Đường dẫn truy cập

Lục quân Mỹ sẽ tài trợ nhà máy đất hiếm để phát triển vũ khí


Rặng núi ở đông bắc Wyoming chứa quặng đất hiếm loại tốt nhất Bắc Mỹ (ảnh tư liệu 2011)
Rặng núi ở đông bắc Wyoming chứa quặng đất hiếm loại tốt nhất Bắc Mỹ (ảnh tư liệu 2011)

Lục quân Hoa Kỳ có kế hoạch tài trợ cho việc xây dựng các cơ sở chế biến đất hiếm, là một phần trong nỗ lực khẩn cấp của Washington nhằm đảm bảo nguồn cung các khoáng sản trong nước dùng để chế tạo vũ khí và đồ điện tử quân sự, Reuters cho biết trong một bản tin độc quyền, dẫn tài liệu của chính phủ Mỹ mà họ được xem.

Động thái này sẽ là một dấu mốc về việc lần đầu tiên quân đội Hoa Kỳ đầu tư tài chính vào sản xuất đất hiếm có quy mô thương mại kể từ khi Dự án Manhattan thời Thế chiến II chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên.

Chương trình nêu trên ra đời sau khi Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm nay ra lệnh cho quân đội cập nhật chuỗi cung các vật liệu quan trọng, ông cảnh báo rằng sự lệ thuộc vào các quốc gia khác về khoáng sản chiến lược có thể là trở lực đối với hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Trung Quốc, nước tinh chế hầu hết các loại đất hiếm trên thế giới, đã đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu các khoáng sản chuyên dụng sang Hoa Kỳ. Họ sử dụng thế độc quyền như một con bài trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đơn vị của Lục quân Mỹ giám sát về đạn dược hồi tháng trước đã yêu cầu các hãng khai khoáng nộp hồ sơ về chi phí cho một nhà máy thí điểm để sản xuất loại đất hiếm nặng, một loại khoáng sản chuyên dụng khá hiếm được sử dụng trong vũ khí, theo tài liệu của chính phủ Mỹ mà Reuters được xem.

Hạn nộp hồ sơ là ngày 16/12. Một số quan chức của các công ty và các nguồn thạo tin cho Reuters biết là nhiều khả năng UCore, Texas Mineral Resources Corp và một liên doanh giữa Lynas Corp và Blue Line Corp sẽ nộp hồ sơ.

Lục quân Mỹ nói họ sẽ tài trợ tới 2/3 chi phí cho nhà máy tinh chế và họ sẽ tài trợ cho ít nhất một dự án, và có thể sẽ tài trợ nhiều hơn nữa. Các bên nộp hồ sơ phải đưa ra kế hoạch kinh doanh chi tiết và cho biết rõ nguồn quặng của họ ở đâu, bên cạnh các yếu tố khác.

Động thái mới nhất này của Lục quân, một bộ phận của Lầu năm góc, được đưa ra sau một nghiên cứu quân sự hồi đầu năm nay về tình trạng chuỗi cung đất hiếm của Hoa Kỳ.

Căng thẳng về đất hiếm giữa Mỹ và Trung Quốc có nguồn gốc ít nhất là từ năm 2010, khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sang Nhật Bản sau một tranh chấp ngoại giao, làm cho giá các kim loại cao cấp này tăng vọt và gây lo ngại cho quân đội Hoa Kỳ là Trung Quốc có thể làm điều tương tự với Hoa Kỳ.

Một nhà máy thí điểm xử lý đất hiếm có thể có giá từ 5 triệu đến 20 triệu đô la, tùy thuộc vào vị trí, quy mô và các yếu tố khác; còn một nhà máy quy mô hoàn chỉnh có thể tốn đến hơn 100 triệu đô la để xây dựng, các lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành này cho biết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG