Một luật sư nhân quyền của Trung Quốc đã chết đột ngột trong bệnh viện hôm 26/2 vì suy gan, bỏ lại vợ và con trai 8 tuổi, một nguồn tin cho Reuters biết.
Cái chết của luật sư từng ngồi tù trước đây làm dấy lên nghi ngờ vì ông không uống bia rượu và “trông khỏe khoắn” hồi đầu tháng này.
Ông Li Baiguang là một luật sư nhân quyền Kitô giáo và thường gặp gỡ các giới chức cao cấp ở Hoa Kỳ. Một nguồn thạo tin nói với Reuters rằng Luật sư Li Baiguang đã chết tại Bệnh viện Quân đội Số 81 ở Nam Kinh, miền đông Trung Quốc.
“Sau cơn bộc phát bệnh đột ngột và những nỗ lực cứu ông thất bại, ông ấy đã qua đời. Ông ấy không kiểm tra sức khỏe gần đây nên chúng tôi không biết liệu có nguyên nhân bệnh từ trước hay không”, nguồn tin này nói và yêu cầu giấu tên vì lý do nhạy cảm của vụ này.
Bệnh viện nơi ông Li chết đã từ chối bình luận với Reuters, nói rằng họ không thể tiết lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân.
Năm 2008, ông Li nhận được giải thưởng của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington và được tài trợ phần lớn bởi Quốc hội Hoa Kỳ, vì công việc bảo vệ cho các mục sư Cơ Đốc bị bắt.
Bob Fu, một người Mỹ gốc Hoa sống tại Hoa Kỳ, bạn thân của ông Li, cho biết cái chết của luật sư này rất đáng ngờ. Những năm gần đây, một số nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc cũng đã chết vì suy gan trong lúc bị giam cầm.
Ông Li từng bị chính quyền Trung Quốc tống giam trước đây, trong đó có vụ bắt giữ ông hồi tháng 10 năm ngoái. “Không rõ liệu ông ấy có bị nhà chức trách thẩm vấn gần đây hay không, nhưng ông ấy không bị giam giữ trong lúc đổ bệnh”, Reuters dẫn lời ông Fu nói.
“Ông Li không uống bia rượu, cũng không hút thuốc. Một người mà bị suy gan qua một đêm ở tuổi 49 là khó có thể tin được”, ông Fu nói thêm.
Theo lời người bạn thân này, ông Li “trông hoàn toàn khỏe khoắn” hồi đầu tháng này trong chuyến thăm Washington, nơi ông đã gặp các giới chức Mỹ.
Bộ Công an Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về vụ này.
Trung Quốc tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề cưỡng ép nhận tội, đánh đập và tra tấn trong hệ thống hình sự. Bắc Kinh cũng thường xuyên bác bỏ những chỉ trích về nhân quyền, nói rằng Trung Quốc là một quốc gia pháp quyền.
Theo báo cáo của tổ chức bênh vực nhân quyền Trung Quốc có trụ sở ở Hồng Kông, tình trạng ngược đãi của chính quyền Trung Quốc có thể đã trực tiếp góp phần vào cái chết của ông Lưu Hiểu Ba và nhà hoạt động nhân quyền Yang Tongyan hồi năm ngoái.