Các bộ trưởng tài chính Liên hiệp châu Âu. EU, đạt được một thỏa thuận mang tính khai thông, sẽ khiến những người gian lận thuế khó cất giấu tiền hơn. Luật mới - vốn bị ngăn chận từ nhiều năm qua bởi những nước nổi tiếng là những nơi lý tưởng để trốn thuế - đã được thông qua hồi tuần trước sau khi Luxembourg và Áo đồng ý bãi bỏ phiếu phủ quyết. Tuy nhiên theo tường trình của thông tín viên VOA Mil Arcega điều này không có nghĩa là thành phần trốn thuế không còn nơi nào để cất giấu tiền.
Ở những nước, như Luxembourg chẳng hạn, nơi mà bí mật ngân hàng thường được xem như chuẩn mực, viên chức đặc trách về thuế khóa cao cấp nhất của châu Âu, ông Algirdas Semeta nói rằng các khách hàng gửi tiền sẽ không còn có thể cất giấu tiền dưới đôi mắt xoi mói của chính phủ nữa. Ông nói:
“Chỉ thị được sửa đổi hứa hẹn tính minh bạch hoàn toàn và lâu dài ở châu Âu. Bí mật ngân hàng đã cáo chung, và sự trao đổi thông tin tự động sẽ được áp dụng trong hình thức rộng rãi nhất.”
Luxembourg đồng ý chia sẻ thông tin ngân hàng với các nước thành viên bắt đầu từ năm 2017, nước Áo đã tỏ dấu hiệu có những dự định tương tự vào năm 2018.
Phân tích gia Jacob Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson gọi thỏa thuận này là một bước ngoặt trong nỗ lực chấm dứt tình trạng trốn thuế trên toàn cầu. Ông nói:
“Đây là một diễn biến rất quan trọng và thực sự là kết quả cao nhất có được - ít nhất trong các nước EU đã tranh đấu cả một thập niên dài bởi một số chính phủ Pháp, Ý, và Đức – để thực sự hạn chế lề lối kinh doanh từ lâu đời về các tài khoản nặc danh ở nước ngoài, nếu bạn thích, trong các nước EU khác.”
Nhiều thập kỷ giữ bí mật ngân hàng đã giúp xác lập Luxembourg như một trong những trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, nơi mà tiền gửi ngân hàng hiện nay có trị giá trên 10 lần Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP). Và Thụy Sĩ – nơi đã từng là một trong những thiên đàng trốn thuế lớn nhất – năm ngoái đã chấm dứt việc giữ bí mật ngân hàng, sau áp lực pháp lý mạnh mẽ từ các nước châu Âu và Hoa Kỳ.
Mặc dù những người trốn thuế vẫn có thể cất giấu tiền ở những nước kém phát triển hơn, nơi mà các quy định ít nghiệm ngặt hơn, nhà phân tích Kirkegaard cho rằng những lựa chọn và lợi ích để làm việc này đang thu hẹp lại. Ông nói:
“Quý vị có thể tới những nơi như Dubai, một số người đề cập đến Singapore, tuy nhiên Singapore cũng vừa mới gia nhập các nỗ lực này, vì vậy có thể trở nên ngày càng khó khăn để giữ tiền của quý vị ở một nơi đã có sẵn.”
Một số kinh tế gia ước tính có lẽ có đến 8% của cải tài chính trên thế giới – tức là hơn 7 ngàn tỷ đôla – được cất giấu ở các nước được xem thiên đường trốn thuế. Nếu toàn bộ số tiền bất hợp pháp này được báo cáo đúng mức thì những ước tính dè dặt cho rằng số tiền thu thuế trên thế giới sẽ tăng khoản trên 200 tỷ đôla một năm.