Đường dẫn truy cập

Chính sách mới của hãng H&M tăng lương công nhân ở Kampuchea


Một cửa hàng thời trang của hãng H&M, Hennes & Mauritz, chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới, ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. REUTERS/Arnd Wiegmann
Một cửa hàng thời trang của hãng H&M, Hennes & Mauritz, chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới, ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. REUTERS/Arnd Wiegmann
Ðại công ty may mặc H&M của Thụy Ðiển mới đây loan báo một chương trình tăng lương cho công nhân ngành may tại các nhà máy làm hợp đồng cho công ty trên khắp thế giới, kể cả ở Kampuchea, nơi công ty là khách mua hàng đứng đầu.

Thông báo của H&M được đưa ra vào cuối một năm có nhiều biến động trong khu vực may mặc ở Kampuchea và các nơi khác.

Trong những tuần lễ sắp tới, chính phủ Kampuchea sẽ thông báo tăng mức lương tối thiểu hàng tháng từ 75 đôla hiện nay cho công nhân ngành may mặc. Mức tăng lương chưa rõ, nhưng giới hữu trách đang bị áp lực phải cải thiện lương hướng và điều kiện làm việc trong công nghiệp quan trọng nhất nước này.

Áp lực đó một phần mang tính chính trị. Phe đối lập đã đạt được thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử tháng Bảy, một phần nhờ lời hứa tăng gấp đôi mức lương tối thiểu. Lời cam kết đó đã thu phục được 400.000 công nhân may mặc trong nước, đa số là giới nữ trẻ tuổi nuôi sống các gia đình nghèo khó ở nông thôn.

Cũng có các yếu tố khác nữa: 2013 là một năm sôi động cho khu vực may mặc của Kampuchea, với các cuộc đình công đôi khi đầy bạo động về lương bổng đã đứng yên.

Một cửa hàng H&M ở Atlanta, Mỹ
Một cửa hàng H&M ở Atlanta, Mỹ
Hồi tháng 10, chủ tịch ban quản trị H&M, ông Karl-Johan Persson, đã thảo luận về lương hướng với Thủ tướng Hun Sen ở Kampuchea và họp với các công đoàn địa phương. Ngay sau chuyến thăm, H&M đã công bố một lộ đồ 5 năm, nhắm mục đích một phàn để bảo đảm mức lương đủ sống cho công nhân và mỗi năm xét duyệt lại lương công nhân.

Lộ đồ sẽ được thử nghiệm vào năm tới tại một nhà máy ở Kampuchea và hai nhà máy ở Bangladesh.

Bà Anna Gedda là giám đốc về xã hội của H&M. Bà nói:

“Chúng tôi là một trong những nhãn hiệu lớn nhất trong công nghiệp này, và dĩ nhiên với tầm cỡ đó luôn luôn kèm theo trách nhiệm. Và chúng tôi cảm thấy chúng tôi nên thực sự đi đầu trong vấn đề này. Do đó chúng tôi đã khai triển lộ đồ toàn diện này hướng tới việc đạt được các mức lương đủ sống và công bằng cho những người cung cấp hàng cho chúng tôi.”

Theo lộ đồ, H&M sẽ trả cho các nhà máy của các nhà thầu phụ đủ để bảo đảm là công nhân kiếm tiền đủ để trang trải các nhu cầu cơ bản của họ - điều gọi là mức lương công bằng đủ sống. Công ty cũng sẽ có biện pháp cải thiện quan hệ công nghiệp, củng cố các công đoàn và hợp tác với các chính phủ để cổ súy cho quyền lao động.

Bà Gedda nói tiếp: “Chúng tôi dĩ nhiên coi đây là một sự đầu tư vào việc cống hiến cho khách hàng – chúng tôi biết đó là một điều rất quan trọng cho khách hàng của chúng tôi, nhưng tôi có thể nói rằng đây cũng là điều chúng tôi nghĩ sẽ có lợi và mang về lợi nhuận cho chúng tôi và cho những nhà cung cấp hàng về lâu về dài.”

Các vụ tranh chấp công nghiệp không phải là điều lạ trong công nghiệp may mặc của Kampuchea, mà trong hai thập niên vừa qua đã tăng từ mức số không lên tới bốn tỷ đôla một năm trong ngành xuất khẩu. Ðó là cột trụ của nền kinh tế và là nguồn thu nhập ngoại tệ chính, với phần lớn sản phẩm đưa qua Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu.

Một công nhân may mặc sống sót trong vụ sập tòa nhà Rana Plaza, tham gia vào một cuộc biểu tình phản đối với con gái, yêu cầu bồi thường, nhân kỷ niệm sáu tháng sau khi vụ việc xảy ra
Một công nhân may mặc sống sót trong vụ sập tòa nhà Rana Plaza, tham gia vào một cuộc biểu tình phản đối với con gái, yêu cầu bồi thường, nhân kỷ niệm sáu tháng sau khi vụ việc xảy ra
Mặc dù điều kiện làm việc khó khăn ở Kampuchea, các điều kiện này còn tệ hại hơn ở một số nước sản xuất hàng may mặc. Sự kiện đó đã được nêu bật hồi tháng Tư khi hơn 1.100 công nhân thiệt mạng trong vụ sập một tòa nhà trong khu Rana Plaza ở Bangladesh. Tai nạn đã khiến cả thế giới chú ý và thuyết phục một số thương hiệu cần phải có sự thay đổi.

Ông Dave Welsh, đại diện ở Kampuchea của Trung tâm Ðoàn kết, một tổ chức bất vụ lợi có liên hệ với phong trào lao động của Hoa Kỳ, hoan nghênh quyết định của H&M.

Ông Welsh nói không phải là điều bí mật khi chính phủ Kampuchea e sợ khách hàng trong ngành may mặc đầy cạnh tranh có thể sẽ bỏ rơi nước này nếu tăng lương quá nhanh. Tuy nhiên, lộ đồ được đề ra bởi H&M, thành phần đóng vai trò chủ chốt trong khu vực may mặc ở đây, chắc hẳn sẽ xoa dịu những nỗi lo ngại đó.

Ông Welsh nói: “Tôi hiểu mối quan ngại ấy, nhưng họ đã có H&M chính thức tuyên bố rằng họ không những sẽ không rút ra, mà còn đơn phương cam kết bảo đảm rằng ít nhất tại các nhà máy của họ, mức lương được trả là đủ sống. Nếu bốn hay năm thương hiệu khác cũng tham gia sân chơi và đưa ra cam kết như thế, thì chính phủ Kampuchea sẽ thực sự không thể viện cớ mà nói rằng đây có thể là công nghiệp mẫu mực trong việc áp dụng trả mức lương đủ sống cho công nhân ngành may mặc.”

H&M dự kiến đến năm 2018, tất cả 750 trong số các nhà máy mà họ sử dụng sẽ hội đủ tiêu chuẩn, đem lại lợi ích cho khoảng 850.000 công nhân ngành may mặc trên khắp thế giới.

Trong khi một số nhà hoạt động muốn chương trình của H&M khởi sự nhanh hơn thì nhiều công đoàn đã hoan nghênh chương trình đó.

Các nhà máy phụ trách sản xuất cho các thương hiệu như H&M, Gap và Nike cũng ủng hộ chương trình.

Ông Ken Loo là tổng giám đốc Hiệp hội Sản xuất hàng May mặc ở Kampuchea, là cơ quan đại diện cho các nhà thầu phụ.

Ông Loo nhận định: “Chương trình này tốt bởi vì chung cuộc người mua là những người có khả năng chi trả, vì thế nếu họ là những người thúc đẩy chương trình, thì điều đó là tốt bởi vì có nghĩa là họ sẵn sàng chi trả thêm cho nhà sản xuất, cho các phân xưởng, và nếu họ thêm trả cho chúng ta, thì chúng ta sẽ có khả năng trả thêm cho công nhân của chúng ta. Như thế là tốt, là tuyệt.”

Hàng trăm công nhân may mặc ở Phnom Penh, Kampuchea, đình công phản đối đòi tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn tại nhà máy M&V International Manufacturing Limited, nơi phụ trách sản xuất quần áo của hãng H&M
Hàng trăm công nhân may mặc ở Phnom Penh, Kampuchea, đình công phản đối đòi tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn tại nhà máy M&V International Manufacturing Limited, nơi phụ trách sản xuất quần áo của hãng H&M
Các thành viên của ông Loo thường than phiền rằng họ bị kẹt vào vòng lẩn quẩn, người mua ép họ giảm chi phí, và công nhân thì lại đòi tăng lương.

Ông cảnh báo rằng nhiệt tình của họ đối với lộ đồ của H&M dựa vào việc lộ đồ được tài trợ bởi H&M và bởi bất cứ thương hiệu nào có thể đăng ký.

Vào lúc này, chưa rõ được điều đó sẽ vận hành ra sao. H&M nói họ sẽ không tăng giá đối với người tiêu thụ, có nghĩa là chi phí sẽ lại dồn xa hơn trong hệ thống.

Một số sẽ xuất phát từ H&M, là phía sẽ tăng mức họ trả cho bên cung cấp.

Nhưng công ty Thụy Ðiển có trông đợi rằng lộ đồ này sẽ cải thiện được sản lượng của các nhà máy. Ðược hỏi liệu H&M có trang trải tất cả các chi phí tăng thêm hay liệu công ty có trông đợi các nhà thầu phụ chia sẻ gánh nặng hay không, bà Anna Gedda nói chuyện này sẽ được thẩm định trên cơ sở từng trường hợp một.

Vấn đề khác là có bao nhiêu thương hiệu sẽ theo gương H&M. Cho tới nay chưa có thương hiệu nào làm như vậy. Tuy nhiên H&M sẵn sàng thừa nhận rằng làm cho lộ đồ có hiệu quả, nhất là tại các nhà máy mà họ chung với các thương hiệu khác, sẽ đòi hỏi các thương hiệu này phải tham gia, cũng như phải có sự hỗ trợ của các công đoàn, các nhà máy và các chính phủ.

Ông Jason Judd, một chuyên gia kỹ thuật tại Tổ chức Lao động Quốc tế, cơ quan lao động của Liên Hiệp Quốc, nói rằng chương trình này sẽ gặp khó khăn trừ phi các thương hiệu khác tham gia. Ông Judd tin rằng cuối cùng họ sẽ phải cứu xét việc ấy.

Ông lập luận: “Ðiều không thể tránh khỏi là nếu chương trình của H&M có hiệu quả như được mô tả, thì các thương hiệu khác sẽ cảm thấy bị áp lực bởi vì họ ở cùng trong nhiều nhà máy. Chính phủ cũng sẽ cảm thấy cũng bị áp lực như thế bởi vì rốt cuộc chính phủ có trách vụ thực thi việc định mức lương và họ đang ở trong một tình thế ấy ngay lúc này.”

Trong khi đó, công nhân may mặc của Kampuchea đang chờ đợi để nghe xem họ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền vào năm tới. Hiện đã có một số công đoàn độc lập đe dọa sẽ có thêm biện pháp nếu mức lương tối thiểu không tăng gấp đôi lên tới 150 đôla.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG