Lực lượng an ninh Myanmar sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán một cuộc biểu tình ở Yangon vào ngày thứ Bảy, chỉ vài giờ sau khi một đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Hội đồng Bảo an có hành động đối với chính quyền quyền sự cầm quyền về những vụ sát hại người biểu tình, theo Reuters.
Quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ và câu lưu nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi vào ngày 1 tháng 2, với các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày đã làm đình trệ hoạt động kinh doanh và tê liệt công việc hành chính.
Các cuộc biểu tình lẻ tẻ được tổ chức khắp Myanmar vào ngày thứ Bảy và truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán một cuộc biểu tình ở quận Sanchaung của Yangon, thành phố lớn nhất của đất nước. Không có báo cáo về thương vong.
Hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính, theo Liên Hiệp Quốc - ít nhất 38 chỉ riêng trong ngày thứ Tư. Người biểu tình đòi trả tự do cho bà Suu Kyi và tôn trọng cuộc bầu cử vào tháng 11 mà đảng của bà giành chiến thắng áp đảo, nhưng quân đội đã bác bỏ.
Quân đội nói rằng họ đã kiềm chế trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình, nhưng cũng nói họ sẽ không cho phép biểu tình đe dọa sự ổn định.
Tối ngày thứ Sáu, nhà chức trách đã đào mộ của một cô gái 19 tuổi, người đã trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình sau khi cô bị bắn chết mặc chiếc áo thun có dòng chữ “Everything will be OK,” một người mục kích và truyền thông địa phương cho biết.
Một người mục kích cho biết thi thể của Kyal Sin, được nhiều người biết tới với cái tên Angel (Thiên thần), đã bị bốc đi vào ngày thứ Sáu, giảo nghiệm và trả về, trước khi ngôi mộ được niêm phong trở lại ở thành phố Mandalay lớn thứ hai của Myanmar. Hãng thông tấn Mizzima độc lập cũng đưa tin về sự kiện này.
Reuters cho biết một phát ngôn viên quân đội không hồi đáp các cuộc gọi tìm kiếm bình luận. Reuters không thể liên lạc được với cảnh sát để yêu cầu bình luận.
Việc sát hại những người biểu tình đã thu hút sự phẫn nộ của quốc tế.
“Việc sử dụng bạo lực nhắm vào người dân Myanmar phải chấm dứt ngay bây giờ,” Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói trên Twitter, kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người bị giam giữ khác và khôi phục nền dân chủ.
Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt các chế tài hạn hẹp nhắm vào chính quyền quân sự và nhà điều tra nhân quyền độc lập của Liên Hiệp Quốc về Myanmar, Thomas Andrews, đã kêu gọi một lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và các chế tài kinh tế có nhắm mục tiêu.