Đường dẫn truy cập

Mỹ có quyền ‘mua giật’ hàng y tế của các nước đồng minh?


Các y bác sỹ Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng trang phục bảo hộ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Các y bác sỹ Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng trang phục bảo hộ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Chính phủ Mỹ có quyền yêu cầu các công ty sản xuất vật tư y tế của Mỹ đóng ở nước ngoài phải bán hàng cho Mỹ thay vì bán cho các nước khác nếu hợp đồng mua bán với các nước này không chặt chẽ mặc dù việc ‘mua giật’ này về mặt đạo đức là ‘không đúng’, một nhà quan sát nói với VOA.

Tuy nhiên, hiện giờ vẫn chưa rõ là có thật sự đã xảy ra việc Mỹ ‘tranh cướp’ hàng khẩu trang và vật tư y tế mà các nước mua từ công ty Mỹ đóng ở Trung Quốc hay không. Lần lượt Pháp, Đức và Brazil đã tố cáo Mỹ về việc này nhưng phía Mỹ đều bác bỏ.

Phải bán cho chính phủ Mỹ?

Trao đổi với VOA, GS-TS Khương Hữu Lộc, người giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Keller Graduate School of Management, giải thích rằng trong điều kiện bình thường của thị trường tự do thì các hãng may khẩu trang và sản xuất vật tư y tế, dù thuộc sở hữu của người Mỹ, có toàn quyền quyết định bán hàng cho ai.

Hiện giờ, Mỹ và các nước châu Âu vốn đang bị dịch Covid-19 hoành hành đang gặp khủng hoảng về trang thiết bị y tế để chữa trị cho hàng trăm ngàn bệnh nhân, bao gồm khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ và máy thở. Do đó, đã xảy sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tiểu bang của Mỹ cũng như giữa Mỹ và các nước để tranh thủ nguồn cung từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Lộc chỉ ra rằng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) được thông qua trong lúc nước Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên từ thập niên 50 cho phép Tổng thống Donald Trump có quyền chỉ đạo các hãng xưởng của Mỹ phải sản xuất những mặt hàng nào và phân phối như thế nào trong tình trạng khủng hoảng.

Ông Trump đã vận dụng điều luật này hôm 4/4 để đình chỉ việc xuất khẩu khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân (PPE) ra nước ngoài và yêu cầu tập trung tất cả những mặt hàng thiết yếu này để phục vụ cho nhu cầu chống dịch corona trong nước.

Tiến sĩ Lộc giải thích rằng điều luật này không chỉ áp dụng với các công ty Mỹ tại nội địa mà còn đối với các công ty Mỹ đầu tư ở nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, ‘miễn là phía Mỹ nắm đa số cổ phần’.

Cho nên, những mặt hàng y tế mà Pháp, Đức, Brazil cáo buộc Mỹ ‘hớt tay trên’ của họ thì FEMA (Cơ quan Quản lý Tình trạng Thảm họa Mỹ) ‘có quyền ưu tiên mua’ từ các công ty Mỹ đóng tại Trung Quốc để bổ sung vào Kho dự trữ Quốc gia.

Chi tiết hợp đồng

Tuy nhiên, Giáo sư Lộc cho rằng ‘mua giật là không phù hợp với thông lệ mua bán quốc tế’.

“Một khi anh đã nhận hợp đồng thì anh không thể vi phạm,” ông giải thích.

Mặc dù vậy, ông nói nếu quả thật Mỹ có chèn ép để ‘nẫng tay trên’ hàng của các nước đồng minh thì điều này vẫn có thể biện hộ được nếu hợp đồng mua bán của các nước này không quy định chặt chẽ.

Theo phân tích của vị giáo sư có nhiều năm làm việc cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ thì hàng hóa giao thương quốc tế có hai dạng là ‘FOB shipping point’ (điểm đóng hàng) và ‘FOB destination’ (điểm đến).

Nếu hàng hóa được mua theo dạng ‘shipping point’ thì ngay khi hàng được chuyển lên máy bay thì dù máy bay chưa cất cánh hàng hóa đó vẫn được xem là thuộc sở hữu của bên mua, ông Lộc nói. Do đó, Mỹ không được mua lại những hàng này cho dù có trả giá cao hơn gấp nhiều lần.

