Đường dẫn truy cập

Lực lượng dân quân biển: Chiến lược mới của Bắc Kinh ở Biển Đông


Bức ảnh chụp qua cửa sổ máy bay quân sự cho thấy sự lấn chiếm của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Bức ảnh chụp qua cửa sổ máy bay quân sự cho thấy sự lấn chiếm của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Trung Quốc đang mở rộng vai trò của dân quân biển, biến lực lượng này thành một ‘hạm đội’ đánh cá mới ở Biển Đông, một động thái có thể gây thêm căng thẳng trong khu vực tranh chấp. Tờ Want China Times dẫn lời của một chuyên gia nghiên cứu quốc tế cho biết như vậy trong cuộc hội thảo 2 ngày tại Trung tâm Phân tích Hải quân, Mỹ, hôm 3/8.

Theo chuyên gia Trương Hồng Châu của trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, dân quân biển của Trung Quốc là một trong những lực lượng ít được để ý tới trong việc phô trương sức mạnh của Trung Quốc. Trước đây, chính quyền Trung Quốc thường sử dụng lực lượng này để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ giải cứu các tàu bị mắc cạn đến việc cập bờ ở các hòn đảo có tranh chấp. Để tăng cường hoạt động cho lực lượng này, lần đầu tiên Bắc Kinh xem xét đến việc hình thành đội tàu đánh cá quốc doanh đầu tiên, truyền thông quốc tế trích lời ông Trương.

“Có vẻ như Trung Quốc đang xây dựng một đội tàu đánh cá quốc doanh cho lực lượng dân quân biển của họ ở Biển Đông”.

Trên thưc tế, việc tăng cường vai trò cho lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã có từ năm 2013 khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm thị trấn đánh cá Đàm Môn thuộc tỉnh Hải Nam. Ông Tập nói nhiệm vụ của lực lượng này không chỉ là dẫn đầu về các hoạt động đánh bắt cá trong khu vực, mà còn là thu thập các thông tin về biển và hỗ trợ việc xây đảo nhân tạo và các bãi đá.

Có một đội tàu đánh cá quốc doanh đồng nghĩa với việc lực lượng dân quân biển Trung Quốc không còn phải phụ thuộc vào các tàu cá thuê mướn nữa, mà đội tàu đánh cá quốc doanh sẽ cung cấp tàu cho họ.

“Những chiếc tàu này đương nhiên là sẽ được triển khai ở Trường Sa”, ông Trương khẳng định.

Theo ông Trương, sự thay đổi chiến lược của chính quyền còn phản ánh thất vọng về sự bất lực của Bắc Kinh trong việc quản lý ngư dân. Sau một chuỗi các vấn đề đang gia tăng, bao gồm những khiếu nại đang diễn ra về mức trả lương thấp cho việc tham gia vào các sáng kiến của chính quyền, chẳng hạn như việc tham gia bảo vệ giàn khoan dầu 981 của Trung Quốc khi xảy ra đụng độ với Việt Nam hồi năm ngoái. Chính vì vậy mà Bắc Kinh đã quyết định tăng cường kiểm soát và chỉ đạo các hoạt động của lực lượng này.

Quyết định mở rộng vai trò của lực lượng dân quân biển được xem là một âm mưu của Bắc Kinh vừa kiểm soát được ngư dân, vừa củng cố vị thế của Trung Quốc ở Trường Sa.

Đối với ngư dân Trung Quốc, khu vực biển trên là một ngư trường đầy tiềm năng. Tỉnh Hải Nam gần đây đã đặt hàng 84 tàu đánh cá lớn cho thành phố Tam Sa. Thành phố này nằm trên một hòn đảo có tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và có trách nhiệm quản lý cả 2 quần đảo Trường Sa và Trung Sa. 10 chiếc sẽ được giao trước cuối năm 2015 để tăng cường cho lực lượng hiện tại ở đây đã có 4 chiếc. Do đó, việc hoàn tất một đội tàu đánh cá như trên phải mất một thời gian nữa, theo ông Trương, có thể là một vài năm.

Nhà nghiên cứu ở Singapore cũng cảnh báo việc tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh có thể sẽ làm gia tăng tranh chấp trong khu vực và làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc vì những hoạt động bất hợp pháp mà lực lượng này có thể sẽ thực hiện trong khu vực đang có tranh chấp với các nước láng giềng.

Nguồn: Want China Times, World Bulletin.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG