Đường dẫn truy cập

Lựa chọn và nghịch lý của lựa chọn (phần 3)


Có một lý do duy lý biện minh cho việc hạn chế quyền lựa chọn của công chúng mà những người ủng hộ họ thỉnh thoảng có nói đến. Đó là vấn đề chi phí tìm kiếm (search cost). Khi search cost cao, thì họ - khả năng ấn định công chúng được nhận gì – sẽ nhân danh hành động theo lợi ích của công chúng – để loại bớt các lựa chọn “không cần thiết”.

Tại sao Google lại mời Barry đến nói chuyện? Lưu ý là Barry khuyên google nên giúp công chúng loại bỏ bớt nhưng lựa chọn không cần thiết. Mỗi khi bạn tìm kiếm một tài liệu, một video clip hay một món hàng mà bạn muốn mua, Google có khả năng ấn định choice set của bạn rộng hay hẹp. Google có thể hiển thị cho bạn cả triệu đường link, hoặc có thể chỉ cho bạn xem độ 5-7 links mà thôi. Nếu Google nghe theo Barry, có lẽ họ sẽ chỉ cho bạn xem độ vài chục linkslà cùng. Như thế có vẻ như cuộc sống của bạn sẽ dễ thở hơn, vì có một thể chế khác đã giúp bạn giảm được search cost xuống bằng cách chỉ cho bạn thấy một choice set rất nhỏ thay vì một choice set lớn bằng cách loại bỏ hầu hết các lựa chọn không thích hợp.

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Có ít nhất 2 lý do làm cho lời khuyên của Barry chở nên thiển cận:

1. Đa dạng trong thị hiếu: Làm sao Google biết được bạn thực sự cần gì để giới thiệu cho bạn cái nào tốt nhất? Những người ủng hộ nhiệt thành của xu hướng máy móc có khả năng tự học (machine learning) có thể lập luận rằng công nghệ bây giờ cho phép những cỗ máy như Google Search dần dần qua thời gian sẽ “learns” và biết thị hiếu của bạn như thế nào. Đồng ý là thông qua việc lưu lại toàn bộ data của người dùng khi chúng ta dùng search engine, thì những cỗ máy như Google Search biết khá nhiều về ta, nhưng để biết rõ về thị hiếu của chúng ta giống như bản thân chúng ta thì có lẽ không bao giờ có.

2. Vấn đề trao quyền (delegation): Làm thế nào bạn chắc chắn rằng Google lại hành động đúng theo lợi ích của bạn? Dù gì thì Google Search cũng là do con người làm ra, và phục vụ lợi ích của những người làm ra nó. Điều gì sẽ xảy ra nếu những người làm ra nó là một tập hợp những cá nhân tham lam và chỉ muốn tư lợi?. Đây là một vấn đề nghiêm trọng trong thị trường search engine và tôi đã có dịp nghiên cứu khá kỹ khi còn làm luận án. Nói ngắn lại thì Google ăn tiền quảng cáo, dĩ nhiên muốn người ta mua từ các khách hàng đăng quảng cáo của Google. Khi Google lựa chọn (một cách thực sự khách quan) cái gì tốt nhất cho bạn, thì như thế các công ty đăng quảng cáo trên search engine của Google không có lý do gì phải quảng cáo trên Google cả.

Thí dụ, khi bạn tìm kiếm một mẫu máy tính xách tay thích hợp nhất cho bạn. Và giả sử Google Search có khả năng giới thiệu một cách khách quan mẫu nào là tốt nhất. Và bạn tin vào sự vô tư này của Google Search. Vậy thì một nhà sản xuất khác, không phải tốt nhất, sẽ không có động cơ để quảng cáo trên Google Search vì họ biết có trả tiền quảng cáo đi nữa thì khách hàng cũng không tin vào mẩu quảng cáo của họ, vì khách hàng đã tin vào kết quả của Google Search rồi.

Vì vậy, nhìn ngược lại, sẽ thấy Google không có động cơ để tìm cái tốt nhất cho bạn, ngay cả khi Google Search có khả năng làm được việc này. Vì nếu làm như thế, Google Search không thể kiếm ra tiền cho Google và Google sẽ sập tiệm.

Tóm lại, vấn đề đa dạng trong thị hiếu khiến khả năng một bên thứ ba, dù là một công ty, một tổ chức, một nhà nước, một chính đảng, hay một cá nhân, có thể hiểu và chọn lựa hộ công chúng là một điều không khả thi. Ngay cả khi, giả sử chỉ để lập luận, là nó khả thi, thì cũng không có lý do gì để tin rằng những kẻ “lựa chọn hộ” này lại thực sự đại diện cho quyền lợi của công chúng khi họ thực hiện giới hạn bớt các lựa chọn mà công chúng có.

Có một lý do khác mà họ và những người ủng hộ họ hay nói đến. Đó là đôi khi họ cho rằng công chúng không phải là một đám người có khả năng duy lý. Vì thế không nên để công chúng quyết định cái gì tốt nhất cho họ. Nhiều nước trên thế giới có kiểu quản lý xã hội này, và được gọi là parental states/governance (nhà nước phụ mẫu). Loại quản lý xã hội này ít ra cũng có 2 điểm đáng phê phán:

1. Coi thường công chúng: Khi họ giả định họ ưu tú nhất, họ đã ngầm giả định công chúng là một lũ ngốc cần phải có người nói cho biết cái gì đúng cái gì sai, cái gì nên làm, cái gì nên nghe, cái gì nên nhìn, cái gì nên đọc…Tựa như con nít không biết phải trái đúng sai cần phải có bố mẹ chỉ bảo vậy.

2. Phủ nhận tính đa dạng: Khi họ loại bỏ các lựa chọn của công chúng, họ đã buộc xã hội phải chấp nhận những gì còn lại. Cứ giả định rằng có một số người trong xã hội hài lòng với những lựa chọn của họ, điều đó không có nghĩa cả xã hội phải hài lòng với những lựa chọn ấy. Một bản chất tuyệt vời của xã hội loài người là tính đa dạng trong lựa chọn/thị hiếu và sẽ là sai lầm nếu cứ bắt mọi người hành động theo một khuôn mẫu thẳng tắp.

Vì thế, việc hạn chế quyền tự do lựa chọn của công chúng chỉ hợp lý trong một số trường hợp cá biệt, thí dụ như chuyện loại bỏ quyền tự do lựa chọn (và tiêu dùng) của công chúng đối với các mặt hàng độc hại và gây nghiện như ma túy, thuốc lá hay rượu mạnh. Nó cũng có thể đúng với các trẻ vị thành niên (thí dụ như ngưỡng tuổi để bầu cử và con cái phải nghe lời cha mẹ cho tới tuổi 18). Tất cả các nước trên thế giới đều có quy định độ tuổi mà theo đó các cháu bắt đầu được công nhận là người nhớn về mặt khả năng suy nghĩ, kể cả Việt Nam.

Tóm Lại, không có cái gọi là nghịch lý của lựa chọn. Barry đưa ra một vài ví dụ có vẻ như “bất bình thường” để kết luận có cái thứ gọi là nghịch lý của lựa chọn là sai. Thực ra, những hiện tượng đó hoàn toàn có thể giải thích trên nền tảng duy lý. Với bản chất tự nhiên cũng như khả năng duy lý của loài người, càng có nhiều lựa chọn thì con người càng hạnh phúc hơn, hay ít ra cũng không kém hạnh phúc đi. Hạn chế quyền lựa chọn của người khác là một việc tồi tệ và đáng lên án, trừ một số trường hợp rất cá biệt đã nêu ở trên. (hết)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG