Đường dẫn truy cập

Luận tội Trump: Sự khó xử của Đảng Dân chủ


Bà Nancy Pelosi tỏ ra thận trọng trong việc luận tội ông Trump
Bà Nancy Pelosi tỏ ra thận trọng trong việc luận tội ông Trump

Sau khi bản báo cáo của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller được công bố về những hành vi có thể bị quy là tội cản trở công lý của ông Trump, phe Dân chủ ở Quốc hội đối mặt với một câu hỏi lớn về việc luận tội ông Trump.

Đảng Dân chủ đã tổ chức cuộc họp qua truyền hình để xem xét bản báo cáo Mueller, vốn được công bố vài ngày trước đó, hôm 22/4. Khi đó, các lãnh đạo Dân chủ ở Hạ viện đã cố gắng tránh rơi vào cái bẫy như là Đảng Cộng hòa từng bị khi họ cố gắng lật đổ Tổng thống Bill Clinton và ngay sau đó họ đã trả một cái giá đắt về chính trị trong ngắn hạn.

Vấn đề bao trùm là liệu hành động của Tổng thống là đáng để luận tội bởi vì hành động đó rơi vào mức độ trọng tội và hành vi sai trái nghiêm trọng theo Hiến pháp chứ không phải vì liệu việc luận tội này đem lại lợi thế cho đảng phái.

Đáng bị luận tội?

Sau khi báo cáo Mueller cho thấy ông Trump liên tục nói dối và sử dụng quyền hành Tổng thống để bóp nghẹt cuộc điều tra, ít có ai bên Đảng Dân chủ đặt vấn đề ông Trump có đáng bị luận tội hay không.

Nhưng trong khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dường như không mặn mà với kế hoạch luận tội trong cuộc họp thì các ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ lại đưa ra những lập luận cứng rắn ủng hộ xúc tiến quy trình luận tội trong những phiên chất vấn do CNN tổ chức vào tối 22/4.

“Có những quyết định còn lớn hơn chính trị,” Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren nói trong phiên hỏi đáp ở New Hampshire tối 22/4 để nhắc đến mục tiêu quan trọng hơn của việc luận tội trong lúc bà đang muốn nhận được sự tưởng thưởng cho việc bà là ứng viên Tổng thống đầu tiên của Đảng Dân chủ kêu gọi luận tội ông Trump sau khi báo cáo Mueller được công bố.

“Không có ngoại lệ nào về sự bất tiện chính trị trong Hiến pháp Mỹ,” bà Warren nói. “Nếu bất cứ một ai đó ở đất nước này làm những điều được ghi lại trong báo cáo Mueller thì kẻ đó phải bị bắt và bị bỏ tù,” bà Warren nói.

Một ứng viên Dân chủ khác là Thượng nghị sỹ Kamala Harris của tiểu bang California cũng đã có lập trường tương tự như bà Warren tại buổi chất vấn đó. Điều này cho thấy khác biệt ngày càng tăng giữa các ứng viên Dân chủ ra tranh cử và các lãnh đạo của Đảng ở Hạ viện.

“Tôi tin rằng Quốc hội nên có những bước đi hướng đến luận tội,” bà Harris nói.

Mặc dù bà Pelosi tỏ thái độ hết sức thận trọng trong giọng điệu của bà về việc luận tội, các thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ trong Hạ viện đã nói rằng việc luận tội ông Trump có thể được đưa vào nghị trình.

“Có rất nhiều bằng chứng về cản trở công lý,” Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler phát biểu trên NBC. “Nếu được chứng minh thì những hành động này đáng bị luận tội.”

Phe Dân chủ ở Hạ viện giờ cũng đang chia rẽ. Một bên là các Dân biểu Rashida Tlaib, Ilhan Omar, Alexandria Ocasio-Cortez, Al Green, Steve Cohen – những người đã lớn tiếng tuyên bố rằng ông Trump không xứng làm Tổng thống và đòi luận tội ông. Phía bên kia, những dân biểu Dân chủ ôn hòa tin rằng luận tội sẽ làm xao nhãng những vấn đề thiết thực với cử tri vốn đã giúp họ giành lại Hạ viện từ lúc đầu. Và có những người ở giữa vốn không loại trừ khả năng luận tội nhưng muốn có thêm thông tin trước khi họ ra quyết định.

Những người có quyền lực lớn nhất để định hướng cho Đảng Dân chủ là bà Nancy Pelosi và các chủ tịch các ủy ban trong Hạ viện vốn thuộc Đảng Dân chủ. Họ nằm ở phe chính giữa. Bất chấp sự thận trọng của bà Pelosi về việc luận tội, các chủ tịch ủy ban như ông Nadler và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Adam Schiff đang nói về vấn đề này mạnh mẽ hơn.

“Việc cản trở công lý trong trường hợp này còn tệ hơn nhiều những gì mà Richard Nixon đã làm,” ông Schiff phát biểu trên Đài ABC. “Mức độ các bằng chứng mà báo cáo Mueller đưa ra là nghiêm trọng và tệ hại và trong những trường hợp bình thường thì không nghi ngờ gì chúng thuộc về những sai trái có thể bị luận tội.”

Ngay cả những thành viên Dân chủ nghi ngờ về việc luận tội cũng lưu ý đến 10 sự việc mà ông Mueller điều tra ông Trump về khả năng cản trở công lý. Tuy nhiên, ông Mueller không kết luận ông Trump có tội hay không mà cho rằng quyền quyết định nằm ở trong tay Quốc hội.

“Tôi nghĩ có lời kêu gọi không kín đáo lắm là Quốc hội nắm lấy quyền giám sát chính quyền này, nghiên cứu các sự việc và quyết định bước tiếp theo,” Dân biểu Dân chủ Jason Crow phát biểu trên Vox.

Dân biểu Florida Val Demings, vốn từng là một quan chức thực thi pháp luật, nói trong cuộc họp truyền hình của Đảng Dân chủ rằng rõ ràng là ông Trump đã ‘trắng trợn’ vi phạm pháp luật.

“Chúng ta đang tìm cách biện hộ cho việc tại sao chúng ta không bắt đầu quy trình luận tội,” bà Demings, vốn từng là cảnh sát trưởng Orlando, nói và cho biết hiện giờ ‘đã có đủ bằng chứng’ để xúc tiến luận tội.

“Là một sỹ quan chấp pháp trong 27 năm, tôi tin rằng giờ đây chúng ta đã có đủ bằng chứng,” bà nói.

Rủi ro chính trị?

Trong khi ít có thành viên Dân chủ nào nghi ngờ là hành động của ông Trump đáng bị luận tội, cuộc tranh luận giờ đây chuyển sang liệu việc luận tội ông Trump có phải là hành động khôn ngoan về chính trị hay không.

Ngay cả khi mức độ ủng hộ của ông Trump ở mức 40% là rất thấp, bà Pelosi và những đồng sự của bà chỉ muốn xúc tiến quy trình luận tội nếu phát hiện điều hết sức tệ hại của ông Trump mà phe Cộng hòa cũng không thể bỏ qua.

“Chúng tôi cũng có bài học từ việc luận tội Tổng thống Clinton rằng nếu anh luận tội trước hết vì lý do chính trị thì sẽ gây ra vấn đề cho đất nước,” Dân biểu Dân chủ Mary Gay Scanlon, phó chủ tịch Ủy ban Tư pháp, nói với Vox. “Đó là điều mà đất nước này không lấy gì làm hứng thú nhưng đất nước này cũng không thể có một tổng thống gây tổn hại đến pháp trị.”

Dân biểu Crow, người đã đánh bại Dân biểu Cộng hòa đã phục vụ 5 nhiệm kỳ trong kỳ bầu cử giữa kỳ hồi năm ngoái ở Colorado, nhắc nhở các đồng sự của ông trong Đảng rằng: “Tôi không vận động tranh cử dựa trên việc luận tội, tôi vận động cử tri trên các vấn đề sát sườn. Cử tri ở địa hạt của tôi quan tâm đến cải cách di trú, bạo lực súng đạn, y tế nhưng họ cũng quan tâm đến tính giải trình.”

Một ứng viên Tổng thống khác của Đảng Dân chủ, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders kêu gọi một cuộc điều tra ‘khách quan’ ở Hạ viện về ông Trump nhưng cảnh báo rằng nếu cứ nói đi nói lại về luận tội sẽ khiến Đảng Dân chủ xao nhãng khỏi những vấn đề ưu tiên khác như y tế, nâng lương tối thiểu và đối phó biến đổi khí hậu.

Bà Pelosi muốn Quốc hội tiếp tục công việc hiện tại, điều tra ông Trump về tất cả mọi thứ từ cản trở công lý cho đến chia cắt gia đình ở biên giới phía nam và nỗ lực của chính quyền Trump nhằm làm suy yếu Obamacare. Bà tin rằng Quốc hội nên tiếp tục đi theo hướng này mà không cần phải luận tội nhưng cũng không loại trừ khả năng này hoàn toàn.

“Điều quan trọng là cần biết rằng những sự thật để giúp quy trách nhiệm cho Tổng thống có thể tìm thấy được bên ngoài quá trình luận tội,” bà Pelosi viết trong thư gửi các dân biểu Dân chủ hôm 22/4.

Không luận tội cũng không được?

Tuy nhiên, các dân biểu Dân chủ trong khi xem xét nguy cơ của việc luận tội ông Trump họ cũng xem xét hậu quả của việc không luận tội.

Đảng Dân chủ biết rằng Thượng viện nằm trong tay Đảng Cộng hòa sẽ không có bước đi tiếp theo trong quy trình luận tội – một phiên xử ở Thượng viện. Tuy nhiên, báo cáo Mueller nêu ra hàng loạt những hành động của ông Trump có khả năng bị quy tội cản trở công lý, và Đảng Dân chủ biết rằng họ không thể bỏ qua những bằng chứng này.

“Nếu chúng ta không làm gì cả, tổng thống sẽ càng không kiêng dè gì,” Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Elijah Cummings phát biểu trên kênh CBS.

Bà Pelosi giờ đây không có đủ thời gian chờ đợi sự phán xét của lịch sử trong khi bà đang lên chiến lược cho Đảng Dân chủ trong vòng 18 tháng tới cho tới ngày bầu cử.

Nếu bà quyết định không khởi động quy trình luận tội và Đảng Dân chủ giành lại Nhà Trắng, bà sẽ được xem là có công. Nhưng nếu Tổng thống Trump tái đắc cử bất chấp việc Nhà Trắng của ông bị bao phủ trong đám mây mù bê bối thì nhiều người của Đảng Dân chủ sẽ chất vấn tại sao họ không tấn công ông Trump chí tử về chính trị khi có cơ hội luận tội như vậy.

Nếu không luận tội, Quốc hội cũng có khả năng khiển trách Tổng thống. Một nghị quyết khiển trách là tuyên bố chính thức không tán thành hành động của Tổng thống, nhưng nó không mang tính ràng buộc và không dẫn đến việc luận tội hay buộc thôi chức. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ chưa từng khiển trách một Tổng thống nào kể từ khi Thượng viện khiển trách ông Andrew Jackson vào năm 1834.

Để khiển trách Tổng thống, Hạ viện chỉ cần đa số thường là thông qua được – điều mà Đảng Dân chủ có thể dễ dàng làm được. Ở Thượng viện thì khó hơn vì nó cần phải được 60 trên tổng số 100 thượng nghị sỹ ủng hộ mới được thông qua. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ có thể dùng việc khiển trách như là phép thử để xem có bao nhiêu Thượng nghị sỹ Cộng hòa sẵn sàng khiển trách ông Trump và ông còn được bao nhiêu sự ủng hộ trong chính Đảng của ông sau khi báo cáo Mueller được công bố.

Trong lá thư của mình, bà Pelosi kêu gọi các đồng sự Dân chủ của bà tập trung vào chỉ hai từ ‘trách nhiệm và dân chủ’. Bà cũng lặp lại những gì mà bà đã tuyên bố trước đây rằng Đảng Dân chủ không nên luận tội vì lý do chính trị.

Bài học lịch sử

Lịch sử có thể là người thầy khôn ngoan nhưng học được đúng bài học cũng rất quan trọng. Đối mặt với vấn đề ‘nên hay không nên luận tội Tổng thống Donald Trump’, Đảng Dân chủ lo lắng rằng nếu họ không học từ những bài học lịch sử thì họ sẽ mắc phải sai lầm của Đảng Cộng hòa.

Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân Mỹ không ủng hộ cuộc đấu luận tội và nhóm cử tri trung thành của ông Trump vẫn dành cho ông sự ủng hộ không suy suyển. Do đó, nhiều nghị sỹ Dân chủ đang chấp nhận quan điểm truyền thống rằng luận tội sẽ khiến họ cùng chung số phận như Đảng Cộng hòa vào những năm 1990.

Bản thân bà Pelosi cũng như các lãnh đạo khác của Đảng Dân chủ đều có những ký ức về việc luận tội khi bà là ngôi sao đang lên trong Đảng vào những năm 1990.

Những người bảo vệ ông Trump lập luận rằng việc ông Mueller không xác định được ông Trump có sự thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016 và không có quyết định cuối cùng về việc ông Trump có cản trở công lý hay không có nghĩa là luận tội sẽ là một quy trình hời hợt và không có cơ sở. Một số người còn cảnh báo Đảng Dân chủ rằng họ sẽ gặp hậu quả nếu cứ kiên quyết luận tội.

Một lập luận được đưa ra là Đảng Dân chủ sẽ vô tình làm lợi cho ông Trump nếu luận tội. Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ở Thượng viện sẽ bảo vệ ông Trump khỏi bị kết tội trong phiên xử luận tội và quá trình này sẽ đoàn kết Đảng Cộng hòa và củng cố sự ủng hộ dành cho ông Trump vào năm 2020.

Những người ủng hộ quan điểm này nhắc lại những gì đã xảy ra khi Đảng Cộng hòa ở Hạ viện tìm cách luận tội ông Clinton vào năm 1998. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ ngay sau đó, phe Dân chủ đã đảo ngược xu thế lịch sử và giành thêm được 5 ghế Hạ viện – một chiến thắng gây sốc khiến cho Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich của Đảng Cộng hòa mất chức. Kết quả này được xem là cuộc trưng cầu dân ý về cách xử lý của Đảng Cộng hòa đối với ông Clinton sau khi ông bị luận tội về tội khai gian và cản trở công lý trong vụ ông có quan hệ tình ái với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky. Nó cũng chỉ cho Đảng Dân chủ trong thế kỷ 21 thấy điều gì có thể xảy ra khi một đảng phái đặt việc luận tội lên trước những vấn đề mà các cử tri quan tâm.

“Nếu hai năm còn lại tập trung vào việc luận tội thay vì vào việc đánh giá Tổng thống về nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy… thì tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp cho ông Trump có cơ hội tái đắc cử,” Dân biểu Dân chủ Stephen Lynch của tiểu bang Massachusetts nói trên CNN.

Các số liệu có thể chứng minh cho lập trường của ông Lynch do không có số liệu cho thấy bản báo cáo Mueller là vấn đề hàng đầu của các cử tri ở cả hai phía tả hữu.

Nhưng do tính chất phân cực của nền chính trị Mỹ dưới thời của ông Trump, các kết luận của ông Mueller nhiều khả năng không thể thay đổi lập trường bỏ phiếu của những cử tri trung thành nhất của hai đảng. Khi đó việc luận tội có nguy cơ sẽ làm đánh mất phiếu của khối cử tri trung dung nếu tấn tuồng luận tội kéo dài.

Về lâu dài, chuyện sẽ khác?

Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn vào những hậu quả của việc luận tội ông Clinton vào năm 1998 chúng ta sẽ thấy một câu chuyện rất khác hơn so với những gì mà các đảng viên Dân chủ đang suy nghĩ.

Đúng là Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đã có kết quả tồi tệ trong kỳ bầu cử giữa kỳ giữa lúc việc luận tội ông Clinton đang diễn ra gay cấn. Sau đó, vị Tổng thống thứ 42 này đã rời nhiệm sở với tỷ lệ ủng hộ cao khác thường. Nhưng chưa đầy hai năm sau khi ông Clinton thoát khỏi việc bị luận tội ở Thượng viện, Đảng Cộng hòa đã giành lại Nhà Trắng sau khi tận dụng các vấn đề đạo đức của Tổng thống mãn nhiệm để làm nền tảng cho chiến dịch tranh cử của họ.

Một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khác cũng bị tác động bởi khả năng luận tội Tổng thống là vào năm 1976 khi ông Gerald Ford của Đảng Cộng hòa mất chức Tổng thống về tay ứng viên Dân chủ Jimmy Carter. Ông Ford đã phải vận động trong vụ tai tiếng của Đảng Cộng hòa. Lúc đó là hai năm sau khi Tổng thống Richard Nixon từ chức để tránh nguy cơ bị luận tội về vụ Watergate. Ông Carter giành được Nhà Trắng nhờ vào đánh trúng tâm lý chán ngán của cử trị Mỹ bằng cách nói với người Mỹ rằng “Chúng ta chỉ muốn sự thật.”

Cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2000 giữa hai ứng viên George W. Bush và Al Gore sau khi ông Clinton bị Đảng Cộng hòa luận tội ở Hạ viện là một tiền lệ cho thấy những tháng tai tiếng của ông Clinton và các cuộc điều tra quyết liệt của Quốc hội sau đó đã có tác động tai hại đến Đảng Dân chủ đang cầm quyền của ông Clinton mặc dù ông Clinton thoát tội mà không hề hấn gì.

Mặc dù thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1998, Đảng Cộng hòa không hề bị thêm tổn thương từ việc luận tội Clinton trong các cuộc bầu cử sau đó. Họ đã có thành tích ngoạn mục trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2002 và giữ được Nhà Trắng vào năm 2004 mặc dù hai cuộc bầu cử này phần lớn bị chi phối bởi thảm họa khủng bố ngày 11/9.

Một khác biệt trong tình hình hiện nay là vị Tổng thống ngập chìm trong tai tiếng Donald Trump nhiều khả năng là sẽ người đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử với ứng viên Đảng Dân chủ vào năm 2020 chứ không phải ai khác.

Cho dù các thượng nghị sỹ Cộng hòa sẽ đứng ra bảo vệ cho Trump xảy ra phiên xử luận tội ở Thượng viện, hành động đó sẽ rất tai hại cho họ về mặt chính trị nếu họ tái tranh cử ở những tiểu bang trung dung.

Bà Pelosi đã từng phát biểu hồi đầu năm rằng việc luận tội ông Trump là ‘không đáng công sức bỏ ra’ trong khi cấp phó của bà, dân biểu Steny Hoyer nói với CNN rằng cách tốt nhất để đối phó với ông Trump là đánh bại ông ấy trong cuộc bầu cử.

Mặc dù họ muốn tránh những nguy cơ tai hại của việc luận tội, phe Dân chủ cũng muốn tranh thủ những lợi ích mà họ có được từ bản báo cáo không khoan nhượng của ông Robert Mueller về cách hành xử của ông Trump vừa được công bố.

Hiện giờ, họ đang theo đuổi cách làm kép là tổ chức một loạt các phiên điều trần đình đám với các nhân chứng đáng chú ý và điều tra về việc ông Trump cản trở công lý trong nỗ lực chứng tỏ cho cử tri Mỹ thấy ông Trump không phù hợp để tiếp tục ngồi trên ghế Tổng thống.

(Theo CNN, Vox)

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG