Sự ủng hộ của đảng cầm quyền Campuchia bị sụt giảm đáng kể trong cuộc bầu cử cách nay hai năm. Những người chỉ trích nói các nhà lập pháp hiện đang đẩy mạnh việc ban hành một loạt các đạo luật để đảm bảo là việc này không xảy ra nữa. Trong năm vừa qua, quốc hội đã thông qua những luật lệ về tư pháp, bầu cử và những tổ chức phi chính phủ. Theo tường thuật của thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA ở Phnom Penh, nhiều đạo luật nhắm vào các công đoàn và Internet đang được soạn thảo.
Có những lo ngại là 3 đạo luật gây tranh cãi mà quốc hội Campuchia thông qua trong những tuần lễ gần đây và 2 đạo luật khác sẽ được thông qua trong những tháng tới sẽ bị đảng cầm quyền lạm dụng trước cuộc tổng tuyển cử năm 2018 để đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và củng cố quyền hành của đảng cầm quyền.
Một loạt các đạo luật được ban hành tiếp sau kết quả gây sốc của cuộc bầu cử năm 2013, khi phe đối lập suýt chiếm được đa số.
Luật mới đây nhất trong số những đạo luật này là Luật về các Hiệp hội và những Tổ chức Phi chính phủ, hay còn gọi là LANGO, có ngôn từ mơ hồ, dành cho chính phủ những quyền hạn rộng lớn để đóng cửa bất cứ tổ chức phi chính phủ hay hiệp hội nào không đáp ứng được những đòi hỏi đăng ký và báo cáo chặt chẽ, hay làm nguy hại đến hòa bình, đoàn kết quốc gia và văn hóa.
Chính phủ cho rằng luật sẽ ngăn ngừa khủng bố và rửa tiền.
Chuẩn bị cho bầu cử
Ông Ou Virak, một nhà phân tích chính trị và là người sáng lập một tổ chức nghiên cứu địa phương có tên là Diễn đàn Tương lai, nói một loạt những hành động về lập pháp là để cho Thủ tướng Hun Sen chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2018.
“Chính phủ nói rõ là họ rất bất mãn đối với các tổ chức phi chính phủ và đặc biệt là những tổ chức phi chính phủ có tính cách chính trị, đề cập đến các kết quả bầu cử, than phiền về việc thiếu những cuộc bầu cử tự do và công bằng trong quá khứ, đặc biệt là những cuộc biểu tình diễn ra tiếp sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2013”.
Ông Virak nói những trang mạng xã hội như Facebook và YouTube đã trở thành một phương tiện thông dụng để giới trẻ Campuchia bày tỏ bất bình về những vấn đề chính trị nhạy cảm. Vì thế, hành động của chính phủ về mặt này hiện đang được đẩy mạnh.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu tự do Internet và tội phạm trên mạng sẽ được sử dụng như một vật tế thần để hạn chế một phương tiện truyền thông có thể phá hoại việc nắm quyền của đảng cầm quyền và phương tiện này chính là Internet”.
Đối phó với xã hội dân sự
Những nhà phân tích khác đồng ý là những đạo luật này nằm trong khuôn khổ của việc chuẩn bị của đảng CPP trước cuộc bầu cử sắp tới. Trong số những nhà phân tích này là nhà báo Sebastian Strangio, người vừa xuất bản cuốn "Campuchia của Hun Sen" viết về những diễn tiến chính trị ở nước này kể từ năm 1979.
Ông Strangio nói việc thông qua LANGO cho thấy những căn nguyên sâu xa hơn: (đó là) đối phó với xã hội dân sự, một lãnh vực mà đảng cầm quyền nghi ngờ rất nhiều kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử năm 1993 được Liên Hiệp Quốc ủng hộ.
“Và tôi nghĩ là trong cuộc bầu cử năm 2013 và trong hai thập niên kể từ khi có phái bộ Liên Hiệp Quốc, đảng CPP đã xem xã hội dân sự như đạo quân thứ 5 của những cường quốc thù nghịch phương Tây và họ hoảng sợ về lực lượng này. Do đó luật này, theo tôi nghĩ là một cách để không phải tiêu diệt xã hội dân sự hoàn toàn nhưng để cho chính phủ có một công cụ để chấp hành những hạn chế nghiêm nhặt mà họ đã lập ra”.
Về phần mình, chính phủ cho rằng những lo ngại đó không có cơ sở. Phó Thủ tướng Sar Kheng tuần qua nói rằng người dân không nên lo sợ chính phủ sẽ lạm dụng LANGO.
Tuy nhiên, hành pháp Campuchia kiểm soát hoàn toàn ngành tư pháp và thường xuyên lạm dụng luật pháp để phục vụ các mục tiêu chính trị.