Tại Hong Kong, nơi các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm ngoái kết thúc trong tình trạng bế tắc với chính phủ được Bắc Kinh hậu thuẫn, có những dấu hiệu kiểm duyệt nhà nước gia tăng.
Một bản phúc trình mới nhận thấy cảnh sát Hong Kong đã yêu cầu dẹp bỏ các bài đăng trên mạng trong 4 tháng vừa qua với số lượng nhiều hơn so với 4 năm gộp lại.
Số liệu đó, cộng với các quy định vừa được công bố có liên quan đến các cuộc phỏng vấn các thành viên của Hội đồng Hành pháp với giới truyền thông làm tăng thêm mối quan ngại của các nhà hoạt động dân chủ. Họ nói rằng thành tích tự do phát biểu của thành phố đang dần dà bị xói mòn dưới sự cai trị của Trung Quốc.
Ông Darcy Christ là một nhà nghiên cứu thực hiện Bản Phúc trình Minh bạch Hong Kong của trường Đại học Hong Kong.
Ông nói: “Dứt khoát có sự gia tăng, nhưng như tôi nói, đó phần lớn là trường hợp những yêu cầu lấy xuống những bài đã đăng. Đó chưa kể là dứt khoát các yêu cầu của người sử dụng cũng là một vấn đề quan trọng khác nhất là sau những vụ biểu tình chiếm đóng.”
Kể từ tháng 10, cảnh sát Hong Kong đã đưa ra 101 yêu cầu với các trang web và các công ty cung cấp dịch vụ đòi xoá bỏ nội dụng. Con số đó so với 29 yêu cầu trong 9 tháng trước đó hồi năm ngoái và tổng cộng 65 yêu cầu trong 3 năm trước gộp lại. Năm ngoái, cảnh sát cũng đưa ra 4 ngàn yêu cầu về thông tin của người sử dụng mạng, như email và địa chỉ IP.
Nhà lập pháp và kinh doanh Internet Charles Mok đã yêu cầu có sự kiểm tra và giám sát độc lập hơn về những yêu cầu như thế của cảnh sát.
Ông nói: “Sự lo ngại của tôi là cảnh sát đang tăng cường và sử dụng quyền lực của mình cho dù có được luật pháp cho phép hay không, nhưng ít nhất họ có quyền xử lý và dường như họ yêu cầu các trang mạng xã hội này lấy xuống các tin nhắn.”
Tháng trước, Trung tâm PEN của Mỹ, một tổ chức của các nhà văn có trụ sở ở New York, đã viết một báo cáo cảnh báo rằng truyền thông cởi mở hơn của Hong Kong đang cho thấy những dấu hiệu tự kiểm duyệt nhiều hơn, và phần tường thuật được thực hiện hướng vào các quyền lợi kinh doanh của những người hỗ trợ tài chính cho họ.
Trong điều mà giới hoạt động nói là một sự đe doạ khác đối với nền dân chủ, tuần này, truyền thông địa phương loan tin các thành viên của hội đồng hành pháp thành phố đã được lệnh thông báo cho chính phủ biết trước về tất cả các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông.
Chính sách này đã được áp dụng từ hồi tháng 10 năm ngoái, khi người biểu tình đòi dân chủ bắt đầu các cuộc phản kháng. Các thành viên Hội đồng Hành pháp phải báo cáo tất cả những cuộc phỏng vấn với báo chí trên cơ sở hàng tuần, đệ trình ngày tháng phỏng vấn và tên của cơ quan truyền thông.
"Vô căn cứ"
Bà Regina Ip, một nhà lập pháp và thành viên của Hội đồng Hành pháp, cho biết chính sách này đã không ngăn cản bà phát biểu một cách cởi mở với báo giới.
Bà nói: “Một người như tôi trong hội đồng lập pháp, nhận câu hỏi từ các phóng viên gần như mỗi ngày, thì không thể nào tôi có thể báo cáo mọi cuộc phỏng vấn, và tôi chưa hề gặp phải vấn đề gì, hay lời tra hỏi nào từ văn phòng hội đồng hành pháp, và tôi không biết rõ về mọi mưu toan bịt miệng chúng tôi, vậy tôi nghĩ thật là điều không cần thiết phải suy luận nhiều về những sắp xếp này.”
Bà Ip thuộc đảng Tân Nhân dân thân Bắc Kinh, nói rằng các mối quan ngại của giới hoạt động cho dân chủ về các hạn chế lớn hơn đối với tự do phát biểu ở Hong Kong là vô căn cứ.
Bà nói: “Tôi nghĩ làm như thế là suy diễn quá nhiều về các diễn biến ở Hong Kong. Hong Kong vẫn là một xã hội rất tự do và cởi mở, và chúng tôi có một mức độ lớn về tự do phát biểu. Chúng ta biết là ở xã hội dân chủ Tây phương, mọi người cũng không có quyền tự do phát biểu tuyệt đối.”
Sự gia tăng những bài đăng trên web bị cảnh sát Hong Kong lấy xuống và quy định mới có liên quan đến các cuộc phỏng vấn của giới truyền thống bắt đầu hồi mùa thu năm ngoái khi giới hoạt động đòi dân chủ đổ đầy ra đường phố thành phố trong gần 3 tháng. Người biểu tình kiên quyết sẽ có hành động bất tuân dân sự thêm và cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch đòi bầu cử trực tiếp người lãnh đạo thành phố vào mùa xuân này.