luật là tiền chi trả trực tiếp, hay còn gọi là ‘ngân phiếu kích thích’, với 600 đô la cho mỗi người trưởng thành có tổng thu nhập từ 75.000 đô la một năm trở xuống. Những người đứng đầu hộ gia đình có thu nhập lên đến 112.500 đô la và một cặp vợ chồng (hoặc người có vợ hoặc chồng qua đời vào năm 2020) kiếm được tới 150.000 đô la một năm sẽ nhận được gấp đôi số tiền đó.
Các gia đình đủ điều kiện có con phụ thuộc sẽ nhận được thêm 600 đô la cho mỗi đứa con.
Khác với lần trước, lần này những công dân Mỹ có vợ hoặc chồng không có số an sinh xã hội vẫn được nhận khoản trợ cấp này. Điều này cho phép những người vợ/chồng của những người nhập cư không có giấy tờ được đăng ký xin khoản tiền này.
‘Có tác dụng kích thích kinh tế’
Trao đổi với VOA từ Dallas, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường sau đại học Keller về Quản lý, cho biết số tiền chi trả cho mỗi cá nhân kỳ trước là 1.200 đô la ‘có tác dụng như là đòn tạo tâm lý tốt cho người dân trong khủng hoảng, giúp họ không co rút về kinh tế’.
Ông dẫn số liệu của các cơ quan thống kê Mỹ cho thấy những người lãnh tiền cứu trợ trong đợt trước đã ‘chi tiêu 60% số tiền đó để đổ vào nền kinh tế, còn lại 40% họ để dành’.
Đến mùa lễ hội cuối năm, do triển vọng chích ngừa rộng rãi và sự lạc quan vào gói cứu trợ thứ hai nên người dân đã chi tiêu 40% số tiền còn lại để mua sắm, ông phân tích và cho biết số liệu cho thấy doanh số bán hàng cuối năm ở Mỹ đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về số tiền cứu trợ, vốn gây tranh cãi giữa một bên là Tổng thống Trump và Đảng Dân chủ muốn cho 2.000 đô la trong khi Đảng Cộng hòa không cho vượt quá mức 1.000 đô la, ông Lộc cho rằng số tiền 600 đô la ‘là đủ đối với đại đa số người dân đã có việc làm’.
“Tình hình dịch bệnh hiện tại thì có cho tiền họ cũng không xài được nhiều,” ông giải thích. Trong khi đó, đối với những người vẫn chưa đi làm lại thì ông thừa nhận rằng số tiền này ‘không thấm vào đâu’.
Tuy nhiên, ông nói rằng Chính phủ Mỹ phải cho theo kiểu ‘đổ đồng’ cho tất cả mọi người đều như nhau vì nếu phân loại ra những ai cần hay không cần ‘thì sẽ rất mất thời gian, làm trì trệ việc cứu trợ’.
‘Nên cho nhiều lần’
Theo lời ông thì thay vì cho ồ ạt 2.000 đô la trong một lần thì tốt hơn vẫn là cho 600 đô la trong nhiều lần vì ông dự đoán nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh trong ít nhất là sáu tháng nữa.
“Quá trình phục hồi sẽ còn kéo dài nên cứu trợ cũng phải có giai đoạn, chứ bây giờ cho ồ ạt quá thì nó chảy ra ngoài hết,” ông lập luận và nói rằng tốt nhất từ giờ đến lúc kinh tế phục hồi, cứ mỗi 3 tháng, chính phủ Mỹ cần tung ra một gói cứu trợ nữa để kích thích kinh tế.
Đối với những ai đủ điều kiện nhưng vẫn chưa nhận được ngân phiếu kích thích trong giai đoạn một, ông Lộc nói rằng ‘sẽ không mất phần’ nhưng sẽ phải liên lạc với cơ quan chức năng để cập nhật thông tin chính xác của mình.
“Có những người mặc dù không cần phải khai thuế (do lương thấp quá) nhưng vẫn cứ nên khai để IRS (tức Sở Thuế) có hồ sơ của mình. Ngoài ra phải cập nhật địa chỉ của mình,” ông Lộc nói.
“Dễ dàng nhất là có tài khoản ngân hàng để được chuyển tiền về, còn nếu nhận ngân phiếu thì phải có địa chỉ chính xác,” ông nói thêm.
Về gánh nặng của gói cứu trợ lần này đối với kinh tế Mỹ, ông Lộc nói ‘dù gì Mỹ cũng đã thiếu nợ rất nhiều rồi, thêm gói nợ nữa thì vẫn sẽ chịu đựng nổi’.
Tình hình lúc này, theo ông, đã có niềm tin trở lại vào nên kinh tế khi chương trình tiêm chủng đã được triển khai. “Khi nào chủng ngừa được khoảng 70-80% dân số thì niềm tin vào kinh tế Mỹ sẽ trở lại bình thường,” ông nói.
Tuy nhiên, để bù đắp gánh nặng ngân sách, vị giáo sư này dự đoán trong đường dài chính quyền của Tổng thống tân cử Joe Biden ‘sẽ tăng thuế’.
“Tôi chắc chắn thuế sẽ gia tăng nhưng mà tăng đến mức độ nào đó thôi. Nếu gia tăng nhiều quá thì kinh tế sẽ sụp trở lại,” ông nói.
Các nội dung khác của gói cứu trợ
Trợ cấp thất nghiệp:
Với hàng triệu người Mỹ vẫn đang thất nghiệp, Quốc hội đã hành động để kéo dài nhiều chương trình hỗ trợ người thất nghiệp, mặc dù ít hào phóng hơn so với hồi mùa Xuân.
Thỏa thuận sẽ nối lại các khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang trong 11 tuần, đem đến cứu cánh cho những người làm công ăn lương bị ảnh hưởng nặng cho đến ngày 14/3. Khoản trợ cấp thất nghiệp mới, lên tới 300 đô la mỗi tuần, bằng một nửa so với số tiền trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào mùa Xuân là 600 đô la một tuần.
Đạo luật cũng kéo dài Chương trình Hỗ trợ Thất nghiệp Đại dịch vốn nhắm đến người làm nghề tự do và những công nhân hợp đồng với cùng thời gian hiệu lực. Những đối tượng thuộc diện này được thêm 100 đô la mỗi tuần.
Cứu trợ trường học:
Ngân sách các trường học đã bị teo tóp nghiêm trọng do đại dịch. Đạo luật chi 82 tỷ đô la cho ngành giáo dục, bao gồm khoảng 54 tỷ đô la cho các trường phổ thông và 23 tỷ đô la cho các trường cao đẳng và đại học.
Mặc dù gói tài trợ này hỗ trợ nhiều hơn cho các trường phổ thông so với gói cứu trợ hồi tháng Ba, mức này vẫn không đáp ứng đủ để các trường giải quyết hậu quả của đại dịch. Nhiều học khu chuyển sang học từ xa trong năm nay đã phải có những điều chỉnh tốn kém để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên học trực tuyến trong khi phải cắt giảm nhân viên để cân đối ngân sách. Các trường cao đẳng và đại học cũng đang phải đối mặt với những khó khăn tài chính trong lúcchi phí gia tăng và doanh thu giảm.
Hỗ trợ có mục tiêu cho tiểu thương:
Thỏa thuận dành 285 tỷ đô la cho khoản vay bổ sung cho các doanh nghiệp nhỏ trong khuôn khổ Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP), làm mới chương trình trong gói cứu trợ ban đầu.
Lần này có các điều khoản chặt chẽ để chỉnh sửa một số nội dung không được lòng dân trong lần trước. Nó giới hạn các khoản cho vay ở mức 2 triệu đô la và chỉ nhắm đến những doanh nghiệp có ít hơn 300 nhân viên và bị sụt giảm doanh số ít nhất 25% so với một năm trước đó trong ít nhất một quý. Gói cứu trợcũng dành riêng 12 tỷ USD cho các doanh nghiệp do các nhóm thiểu số sở hữu. Và các công ty niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán sẽ không được phép tiếp cận khoản vay này.
Tài trợ vaccine và viện dưỡng lão:
Đạo luật dành gần 70 tỷ đô la cho một loạt các biện pháp y tế công cộng, bao gồm 20 tỷ mua vaccine, 8 tỷ đô la phân phối và thêm 20 tỷ đô la để giúp các tiểu bang tiếp tục các chương trình xét nghiệm và truy vết của họ.
Đạo luật cũng có nội dung cho phép một chương trình liên bang vốn bảo đảm các khoản thế chấp cho các viện dưỡng lão được đưa ra các khoản vay khẩn cấp để giúp đỡ các viện dưỡng lão bị tác động nặng nề.
Hỗ trợ các biện pháp chống biến đổi khí hậu:
Trong một hành động đi ngược lại chính sách khí hậu của chính quyền TT Trump, thỏa thuận bao gồm điều luật mới để quản lý khí hydrofluorocarbon, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh vốn có nhiều trong máy lạnh và tủ lạnh.
Nó cũng phân bổ 35 tỷ đô la để tài trợ các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng sạch khác.
Bảo vệ người thuê nhà:
Gói cứu trợ sẽ bảo vệ người thuê nhà đang chật vật trả tiền thuê bằng cách gia hạn lệnh ngưng trục xuất thêm một tháng nữa, đến hết ngày 31/1. Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị đã ban hành lệnh tương tự hôm 28/12 để bảo vệ người mua nhà thế chấp khỏi bị siết nhà.
Ngoài ra, nó cũng bỏ ra 25 tỷ đô la hỗ trợ tiền thuê nhà.