Cô Malala Yousafzai, nhà hoạt động trẻ đã bị Taliban ở Pakistan bắn chưa đầy 2 năm trước, người trở thành một biểu tượng toàn cầu cho giáo dục dành cho các em gái. Em gái 17 tuổi này là người trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Hoà bình. Cô thường xuyên tranh đấu cho lý tưởng ở Pakistan và khắp thể giới.
Tuy nhiên, tại lân quốc Afghanistan, một nước mà giáo dục các em gái đã chứng kiến sự phát triễn mau chóng kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ, lại có mối lo ngại rằng những tiến bộ này có thể bị đảo ngược một khi Hoa Kỳ bắt đầu rút quân đi vào cuối năm nay.
Bà Razia Jan, sáng lập viên Quỹ Tia hy vọng Razia, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Kabul cung cấp giáo dục cho 400 em gái.
Bà nói: “Phe Taliban làm chúng tôi rất sợ hãi, và lo lắng.”
Về nhiều mặt, các tổ chức dân sự xã hội tin rằng giáo dục cho các em gái đã trở lại tình trạng như lúc đầu ở Afghanistan. Trong những năm dưới sự cai trị của Taliban, nền giáo dục này gần như không có, nhưng đã phát triển mau chóng sau khi quân đội Hoa Kỳ vào Afghanistan. Tuy nhiên, với sự triệt thoái nhanh chóng của lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu vào cuối năm nay, nhiều lo ngại là nền giáo dục dành cho các em gái một lần nữa có thể bị thiệt thòi.
Nhiều tổ chức xã hội dân sự và chuyên gia về chính sách đối ngoại tin rằng có thể có một tác động do sự tái xuất hiện của phe Taliban ở Afghanistan và sự sụt giảm bất thần về tài trợ cho các trường học và các tổ chức phi chính phủ.
Tăng trưởng giáo dục?
Ngày nay có 8 triệu trẻ em Afghanistan đăng ký đi học, trong đó 2.5 triệu là các em gái, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID.
Đó là tiến bộ to lớn so với hồi Taliban còn cai trị trong đó con số em gái đến trường gần như là số không.
Bà Ashley Jackson, học giả tại Viện Phát triển Nước ngoài, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở London, nêu nhận xét: “Dưới thời Taliban có rất ít tiền bạc và đầu tư vào giáo dục, nhưng lại còn có các những luật lệ và quy định rất gắt gao và cấm đoán, chủ yếu phần lớn phụ nữ và các em gái không thể đi học.”
Trong một cố gắng cung cấp nền giáo dục cơ bản nhất cho các em gái, đã bắt đầu có những trường học không chính thức. Các loại trường này được lập ra ở nhà, thường là chỉ có hơn vài chục học sinh.
Bà Hassina Sherjan, người sáng lập Trợ giúp Giáo dục cho Afghanistan, một tổ chức phi chính phủ cung cấp giáo dục cho các em gái bị loại ra khỏi hệ thống giáo dục như những em đã kết hôn lúc còn rất nhỏ, kể lại việc bà đã đến Afghanistan ra vào vào năm 1999 và nhìn thấy các giáo viên đi ăn xin ngoài đường phố.
Với vỏn vẹn 3.000 đôla trong tay, bà Sherhan lập ra một vài lớp học ở các tư gai với 25 học sinh mỗi lớp.
Tuy nhiên, sau khi chế độ Taliban sụp đổ vào năm 2001, giáo dục đã trở thành một ưu tiên. Một dấu hiệu là ngân khoản 885 triệu được USAID chi ra từ năm 2002 đến năm 2012 cho nền giáo dục ở Afghanistan, mà ngoài những việc khác, đã góp phần xây dựng và tân trang khoảng 605 trường học.
Bà Sherjan nói: “Kể từ khi đánh bại Taliban, điều đầu tiên diễn là cánh cửa các trường học lại được mở ra cho các em gái trở lại đi học.”
Bà Maiwand Rahyab, phó giám đốc văn phòng tại Afghanistan của Counterpart International, một tổ chức phi chính phủ ở bang Virginia, nói rằng sự phát triển giáo dục đã đưa đến vai trò lớn hơn của các tổ chức phi chính phủ ở địa phương, tài trợ quốc tế, và sự hỗ trợ của chính phủ Afghanistan.
Nhưng khi quân đội nước ngoài sắp rút đi cuối năm nay, chính các nhà giáo dục này lại lo ngại về tương lai của nền giáo dục dành cho các trẻ em gái trong nước.
Những mối đe dọa của việc rút quân
Hồi tháng 5, Tổng thống Obama loan báo đến cuối năm 2014 sẽ chỉ còn chưa đầy 9.800 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Các chuyên gia phân tích tin rằng thời biểu này có thể là mối đe dọa nghiêm trọng cho việc học tập của các trẻ em gái.
Ông Michael Kugelman, học giả kỳ cựu phụ trách chương trình Nam và Đông nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington nói: “Tôi nghi phe Taliban sẽ không đàm phán. Họ không muốn thương thảo. Tôi nghĩ họ sẽ tăng cường chiến đấu.”
Một bài báo mới đây trên tờ New York Times nêu bật sự xuất hiện của Taliban ở miền bắc Afghanistan và thực tế là chính phủ Afghanistan đang mất quyền kiểm soát trong vùng.
Bà Ashley Jackson thuộc Viện Phát triển Nước ngoài, nói bất chấp những lo ngại về quan niệm của Taliban đối với việc giáo dục các em gái, có những trường hợp mà các tổ chức phi chính phủ đã có thể thương lượng với phe Taliban để các trường học tiếp tục hoạt động.
Bà Jackson nói: “Hai hay ba năm trước, ta có thể bàn về các chính sách thống nhất của Taliban, nhưng nay thì các chính sách này manh mún hơn và gần như là đã rạn nứt, vì thế mà đôi khi một cấp chỉ huy mới sẽ đưa ra quyết định ở một quận huyện.”
Phe Taliban đã có các dấu hiệu cho thấy là họ có thể cởi mở hơn với khái niệm để cho các em gái được đi học.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Anh ngữ Asharq Al-Sawat, một người phát ngôn của Taliban ở Afghanistan nói: “Các chính sách của chúng tôi sẽ coi việc giáo dục phụ nữ có tầm quan trọng ngang với việc giáo dục nam giới.”
Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan vẫn tỏ ra nghi ngờ.
Bà Sherjan nêu câu hỏi: “Vì sao họ lại làm khác đi so với những gì họ đã làm? Tôi không cho rằng chúng ta sẽ bị lừa khi tin rằng phe Taliban đã thay đổi.”
Bà Jackson nói thêm: “Việc các em gái tiếp cận được với giáo dục vốn đã bị xói mòn ở những vùng có tranh chấp và nơi Taliban có ảnh hưởng mạnh nhất.”
Một vấn đề nữa mà việc rút quân có phần chắc sẽ đem lại là sự sụt giảm về tài trợ. Có sự lo ngại trong giới giáo dục Afghanistan rằng vụ rút quân có thể làm giảm tầm quan trọng của Afghanistan trong mắt các tổ chức cấp viện quốc tế, rất giống với trường hợp sau khi Hoa Kỳ không còn cam kết nhiều với khu vực sau khi Liên bang Xô Viết cũ rời khỏi Afghanistan năm 1989.
Hậu thuẫn địa phương
Khi gần tới ngày rút quân, có cảm giác ở Afghanistan là nếu muốn nền giáo dục dành cho các em gái tiếp tục phát triển, thì chính người dân Afghanistan, chứ không phải cộng đồng quốc tế, phải đóng vai trò dẫn đạo.
Bà Sherjan giải thích: “Hy vọng của tôi là người dân Afghanistan sẽ can dự vào. Chúng ta có nhiều nhà triệu phú và tỷ phú ở Afghanistan…Chúng ta hy vọng người Afghanistan sẽ gánh vác trách nhiệm.”
Điều quan trọng và chung cuộc có thể quyết định số phận của việc giáo dục các em gái là liệu các làng mạc ở địa phương có chấp nhận điều đó hay không.
Theo bà Rahyab, nếu người Afghanistan chấp nhận những lợi ích và tầm quan trọng của việc giáo dục các em gái, thì, “bất kể tình hình chính trị ra sao, nền giáo dục của các em gái sẽ không vấp phải một mối đe doạ nghiêm trọng.”