Hoa Kỳ và hàng chục đồng minh khác cáo buộc Triều Tiên vi phạm hạn mức dầu tinh chế trong khuôn khổ lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc bằng con đường chuyển hàng bí mật từ tàu này sang tàu kia giữa biển, theo một tài liệu mà Reuters nhìn thấy hôm 12/6.
Lời tố cáo do Mỹ đứng đầu gửi đến Ủy ban cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liệt kê 79 lần chuyển giao nhiên liệu bất hợp pháp trong năm nay của Bình Nhưỡng và kết luận rằng quốc gia đông bắc Á này đã vi phạm hạn mức 500.000 thùng dầu mà Liên Hiệp Quốc áp đặt hồi tháng 12 năm 2017.
“Những hạn chế lên nhập khẩu dầu tinh chế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là rất quan trọng trong việc duy trì áp lực lên nước này, bao gồm các bên chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, để đạt được việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn có thể kiểm chứng được,” bản báo cáo gửi cho Ủy ban trừng phạt Triều Tiên viết.
Cáo buộc này, được đề ngày 11/6, trùng với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông đã nhận được một lá thư ‘rất lịch sự’ từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Washington đang tìm cách tạo dựng lại thời cơ cho các cuộc thương thuyết đang bị đình trệ với Bình Nhưỡng nhằm để thuyết phục Triều Tiên giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Sau khi có lời lẽ nhục mạ qua lại và giọng điệu chiến tranh với ông Kim vào đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump trong năm qua đã liên tục ca ngợi ông Kim. Họ đã tổ chức hai cuộc họp thượng đỉnh trong lúc ông Trump tìm cách biến điều mà ông cho là mối quan hệ cá nhân nồng ấm thành đột phá ngoại giao.
Phái đoàn Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận về cáo buộc của Mỹ.
Mỹ và khoảng trên hai mươi quốc gia đã đề nghị Ủy ban cấm vận của Hội đồng Bảo an yêu cầu dừng ngay lập tức việc giao dầu tinh chế cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, ủy ban gồm 15 thành viên này hoạt động dựa trên sự nhất trí và các đồng minh của Bình Nhưỡng như Trung Quốc và Nga đã phong tỏa một yêu cầu tương tự của Mỹ một năm trước đây với lý do là họ cần thêm chi tiết về cáo buộc của Washington về 89 lần nhận dầu phi pháp của Triều Tiên trong năm tháng đầu tiên của năm 2018.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên kể từ năm 2006 trong nỗ lực bóp nghẹt nguồn tài chính cho các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng. Theo đó, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu các mặt hàng như than, sắt, chì, sản phẩm dệt may, hải sản và đặt ra hạn mức nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế vào nước này.
Theo khuôn khổ của lệnh cấm vận Liên Hiệp Quốc, các quốc gia buộc phải báo cáo cho Ủy ban trừng phạt Triều Tiên số lượng dầu tinh chế họ giao cho Triều Tiên mỗi tháng. Theo ủy ban này thì chỉ có Nga và Trung Quốc đã báo cáo sản lượng dầu họ bán hợp pháp cho Bình Nhưỡng trong vòng hai năm qua.
Mặc dù lời tố cáo của Mỹ không nêu danh quốc gia nào mà họ tin là đang cung cấp dầu để chuyển từ tàu sang tàu cho Triều Tiên trên biển, nhưng bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, hồi tháng 9 đã cáo buộc Nga là ‘gian dối’ về lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc này.