Đường dẫn truy cập

Pháp quyền, ‘logo xe vua’, Quách Duy, và Lê Chí Thành


Ông Quách Duy tại phiên tòa ngày 15/4/2021. Photo Thanh Nien.
Ông Quách Duy tại phiên tòa ngày 15/4/2021. Photo Thanh Nien.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an Việt Nam vừa tạt nước vào mặt những người còn tin rằng chống tham nhũng ở Việt Nam không có… vùng cấm, không có… ngoại lệ. Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an Việt Nam thì sau 18 tháng điều tra lại vụ án “đưa hối lộ, môi giới hối lộ” (thường được gọi là vụ án “logo xe vua”) theo yêu cầu của Tòa án Cấp cao tại TP.HCM, họ thấy rằng… không đủ căn cứ để xử lý 78/80 cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông về tội nhận hối lộ” (1).

Xe vua” là lối ví von những chiếc xe vận tải hạng nặng tuy chở quá khổ (mức độ cồng kềnh vượt khuôn khổ quy định), quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu,… vừa hủy hoại hệ thống giao thông (cầu, đường), vừa xâm hại trật tự, an toàn giao thông, gây ra vô số tai nạn nghiêm trọng nhưng không bao giờ bị phạt.

Vấn nạn “xe vua” xuất hiện từ thập niên 1990 và kéo dài khoảng 20 năm. Cả công chúng lẫn báo giới đã từng nói rất nhiều lần, thậm chí công bố rất nhiều bằng chứng, chứng minh chủ một số doanh nghiệp vận tải và cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) tạo ra “xe vua”. Sau khi nhận tiền từ chủ một số doanh nghiệp vận tải, hệ thống CSGT, TTGT cả tỉnh, thậm chỉ một số tỉnh cùng làm ngơ cho “xe vua” tung hoành. Để tránh… phạt lầm, hai bên đặt ra những dấu hiệu nhận dạng (logo). CSGT, TTGT chỉ phạt, thậm chí phạt rất nặng những xe không có logo hợp… cách. Nhằm giảm bớt oán than cả của công chúng lẫn các doanh nghiệp vận tải (nhiều doanh nghiệp phá sản vì không thể cạnh tranh về cước vận tải với doanh nghiệp có… “xe vua”), năm 2015, Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị Bộ Công an khởi tố hai nhóm chuyên cung cấp logo cho một số doanh nghiệp vận tải bởi có hàng ngàn xe mang các loại logo này đang làm… vua trên các tuyến đường ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Ba năm sau (2018), vụ án vừa kể được đưa ra xét xử. 10/11 bị cáo là thường dân bị kết án vì “đưa hối lộ” khoản tiền lên tới 30 tỉ. Chỉ có một CSGT bị kết án vì “môi giới hối lộ”!.. Năm sau (2019), Tòa án Cấp cao tại TP.HCM phúc thẩm vụ án. Theo đề nghị của Viện Kiểm sát Tối cao – nơi thực thi quyền công tố, Hội đồng Xét xử phúc thẩm tuyên bố hủy bản án sơ thẩm giao cho Bộ Công an điều tra lại vìcó dấu hiệu bỏ sót tội phạm”: Hồ sơ vụ án cho thấy có tới 80 CSGT và TTGT dính líu đến vụ án và theo hồ sơ, việc “nhận hối lộ” không chỉ có số tiền mà còn có cả địa điểm... Thêm 18 tháng điều tra lại, Bộ Công an dõng dạc trả lời, không đủ căn cứ để xử lý 78 CSGT, TTGT (chỉ còn 78 vì một đã chết, một đang lẩn trốn bởi còn phạm tội khác). Hệ thống tòa án được khuyên nên xử lý 11 bị cáo theo hướng mà tòa án cấp sơ thẩm từng xử và từng bị tòa án cấp trên hủy bản án. Chắc chắn chỉ ở Việt Nam mới có những vụ án “đưa hối lộ, môi giới hối lộ”, xác định rạch ròi đưa bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu, ở đâu nhưng không có ai… “nhận hối lộ”!

***

Ngoài việc giới thiệu thông báo của Bộ Công an Việt Nam về kết quả điều tra lại vụ án “logo xe vua”, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam còn loan báo hai sự kiện khác cùng liên quan đến việc xử lý hình sự của hệ thống tư pháp: Một, ông Quách Duy, cựu Chuyên viên của Văn phòng UBND TP.HCM vừa bị phạt bốn năm sáu tháng tù do “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (2). Hai, ông Lê Chí Thành, cựu đại úy công an, năm ngoái bị Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân, vừa bị bắt do “chống người thi hành công vụ” (3). Nếu thử đặt cả hai vụ án bên cạnh thông báo của Bộ Công an về kết quả điều tra lại vụ án “logo xe vua”, ắt sẽ thấy nhiều điểm hết sức thú vị về đặc điểm của nhà nước pháp quyền XHCN trong xử lý hình sự đối với những cá nhân mà đảng từng tin cậy, lựa chọn…

Ông Duy không phải nhân vật xa lạ với công chúng Việt Nam. Vì là một trong những người nhiệt thành ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng, ông Duy từng phân tích trên facebook về trách nhiệm của ba Ủy viên Bộ Chính trị và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của đảng, nhà nước trong phòng - chống tham nhũng xem xét làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với các anh Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và xử lý nghiêm minh theo quy định của đảng, pháp luật của Nhà nước…

Tháng 7 năm 2019, tại hội nghị giữa Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng với Báo cáo viên của các Thành ủy, Tỉnh ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương, ông Võ Văn Thưởng dẫn trường hợp ông Duy … chuyên viên Văn phòng UBND TP.HCM đưa hình ảnh nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước lên mạng gọi là tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng Ban Tuyên giáo BCH TƯ đảng CSVN nhưng nhiều tháng không xử lý được… như một ví dụ về tình trạng mà ông Thưởng xác định là… không thể chấp nhận được (4).

Có thể là để được ông Thưởng… chấp nhận, tháng sau (tháng 8 năm 2019), Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM. quyết định khai trừ ông Duy ra khỏi đảng (5). Ông Duy không nao núng mà tuyên bố sẽ vừa khiếu nại, vừa… tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của đảng, nhà nước theo nguyên tắc mà người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã vạch ra “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai (6).

Cuối cùng, đảng cũng đã kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, ông Hoàng Trung Hải. Tuy nhiên chưa có ai và không nơi nào xem xét, xác định trách nhiệm của ông Thưởng tới đâu… khi còn là Phó Bí thư Thành ủy, ông Thưởng từng chỉ đạo giao “khu đất vàng” tại 130 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1 cho Vũ “Nhôm” dù ông Duy tố giác, chỉ đạo ấy được ghi nhận trên “giấy trắng mực đen” (Kết luận số 318-KL/TU ngày 14 tháng 7 năm 2015 về chủ trương chọn nhà đầu tư mới khai thác “khu đất vàng”) (7).

Có hai câu cần hỏi: Bản án mà Tòa án quận Tân Phú, TP.HCM vừa tuyên đối với ông Duy liệu đã khiến ông Thưởng – giờ là Thường trực Ban Bí thư – hài lòng, cảm thấy trừng trị như thế là có thể… chấp nhận? Sau khi nhận bốn năm, sáu tháng tù vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, ông Duy còn tin vào sự… sáng suốt của đảng, tin công cuộc chống tham nhũng là Tổng Bí thư “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”?

Giống như ông Quách Duy, ông Lê Chí Thành là một trong những người từng được đảng tin cậy, lựa chọn và tất nhiên là tin đảng, chọn theo đảng. Hưởng ứng các tuyên bố, cam kết liên quan đến chống tham nhũng, ông Thành gửi đơn cho Bộ Công an, tố cáo lãnh đạo Trại giam Thủ Đức (thường được gọi là Trại Z30D, tọa lạc tại Bình Thuận) gian lận, bớt xén lương, thưởng của các giám thị, nhân viên, cho vay nặng lãi... Ông Thành không dè những tố cáo ấy trở thành nguyên nhân khiến ông bị lãnh đạo Trại Z30D đày đọa, trả thù. Để bảo vệ mình, ông bạch hóa nội dung tố cáo trên mạng xã hội và thay vì điều tra – xử lý lãnh đạo Trại giam Z30D, Bộ Công an tước danh hiệu Công an nhân dân, loại Đại úy Thành ra khỏi hàng ngũ công an. Tới lúc này, ông Thành bắt đầu đồng cảm với dân oan, ông thường xuyên bình luận về oan án trên mạng xã hội và bám sát CSGT để “giám sát” hoạt động của lực lượng mà ông tin rằng đã cũng như đang làm hoen ố uy tín của công an Việt Nam (8), cho đến khi bị bắt vì… “chống người thi hành công vụ”.

***

Tại sao 80 CSGT, TTGT mà cả Viện Kiểm sát Tối cao lẫn Tòa án Cấp cao tại TP.HCM cùng tin rằng có dính líu đến vụ án “logo xe vua” cho nên cùng yêu cầu Bộ Công an phải điều tra lại… tiếp tục thoát nạn? Tại sao những người từng được đảng tin cậy, lựa chọn, dẫu bầm dập vẫn đinh ninh đảng… sáng suốt, vẫn muốn góp sức chống tiêu cực, tham nhũng như ông Duy, ông Thành không hề nhận được chút đồng cảm nào từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến hệ thống tư pháp như 80 CSGT, TTGT kia?

Phải chăng nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt lạ thường này nằm ở chỗ… biết điều chứ không phải là biết phân biệt đúng – sai, phải – trái? Không… biết điều là chết chắc!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-mua-ban-logo-xe-vua-chua-du-can-cu-xu-ly-78-csgt-ttgt-nhan-hoi-lo-1368297.html

(2) https://vnexpress.net/quach-duy-bi-phat-4-nam-6-thang-tu-4263147.html

(3) https://plo.vn/thoi-su/bat-tam-giam-ong-le-chi-thanh-978826.html

(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-internet-la-xa-lo-cho-may-lan-xe-chay-la-quyen-chung-ta-1100278.html

(5) https://tuoitre.vn/chuyen-vien-ubnd-tp-hcm-quach-duy-bi-khai-tru-dang-20190802162137182.htm

(6) https://www.facebook.com/qduyvn/posts/379695496080762

(7) https://www.facebook.com/qduyvn/posts/314226792627633

(8) https://danviet.vn/cuu-dai-uy-cong-an-le-chi-thanh-bi-tuoc-quan-tich-khi-nao-20210414172427014.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG