Đường dẫn truy cập

Khôi nguyên Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba qua đời


Một người biểu tình giương hình Lưu Hiểu Ba trước tòa đại sứ Trung Quốc tại Oslo, tháng 9, 2010.
Một người biểu tình giương hình Lưu Hiểu Ba trước tòa đại sứ Trung Quốc tại Oslo, tháng 9, 2010.

Nhà hoạt động chính trị người Trung Quốc, nhà văn, Khôi nguyên Nobel Hòa Bình, Lưu Hiểu Ba, qua đời tại một bệnh viện thuộc thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc, hưởng thọ 61 tuổi. Sở Tư Pháp thành phố Thẩm Dương ra thông báo chính thức cho biết.

Ông Lưu Hiểu Ba qua đời do căn bệnh ung thư gan, vốn được phát hiện vào tháng Năm, và được công khai hồi tháng Sáu.

Được biết đến với chiến dịch trường kỳ đấu tranh cho tự do, dân chủ của Trung Quốc, nhiều người coi ông Lưu là bậc anh hùng, trong khi ông lại là cái gai trong mắt chính quyền Bắc Kinh.

Trong suốt thời gian dài, ông đối mặt với sự sách nhiễu, quản thúc và giam cầm từ phía đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2010, ông Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải Nobel Hòa Bình, trở thành người Trung Quốc trong nước đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này, đồng thời cũng là một trong ba người nhận giải trong lúc bị giam giữ, sau ông Carl von Ossietzky quốc tịch Đức (1935) và bà Aung San Suu Kyi người Myanmar (1991).

Lưu Hiểu Ba sinh tại Trường Xuân, Cát Lâm, năm 1955 trong một gia đình trí thức. Ông phải trải qua những năm tháng đầy biến động của nước Trung Hoa hiện đại.

Khi phong trào đấu tranh dân chủ Thiên An Môn nổ ra vào năm 1989, ông đang là học giả thỉnh giảng tại đại học Columbia, New York. Ông Lưu sau đó trở về quê hương, tham gia phong trào vốn bị đàn áp dã man bởi chính quyền Cộng sản Trung Quốc.

Ông Lưu và những nhà hoạt động khác được ghi nhận là đã có công trong việc hạn chế bớt qui mô của cuộc tàn sát bằng cách thương lượng với các binh lính có vũ trang, mở một đường thoát trong hòa bình cho hàng ngàn sinh viên đang có mặt tại Thiên An Môn.

Ông Lưu sau đó bị bắt với tội danh “đứng đằng sau giật dây phong trào Thiên An Môn.” Mặc dù không phải chịu án hình sự và được phép đi ra nước ngoài, ông Lưu bị đuổi khỏi trường đồng thời bị quản thúc tại gia nếu vẫn tiếp tục sống trong nước. Ông Lưu Hiểu Ba được chính phủ Úc cấp quy chế tị nạn, nhưng ông từ chối.

Sau sự kiện Thiên An Môn, ông Lưu bị giam tổng cộng ba lần, nhưng vẫn tiếp tục tranh đấu cho những cải cách chính trị. Kể từ năm 1999 đến 2008, ông dành toàn bộ thời gian của mình cho việc viết văn, cũng như giúp thành lập Trung tâm Văn bút Độc lập trung Quốc, một diễn đàn cho phép các nhà văn, nhà báo tự do bày tỏ chính kiến của mình. Ông Lưu từng ba lần được bầu làm chủ tịch của tổ chức này.

Năm 2008, Lưu Hiểu Ba giúp soạn thảo “Hiến Chương 08”, kêu gọi cho nhân quyền, tự do bầu cử. Hiến chương này được cho lưu hành vào đúng ngày 10 tháng 12, ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cũng như kỷ niệm 60 năm ngày phát hành Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Ngay trước khi Hiến chương 08 được phát tán, Lưu Hiểu Ba bị bắt với tội danh nghi ngờ khích động lật đổ quyền lực nhà nước, chịu án 11 năm tù. Tháng 10 năm 2010, ông được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Tại lễ trao giải, Hội đồng Nobel của Na Uy đã đặt một chiếc ghế trống trên sân khấu thay mặt cho Lưu Hiểu Ba, do ông không được phép tham dự.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ trích bản án mà Trung Quốc dành cho Lưu Hiểu Ba, cho rằng việc kết án những tiếng nói chính trị ôn hòa đã vi phạm những quyền con người cơ bản được quốc tế công nhận.

Liên minh Châu Âu, Đức, Pháp và nhiều nước khác cũng đồng thời bày tỏ mối quan ngại tương tự. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, cùng với cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Madela và 15 khôi nguyên Nobel Hòa bình khác, cũng đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho Lưu Hiểu Ba.

Năm 2009, lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, một khôi nguyên Nobel Hòa bình, cho rằng việc tù đày một người chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt đã đi ngược lại hoàn toàn các công ước quốc tế về quyền con người.

Ông Lưu Hiểu Ba vẫn bị giam trong tù khi tình hình sức khoẻ có những chuyển biến xấu, và chỉ được đưa vào bệnh viện vài tuần trước khi ông qua đời. Gia đình ông nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc cho phép đưa ông sang Mỹ hoặc Đức để chữa trị căn bệnh ung thư gan, tuy nhiên đều bị từ chối.

Khôi nguyên Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba qua đời ở tuổi 61.

(Bài viết được chuyển ngữ từ bản Anh Ngữ của ban Quan Thoại, VOA)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG