Đường dẫn truy cập

Lỗ hổng gì đã giúp bà Trương Mỹ Lan hoành hành thời gian dài?


Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hồ Chí Minh
Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hồ Chí Minh

Việt Nam ra nhiều quy định về hoạt động ngân hàng nhưng không thực thi trong khi hệ thống thanh tra gần như bị tê liệt giúp cho bà Trương Mỹ Lan có thể lách luật để thao túng ngân hàng SCB gây ra thiệt hại nghiêm trọng, một chuyên gia tài chính-ngân hàng nói với VOA.

Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và từng là một đại gia bất động sản nức tiếng trong số những người giàu nhất Việt Nam cho đến khi bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái, đang chờ ngày ra tòa về những vi phạm tại ngân hàng SCB.

Hôm 15/12 bà Lan đã bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội ‘Tham ô tài sản’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’ với khung hình phạt lên đến tử hình.

Theo kết quả điều tra của công an được công bố trước đó một tháng, bà Lan đã thao túng, rút ruột ngân hàng SCB gây ra thiệt hại lớn chưa từng thấy.

Cụ thể, trong vòng hơn 10 năm, bà Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà đã được SCB bơm gần 1 triệu 67 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ ‘không thể thu hồi’. Ngoài ra, bằng cách lập các hồ sơ vay vốn khống, bà Lan đã chiếm đoạt của SCB trên 304.000 tỷ đồng, tức khoảng 12,5 tỷ đô la. Có đến 93% số tiền mà SCB huy động được là để cho bà Lan và tập đoàn của bà vay.

Thủ đoạn gì?

Có thể một tay thao túng SCB như vậy, bà Lan đã tìm cách nắm số cổ phần của ngân hàng này lên tới 91,5%, nhờ đó bà trở thành người có quyền lực tuyệt đối trên thực tế mặc dù bà không giữ chức vụ gì cả ở ngân hàng này, cáo trạng của Viện Kiểm sát cho biết. Từ đó, bà bố trí toàn bộ nhân sự cấp cao của SCB đều là tay chân thân tín, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của bà.

Mỗi khi cần tiền, bà Lan chỉ cần triệu tập các lãnh đạo SCB đến chỗ của bà để yêu cầu họ lên phương án lập hồ sơ cho vay khống, theo kết quả điều tra được Tuổi Trẻ dẫn lại. Sau đó, các lãnh đạo SCB phân công nhau làm việc theo chỉ thị của bà để duyệt các hồ sơ cho vay. Số tiền được giải ngân sau đó sẽ được tài xế của bà Lan đưa từ ngân hàng SCB lên xe chở thẳng về nhà riêng của bà hay về trụ sở của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đã có 108 ngàn tỉ đồng và 14,7 triệu đô la Mỹ đã được chuyển về cho bà Lan theo cách này.

Để có tư cách pháp nhân vay vốn ngân hàng nhiều lần, bà Lan còn chỉ đạo dựng lên hàng ngàn công ty ma và thuê các cá nhân đứng tên. Tài sản dùng để thế chấp ngân hàng được công ty thẩm định giá đã bị bà Lan mua chuộc kê lên gấp nhiều lần giá trị thực, cũng theo kết luận điều tra của công an. Thậm chí, bà Lan còn dùng tài sản thế chấp chưa đủ giá trị pháp lý hay dùng một tài sản thế chấp nhiều lần.

Để khỏa lấp hành vi sai trái ở SCB, bà Lan đã dùng tiền hối lộ các quan chức ngân hàng trung ương từ trên xuống dưới, cáo trạng của Viện kiểm sát cho biết. Bà đã mua chuộc từ các lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh cho đến lãnh đạo cơ quan thanh tra ngân hàng và toàn bộ các cán bộ trong đoàn thanh tra được cử đến SCB.

Cụ thể, trong đoàn thanh tra liên ngành có 18 người thì tất cả 18 người này đều nhận hối lộ của bà Lan, trong đó bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra, bị cáo buộc nhận hối lộ đến 5,2 triệu đô la – số tiền lớn nhất một cá nhân nhận hối lộ từng được biết đến ở Việt Nam.

Nhà chức trách ở đâu?

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng nhiều năm làm việc ở Mỹ, lưu ý với VOA rằng những sai phạm của bà Lan ở SCB đã diễn ra trong thời gian dài, hơn 10 năm, kể từ khi SCB ra đời trên cơ sở hợp nhất ba ngân hàng hồi năm 2012.

Kể từ lúc đấy, SCB đã trở thành ‘công cụ tài chính’ cho bà Lan và hệ sinh thái của bà, ông Hiếu nói với VOA từ Hà Nội.

“Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng ở đâu, lỗ hổng trong luật lệ như thế nào mà để cho bà Trương Mỹ Lan có thể hoành hành, tự tung tự tác như vậy,” ông đặt vấn đề và cho rằng ‘có những lỗ hổng mang tính hệ thống’.

Ông chỉ ra lỗ hổng đó ‘hoặc là sự nhắm mắt làm ngơ, hoặc là sự thiếu chuyên nghiệp’ của các cán bộ Ngân hàng trung ương trong việc tìm ra sai sót của SCB.

“Hình như tất cả sai sót của SCB đã không được đánh giá, nhìn nhận và thẩm định một cách chính xác bởi các thanh tra của Ngân hàng Nhà nước,” chuyên gia này nói thêm.

Ông lưu ý luật pháp Việt Nam quy định một tổ chức, cá nhân không được phép sở hữu quá 5% cổ phần của một ngân hàng trong khi bà Lan trên thực tế sở hữu đến hơn 90% cổ phần của SCB bằng cách nhờ người thân quen đứng tên giùm cổ phần của bà. Việc làm của bà đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam mà không bị ai sờ gáy.

“Ngân hàng Nhà nước trong bao nhiêu năm mà không thể kiểm soát được chính xác tỷ lệ cổ phần ở SCB,” ông chỉ trích. “Ngân hàng Nhà nước hoặc là không phát hiện ra (tỷ lệ sở hữu thực tế của bà Lan) hoặc là biết mà không xử lý.”

‘Luật có như không’

Từ đó, ông cho rằng, vấn đề ở Việt Nam không phải là ‘cứ ra nhiều quy định chặt chẽ là được’ mà là ‘trên thực tế có thực thi được điều luật đó hay không’.

Ông Hiếu dẫn chứng về hoạt động ngân hàng ở Mỹ, nơi ông đã từng mở ngân hàng, để nhấn mạnh trường hợp của bà Lan ‘rất khó xảy ra ở Mỹ’ mặc dù luật Mỹ không hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng như ở Việt Nam.

Theo lời ông thì ở Mỹ các ngân hàng đều chịu sự giám sát của cơ quan chức năng ở cả cấp bang và cấp liên bang.

“Chúng tôi phải khai báo rất thành thật và chính xác tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, và tất cả các cổ đông lớn đều phải khai báo và không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng,” ông kể. “Nếu ai có gian lận trong khai báo thì sẽ bị xử lý.”

“Ở Việt Nam luật lệ thì rất nhiều nhưng tính thượng tôn pháp luật, tính tuân thủ pháp luật rất kém. Chính vì thế bất cứ luật nào đưa ra thay vì như bên Mỹ người ta tuân thủ luật pháp thì ở Việt Nam người ta lại tìm cách lách luật.”

Ngân hàng sân sau

Ông Hiếu chỉ ra thực trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam ‘bị các nhóm lợi ích bất động sản như của bà Lan sử dụng làm sân sau phục vụ cho lợi ích của mình’.

Mới đây, hôm 7/12, trong cuộc họp với 38 lãnh đạo các ngân hàng thương mại trong cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được VnExpress dẫn lời yêu cầu chấm dứt tình trạng ngân hàng làm sân sau để phục vụ cho hệ sinh thái của một số tập đoàn.

Theo lời ông Nguyễn Trí Hiếu thì ở Việt Nam nhiều nhóm lợi ích bất động sản đã len lỏi vào trong các ngân hàng, thể hiện qua việc các vị trí lãnh đạo của các ngân hàng đều có quan hệ hay xuất thân từ ngành bất động sản, và các nhóm lợi ích này đã ‘trở thành rủi ro rất lớn cho nền kinh tế’ vì ‘họ sẵn sàng chà đạp lợi ích chung để theo đuổi lợi ích riêng’.

Ở Mỹ cứ mỗi ba tháng lại có đoàn thanh tra đến các ngân hàng kiểm tra sổ sách, nếu phát hiện cho vay tập trung vào một nhóm khách hàng nào đó hay cho vay với những điều kiện ưu đãi bất thường thì các ngân hàng đó ‘sẽ bị xử phạt ngay’, cũng theo lời chuyên gia này.

“Hiện giờ ở Việt Nam tăng trưởng tín dụng rất thấp trong khi các ngân hàng lại cho các công ty người nhà vay rất rộng rãi, rất ưu đãi,” ông chỉ ra.

Khắc phục thế nào?

Để khắc phục những lỗ hổng này, ông Hiếu đề xuất trong Luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng đang được đưa ra Quốc hội để điều chỉnh, bổ sung cần giảm hơn nữa tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân hay tổ chức và các nhóm liên quan. Đồng thời phải có quy định nếu ngân hàng nào không khai báo chính xác có thể bị tước giấy phép hoạt động luôn.

Ngoài ra, ông đề xuất Ngân hàng trung ương phải ‘sàng lọc, tăng cường, đào tạo lại đội ngũ thanh tra’ và ‘phải trả lương xứng đáng cho họ’.

Dẫn ra trường hợp có sự tiếp xúc quá dễ dàng giữa đoàn thanh tra SCB với bà Trương Mỹ Lan và các lãnh đạo SCB, dễ tạo điều kiện cho đưa-nhận hối lộ, ông Hiếu cho rằng luật Việt Nam cần quy định như bên Mỹ ‘các lãnh đạo ngân hàng không được phép mời mọc hay tặng quà cho các thanh tra’.

“Ở Việt Nam thì các thanh tra đi hát karaoke với lãnh đạo ngân hàng vào buổi tối, đi ăn trưa với nhau, rồi khi thanh tra làm xong công việc của họ lại được nhận quà,” ông chỉ ra.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG