Đường dẫn truy cập

Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc bị chỉ trích


Lực lượng an ninh Trung Quốc tuần tra tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Lực lượng an ninh Trung Quốc tuần tra tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Các tổ chức nhân quyền đang chỉ trích bộ luật mới về an ninh quốc gia của Trung Quốc, và nói rằng luật này sẽ duy trì và mở rộng việc trấn áp bất đồng chính trị trong nước.

Quốc hội nặng phần nghi thức của Trung Quốc đã thông qua dự luật hồi hôm qua với 144 phiếu thuận và một phiếu trắng, theo Tân Hoa Xã.

Luật này cho phép nhà chức trách “thi hành tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo về chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo sự kiểm soát đầy đủ đối với mạng Internet vốn đã bị kiểm duyệt chặt chẽ trong nước. Dự luật này là phản ứng của Bắc Kinh trước tình hình an ninh quốc gia đã trở nên “ngày càng nghiêm trọng,” theo lời bà Trịnh Thục Na thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc NPC.

Tại một cuộc họp báo, bà Trịnh tuyên bố: “Chúng ta sẽ tiếp tục theo con đường phát triển hòa bình nhưng dứt khoát sẽ không từ bỏ các quyền hợp pháp của chúng ta và dứt khoát sẽ không hy sinh các lợi ích cốt lõi của đất nước.”

Giám đốc đặc trách Ủng hộ Quốc tế của Hội Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ, ông T. Kumar nói đây cơ bản là một mưu đồ của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường việc nắm quyền lực và bảo vệ quyền lực đó trước các thách thức của khối dân thường.

Ông nói bộ luật mới “sẽ khuyến khích công an và chính quyền làm những gì họ muốn làm.” Ông nói thêm: “Tình trạng nhân quyền sẽ xấu hơn, ngay bây giờ đã xấu rồi, nhưng sẽ còn tệ hại hơn nữa theo bộ luật này.”

Ông Brad Adams, giám đốc điều hành chi nhánh Á Châu của tổ chức Human Rights Watch, nói bộ luật mới nằm trong khuôn khổ nhiều biện pháp, “các luật chống khủng bố, luật hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ NGO, và hàng loạt những vụ trấn át dân chúng ở Trung Quốc vì tham gia và các sinh hoạt ôn hòa.”

Ông Adams nói điều đó có nghĩa là “Trung Quốc đã trở nên một quốc gia ngày càng áp bức hơn ngay cả trong khi rêu rao rằng mình đang trở nên dân chủ hơn.”

Ông nói thêm, “Tôi nghĩ sự kiện này sẽ dẫn tới một phản ứng trong xã hội Trung Quốc mà Đảng Cộng sản có thể hay không có khả năng kiểm soát được.”

Bộ luật mới bao gồm các biện pháp nhắm biến toàn bộ các hệ thống thông tin và hạ tầng cơ sở mạng lưới trở thành “an toàn và có thể kiểm soát được.”

Ông Adams nói các biện pháp này có thể có tác dụng hữu hiệu trong việc bịt miệng giới bất đồng, và hạn chế các NGO ở Trung Quốc. Ông nói bộ luật này là một sự bành trướng mưu toan của Chủ tịch Tập Cận Bình định kiểm soát tất cả mọi lãnh vực xã hội Trung Quốc.

Ông Adams nói: “Bộ luật mới này sẽ chỉ tạo điều kiện dễ dàng hơn để cung cấp một lý do hay lập luận rộng rãi hơn để đóng cửa các tổ chức, hay sử dụng luật hình sự đối với các cá nhân.”

Ông Kumar đồng ý như vậy. Ông nói, “Các NGO và những tổ chức khác chống đối chính phủ hay nêu ra những quan ngại có thể dễ dàng bị buộc tội theo các luật lệ này, và chính phủ có thể bỏ tù họ hay phạt vạ họ, hoặc làm bất cứ điều gì mà họ muốn để bịt miệng những người này.

Ông Adams kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy “cực kỳ thận trọng” với bộ luật này.

“Nếu họ không dành cho dân chúng một cơ hội để tham gia bình luận ôn hòa, thì nhiều người có thể sẽ phải sử dụng các hình thức chống đối khác, không lành mạnh cho đất nước.”

Tại một cuộc họp báo hôm qua, bà Trịnh bênh vực dự luật và nói rằng, “bất cứ chính quyền nào cũng sẽ nghiêm khác và không dành chỗ cho những tranh cãi, thỏa hiệp và can thiệp khi có liên quan đến việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình”.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định an ninh quốc gia là mối quan tâm hàng đầu. Năm ngoái, ông chủ tọa cuộc họp đầu tiên của ủy ban an ninh quốc gia. Trong những thách thức chính của Trung Quốc là những tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông và tình hình bất ổn ngày càng tăng có liên quan đển vùng Tân Cương. Trung Quốc nói nước này cũng là một mục tiêu hàng đầu của các vụ tấn công mạng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG