Đường dẫn truy cập

Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc có thể vươn xa cỡ nào?


Một người đàn ông mang khẩu trang cầm cờ Đài Loan tham dự cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc khánh Đài Loan tại quận Tsim Sha Tsui ở Hong Kong.
Một người đàn ông mang khẩu trang cầm cờ Đài Loan tham dự cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc khánh Đài Loan tại quận Tsim Sha Tsui ở Hong Kong.

Các nhà phân tích ngày càng lo ngại là luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, thoạt đầu nhằm dẹp tan bất đồng chính kiến tại Hong Kong, có thể được sử dụng để nhắm vào những người thuộc bất cứ quốc tịch hay sắc tộc nào chống lại các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Luật có hiệu lực vào tháng 6/2020 sau một năm biểu tình đòi dân chủ, đôi khi bạo động, chống chính phủ. Luật cấm những hành vi “ly khai, lật đổ, khủng bố, và cấu kết với các lực lượng nước ngoài.”

Ít nhất có 117 người bị bắt và 60 người bị truy tố tại cựu thuộc địa Anh và cũng là trung tâm tài chính thế giới trong suốt 13 tháng kể từ khi luật có hiệu lực.

Vi phạm luật này có thể bị án tù đến chung thân.

Các chuyên gia cho rằng lời lẽ uyển chuyển của luật, cùng với những tham vọng rộng lớn của chính phủ Trung Quốc, mở ngỏ khả năng luật sẽ được dùng để chống lại bất cứ ai chống Trung Quốc hay có tình cảm ủng hộ Hong Kong độc lập được phép đặt chân lên một lãnh thổ Trung Quốc như Hong Kong hay Macao, cựu thuộc địa Bồ Đào Nha.

“Chừng nào mà Trung Quốc thi hành quyền tài phán bên trong lãnh thổ Trung Quốc, Hong Kong và Macao, thì những người vi phạm luật an ninh quốc gia có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc để xét xử, ngay cả khi chỉ quá cảnh tại các phi trường Trung Quốc,” bà Chen Yi-fan, trợ lý giáo sư về ngoại giao và quan hệ quốc tế tại Đại học Tamkang gần Đài Bắc, nói.

Ông Wu Rwei-ren, một nhà nghiên cứu tại Academia Sinica, có trụ sở tại Đài Bắc, năm ngoái đã trở thành người Đài Loan đầu tiên bị cáo buộc vi phạm luật này. Takungpao, một hãng tin được chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn, nêu tên vị học giả 60 tuổi này vì một bài báo bênh vực nền độc lập cho Hong Kong.

Không thể tiếp xúc với các quan chức trường đại học để yêu cầu bình luận.

Người dân tại Đài Loan sẽ đặc biệt bị nghi ngờ, các nhà phân tích nói.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và không loại trừ việc dùng vũ lực để thống nhất với Hoa lục.

Đài Loan Dân chủ có truyền thông độc lập và theo cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử Đại học Quốc lập Chính trị, hơn một nửa cư dân Đài Loan muốn giữ nguyên hiện trạng một cách bất định hoặc quyết định sau về vấn đề thống nhất với Trung Quốc.

Bắc Kinh thường xuyên cho máy bay quân sự xâm nhập không phận Đài Loan.

“Các động thái thường xuyên như thế này có nghĩa là gởi đi một thông điệp,” ông Sean Su, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Đài Loan, nói. “Việc này có thể sử dụng như một loại vũ khí để cố đe dọa người dân tại Đài Loan, nhưng tôi nghĩ hiệu quả sẽ là tiêu cực.”

Ngôn từ của luật bao gồm cư dân Hong Kong cũng như những người chưa bao giờ ghé chân, theo tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại New York.

Vào tháng 7/2020, Ấn xá Quốc tế nói bất cứ ai trên trái đất “bất kể quốc tịch hay nơi cư ngụ, có thể về phương diện kỹ thuật bị xem là vi phạm luật này và đối mặt với việc bị bắt giữ và xử tội nếu họ nằm trong khu vực tài phán của Trung Quốc, dù chỉ quá cảnh.”

Trung Quốc nói chính sách Hong Kong của họ nhằm bảo vệ sự ổn định và hệ thống pháp lý của lãnh thổ. “Các lực lượng chống Trung Quốc tìm cách làm mất ổn định Hong Kong nhất định sẽ bị loại trừ ra khỏi” bất cứ vị thế quyền lực nào tại Hong Kong, ông Xia Baolong, trưởng Văn phòng Hong Kong và Macao Sự vụ của Quốc vụ viện Trung Quốc nói.

Cư dân Hong Kong ở nước ngoài

Bà Joey Siu gốc Hong Kong đang làm việc tại Washington cho rằng mình sẽ bị bắt “ngay tức thì” nếu có mặt tại phi trường cựu thuộc địa Anh. Bà chưa trở về Hong Kong kể từ khi luật có hiệu lực. Bà Siu làm việc cho tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch có trụ sở tại Anh, tổ chức những cuộc biểu tình và tập họp trong công tác vận động quốc tế.

“Kể từ khi luật được thi hành vào năm 2020, tôi cảm thấy không còn an toàn tại Hong Kong, vì tôi hình dung là tôi bị theo dõi bởi những người tôi không biết là nhân viên bảo vệ an ninh hay là cảnh sát Hong kong, do đó tôi cảm thấy là sự an toàn của cá nhân tôi không còn được đảm bảo tại Hong Kong và rõ ràng là những nỗ lực vận động quốc tế của tôi sẽ đưa đến việc tôi bị truy tố dưới tên gọi cấu kết với các lực lượng nước ngoài,” bà Siu nói với VOA.

Ít nhất có 4 nhà hoạt động Hong Kong khác hiện lưu lại Mỹ và châu Âu cùng một lý do.

Bà Siu nói viết về một nhân vật bất đồng chính kiến cũng có thể đưa đến việc bị bắt giữ, dù luật không đặt ra “đường ranh đỏ rõ ràng” về những gì là tội phạm. Luật có thể nới rộng đối với những người ủng hộ các lý tưởng chính trị của người Tây Tạng và Uhghur, bà nói.

Trung Quốc có hiệp ước dẫn độ với 37 nước và sử dụng những hiệp ước này. Chẳng hạn chính phủ Bắc Kinh đã yêu cầu dẫn độ người sắc tộc Uyghur tại Malaysia-một yêu cầu đã bị bác bỏ-theo Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Tiên tiến.

Một người vi phạm luật an ninh quốc gia sống tại một nước có cảm tình với Trung Quốc như Campuchia sẽ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất, ông Sephen Nagy, phó giáo sư về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Cơ Đốc Quốc tế ở Tokyo nói.

Các cá nhân dùng tiếng Quan thoại hay tiếng Quảng Đông để lan truyền các ý kiến trái lại với Đảng Cộng sản Trung Quốc dễ dàng bị nhắm mục tiêu, ông Nagy nói.

Vẫn theo lời ông, vì lý do này, các chính phủ nước ngoài cảnh báo công dân họ tránh đến Trung Quốc, kể cả Hong Kong.

Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu công dân Mỹ “cân nhắc” việc du hành đến Hong Kong và Hoa lục vì việc “thi hành luật lệ địa phương một cách tùy tiện.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG