Nhiều luật sư đã gửi đơn kiến nghị lên các quan chức cấp cao nhất của nhà nước, trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi “rà soát” các đập thủy điện, sau vụ một đập xả lũ, gây thiệt hại cho dân ở tỉnh Hà Tĩnh.
Trong đơn gửi cho ‘tứ trụ’ gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng hôm 18/10, một nhóm luật sư viết: “Từ lâu nay mưa lũ là hiện tượng thiên tai bất thường, theo thời gian người dân đã tích lũy kinh nghiệm biết cách ứng phó với mưa lũ giúp giảm bớt hậu quả của thiên tai. Nhưng vài năm trở lại đây nhiều đập thủy điện được xây dựng đã góp phần làm tăng thêm hậu quả tai hại của mưa lũ. Đập thủy điện xả nước đã phá vỡ quy trình dòng chảy khiến người dân không thể ứng phó, gây thiệt hại tổn thất không biết bao nhiêu mà kể”.
Luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội, một trong những người ký vào đơn, nói thêm với VOA Việt Ngữ về kiến nghị này:
“Đứng trước sự kiện bão lũ, gây chết nhiều người và ngập chìm tài sản của người dân như thế thì tôi có định hình được rằng thủy điện Hố Hô nằm giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, nó xả lũ như thế, nó là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như vậy. Tôi cho rằng phải đập bỏ nó đi nên đã soạn một kiến nghị. 12 luật sư khác cùng với tôi là 13 người đã nhất trí với nội dung đó và gửi đi các cơ quan, đề nghị thanh tra, kiểm tra làm rõ xem có đúng là cái đập thủy điện này nó xả nước dẫn tới ngập chìm nhà cửa hay không, và nếu đúng như thế thì phải đập bỏ nó đi”.
Trong đơn, các luật sư từ nhiều vùng của đất nước dẫn lời báo chí nói thêm về vụ "nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt hôm 14/10 khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê ngập sâu trong biển nước".
Các luật sư viết tiếp: “Như vậy là đã rõ, có yếu tố nhân tai trong tai họa này. Đập thủy điện xả nước là tác nhân góp phần làm trầm trọng thêm hậu quả mưa lũ làm chết nhiều người, nhấn chìm tài sản, hàng vạn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng các đập thủy điện đem lại lợi ích không bõ cho cái thiệt hại gây ra. Mạng người là vô giá, không thể để mạng dân cứ chết vơi mỗi năm một ít như thế được, không thể để cơ nghiệp của dân tích cóp bao năm tiêu tán dần vì lũ. Việc này nếu không xử lý dứt điểm thì với lòng tham và sự thiếu trách nhiệm rồi sẽ lại có lũ khác và người chết khác”.
Khi được hỏi là hy vọng chính quyền sẽ phản hồi như thế nào đối với đơn kiến nghị, luật sư Trai nói tiếp:
“Đơn thư gửi đi rồi nhưng không thấy phản hồi gì cả. Có thể họ nắm được thông tin, họ cũng nắm được kiến nghị như thế và chính quyền, các ban ngành, người ta sẽ xử lý công việc theo phạm vi, trách nhiệm của người ta. Chứ còn người ta cũng không phản hồi cho mình”.
Hôm 17/10, theo tờ Người Lao Động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện vừa qua, trong đó có việc xả lũ của thủy điện Hố Hô và nếu sai, phải đền bù người dân.
Tới ngày 19/10, tình trạng ngập lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã làm ít nhất 35 người chết và hơn 100 nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước, gây thiệt hại lớn về tài sản.