Còn nếu trong trường hợp ‘FOB destination’ thì chừng nào hàng hóa bay về đến quốc gia bên mua và được ký nhận thì mới được xem là hàng của nước đó. Lúc hàng hóa đang được chuyển lên máy bay ở đầu xuất phát thì bên thứ ba có thể hỏi mua được, ông Lộc nói thêm.

Ngoài ra, trong hợp đồng còn phải tính đến việc trả tiền trước hay trả sau; hợp đồng có hủy được hay không hủy được nữa, cũng theo lời ông Lộc.

Chính vì vậy, nếu hợp đồng của các nước Pháp, Đức, Brazil với nhà cung cấp đóng ở Trung Quốc mà Mỹ nắm đa số cổ phần có điều khoản cho hủy hợp đồng, có quy định trả tiền sau và theo kiểu ‘FOB destination’ thì FEMA có quyền viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để buộc các hãng Mỹ bán lại cho FEMA, ông nói.

Dồn dập cáo buộc

Trước đó, lãnh đạo vùng Ile-de-France bao gồm thủ đô Paris của Pháp, bà Valérie Pécresse, đã nói trên đài truyền hình LCI rằng phía Mỹ đã ‘trả bằng tiền mặt, trả trước, số tiền nhiều hơn gấp ba, gấp bốn lần số tiền mà Pháp hứa trả cho Trung Quốc sau khi nhận được hàng để ‘nẫng tay trên’ một lô hàng khẩu trang mà Trung Quốc đã hứa bán cho Pháp và đã được đưa lên máy bay để lên đường tới Pháp.

Cuối cùng, phía Pháp cũng giành được một lô hàng gồm 1,5 triệu chiếc khẩu trang nhờ vào sự giúp đỡ của các Hoa kiều ở Pháp, bà Pécresse cho biết.

Cáo buộc này của Pháp đã bị quan chức cao cấp giấu tên trong chính quyền Mỹ bác bỏ, hãng tin AFP cho biết. Tuy nhiên, ngoài bà Pécresse, cũng có hai lãnh đạo vùng khác của Pháp đưa ra lời cáo buộc tương tự.

Thẳng thừng hơn, phía Đức còn cáo buộc Mỹ là ‘cướp biển thời hiện đại’. Tờ Guardian của Anh cho biết ông Andreas Geisel, bộ trưởng nội vụ của bang Berlin, cho biết một lô hàng gồm 200.000 chiếc khẩu trang N95 mà bang này mua để trang bị cho cảnh sát đã ‘chuyển từ máy bay này sang máy bay kia’ ở Thái Lan trong khi trên đường đến Đức và sau đó chuyển hướng đi Mỹ.

Ông Geisel gọi hành động là ‘cướp biển thời hiện đại’ và kêu gọi chính quyền Đức yêu cầu Washington tuân thủ các luật lệ thương mại quốc tế. “Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu như thế này cũng không nên có cách làm theo kiểu miền Tây hoang dã được,” ông được Guardian dẫn lời nói.

Số khẩu trang này được cho là phía Trung Quốc sản xuất cho công ty Mỹ 3M, nhưng công ty này sau đó ra tuyên bố cho biết ‘họ không có bằng chứng cho thấy số khẩu trang này đã bị giành giật’ và trong hồ sơ của họ ‘không có đơn hàng nào như thế từ phía Đức để trang bị cho cảnh sát’.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/4 đã phản bác lại Đức và nói rằng ‘không có hành động ăn cướp nào cả’. Đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan cũng nói rằng họ ‘không biết gì về lô hàng này’.

Còn về phía Brazil, Bộ trưởng Y tế nước này, ông Luiz Henrique Mandetta, tuần trước tố cáo Trung Quốc bỏ rơi một số đơn đặt hàng thiết bị y tế của Brazil khi chính phủ Mỹ gửi hơn 20 máy bay chở hàng tới Trung Quốc mua các sản phẩm này.

Truyền thông Brazil loan tin rằng chuyến hàng y cụ trực chỉ tới bang Bahia của Brazil đã bị chuyển hướng về Mỹ tại một điểm quá cảnh ở Miami, Hoa Kỳ, sau khi lô hàng này được trả giá cao hơn.

Tuy nhiên, đại sứ Mỹ tại Brazil ngày 7/4 đã bác bỏ cáo buộc này của phía Brazil.

“Chính phủ Mỹ không mua cũng không ngăn trở vật phẩm chở tới Brazil. Các tin tức đó là thất thiệt. Chúng tôi đang điều tra,” đại sứ Mỹ Todd Chapman nói với báo giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG