Một công dân Đan Mạch đã bị một tòa án Malaysia tuyên án về tội tung tin giả hôm 30/4, vì đã chỉ trích không đúng cảnh sát trên mạng xã hội, người đầu tiên bị truy tố theo luật mới, luật chống tung tin giả.
Ông Salah Salem Saleh Sulaiman, 46 tuổi, một công dân Đan Mạch gốc Yemen, bị truy tố về tội tung tin giả sau khi ông tải lên YouTube một băng video, tố cáo cảnh sát đã mất tới 50 phút mới đáp ứng những lời kêu cứu sau khi một giảng viên người Palestine bị bắn hôm 21/4.
Cảnh sát Malaysia nói họ chỉ mất 8 phút để tới hiện trường vụ nổ súng ở thủ đô Kuala Lumpur. Theo cáo trạng chống ông Sulaiman, ông đã “cố tình phát tán tin giả qua băng video tải lên YouTube”.
Không được luật sư bảo vệ đầy dủ tại phiên tòa, ông Sulaiman tuyên bố nhận tội, nhưng ông nói băng video đã được tải lên trong “một lúc nóng giận”, và ông không cố ý làm hại bất cứ ai.
Ông Sulaiman nói:
“Tôi công nhận là tôi đã phạm một lỗi lầm… Tôi nghiêm túc xin lỗi tất cả mọi người ở Malaysia, không chỉ có cảnh sát Malaysia.”
Nội vụ khởi sự ngày 21/4 khi giảng viên người Palestine Faid al-Batsh bị hai người đàn ông bắn chết.
Một ngày sau án mạng, Thanh tra trưởng cảnh sát Malaysia Muhamad Fuzi Harun nói dựa trên các tài liệu do cảnh sát thu thập được thì cảnh sát nhận lời kêu cứu đầu tiên vào lúc 6:41 am, 8 phút sau, xe tuần tiễu của cảnh sát có mặt ở hiện trường.
Malaysia là một trong nước hiếm hoi hợp pháp hóa tội danh chống tin giả. Những người chỉ trích cho rằng luật này là nhằm đàn áp giới bất đồng và chống tự do ngôn luận trong thời gian dẫn đến tổng tuyền cử ngày 9/5/2018.
Những người vi phạm có thể bị phạt vạ tới 500.000 ringgit (128,000 USD) và tối đa 6 năm tù.
Thẩm phán phạt ông Sulaiman 10.000 ringgit, tương đương với 2,552 USD, nhưng ông chọn đi tù 1 tháng bởi vì ông không có đủ tiền để trả tiền phạt.
Luật chống tin giả chi phối cả những bài viết tải lên các trang mạng xã hội, và áp dụng cho cả những người phạm luật ở bên ngoài Malaysia, kể cả người nước ngoài nếu Malaysia hoặc một công dân Malaysia, bị tác động.
Chính quyền các nước khác ở Đông Nam Á, kể cả Singapore và Philippines, cũng đề nghị ban hành luật nhằm siết chặt sự lan truyền của “tin giả”, điều mà những người bênh vực tự do báo chí và tự do ngôn luận phản đối.