Đường dẫn truy cập

Lo khách TQ lan truyền coronavirus, dân Việt đòi đóng cửa biên giới Việt-Trung


Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Ái Điểm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Ái Điểm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Lo sợ trước thông tin cho hay có 218 du khách từ Vũ Hán vừa nhập cảnh Đà Nẵng ngày 22/1, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đang lan truyền lời kêu gọi giới hữu trách đóng cửa biên giới với Trung Quốc, dừng các hoạt động có thể gây lây nhiễm bệnh như bắn pháo bông, đo nồng độ cồn của người lái xe…

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi báo chí quốc tế cho hay một số quốc gia đã quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc, trong đó có Triều Tiên và Đài Loan, giữa bối cảnh dịch bệnh do chủng virus lạ corona gây ra đang khiến cho số người tử vong tăng lên từng ngày tại Trung Quốc.

Đóng cửa biên giới?

Các tài khoản Facebook Nguyễn Xoan, Nguyễn Quang Vinh và nhiều người khác kêu gọi lãnh đạo Việt Nam hãy “đóng ngay cửa khẩu biên giới Việt – Trung” vì bệnh viêm phổi do virus corona "đang vào Việt Nam từ Trung Quốc”. Họ còn kêu gọi mỗi người “hãy hành động ngay lập tức” và “lên tiếng để bảo vệ mạng sống mình” vì bị nhiễm virus corona là "coi như nhận án tử hình".

Trong khi đó, tài khoản Facebook “Từ Thức” có bài viết phân tích về việc nên “đóng hay mở” cửa biên giới với Trung Quốc. Trong đó, Facebooker này cho rằng việc “khoanh tay không làm gì hết, hay nín khe" là "vô trách nhiệm".

Facebooker này bình luận rằng đó là "một thái độ sát nhân", đồng thời đưa ra nhận định: "Bất cứ một quốc gia bình thường nào cũng nói với dân: chúng tôi đã và sẽ làm gì để tránh tai hoạ. Trừ khi nghĩ rằng để dân hoang mang, bàn luận om xòm về virus cũng có cái hay: virus giúp họ quên Đồng Tâm”.

Một nhà hoạt động Việt Nam nay sống ở Mỹ, ông Hoàng Dũng, cũng kêu gọi người dân “hãy nhắn tin cho Thủ tướng yêu cầu ngưng bắn pháo hoa” như là một biện pháp khẩn cấp để hạn chế virus corona lây lan. Lời kêu gọi của ông cũng nhận được khá nhiều sự ủng hộ. Một số người còn chụp màn hình tin nhắn đã gửi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Một số người khác yêu cầu nhà chức trách Việt Nam tạm dừng biện pháp đo nồng độ cồn mới được áp dụng đối với người tham gia giao thông vì sợ lây nhiễm corona.

Nỗi lo về du khách Trung Quốc

Trước đó, báo chí Việt Nam đưa tin có 218 du khách từ Vũ Hán vừa nhập cảnh vào Đà Nẵng vào ngày 22/1 và sẽ lưu lại Việt Nam cho tới ngày 27/1 (mừng 3 Tết). Số khách này đến từ chuyến bay cuối cùng rời khỏi Vũ Hán trước khi thành phố bị cách ly hoàn toàn.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, bà Trương Thị Hồng Hạnh, thì số du khách Trung Quốc này “không có biểu hiện gì đáng nghi mắc bệnh hô hấp” nên “họ vẫn tiếp tục lịch trình tham quan”.

Sau thời gian tham quan, số du khách này sẽ được thành phố bố trí máy bay đưa về Vũ Hán, “sau đó đi máy bay rỗng về lại Đà Nẵng, không chuyên chở khách chiều ngược lại để tránh lây nhiễm bệnh viêm phổi", VnExpress dẫn lời ông Đoàn Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Trung cho biết vào chiều 24/1.

Tin cho hay kể từ ngày 30 Tết đến mùng 5 Tết, sẽ có 93 chuyến bay từ các địa phương của Trung Quốc đến Đà Nẵng.

Từ mùng 2 đến mùng 3 Tết sẽ có 2 chuyến tàu từ Thâm Quyến, Trung Quốc, cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Trong đó, có tàu chỉ đưa khách tham quan ban ngày, nhưng cũng có tàu cho khách ở qua đêm trên bờ.

Thành phố Vũ Hán là nơi xuất phát của dịch bệnh đang khiến cả thế giới lo ngại. Thành phố này hiện đã bị nhà chức trách Trung Quốc cách ly để ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang những nơi khác. Tất cả các chuyến bay, tàu lửa đều bị cấm rời khỏi thành phố kể từ ngày 23/1. Các hoạt động vui chơi dịp Tết Nguyên Đán cũng bị hủy bỏ.

Từ Vũ Hán, dịch bệnh đã lan ra khắp Trung Quốc và sang nhiều nước khác như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

Biện pháp đối phó của Việt Nam

Cho đến tối 24/1, Việt Nam đã ghi nhận 2 du khách người Vũ Hán mắc bệnh viêm phổi do virus corona gây ra. Bộ Y tế cho biết hai bố con du khách này hiện đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước đó, báo chí trong nước cho hay có 2 trường hợp ở Hà Nội nghi bị nhiễm virus corona nhưng “chưa được công bố”. Đó là một nữ du học sinh Việt Nam, 22 tuổi, mới trở về từ Vũ Hán; và 1 người khác, 55 tuổi, buôn bán tại chợ biên giới với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo khẩn vào ngày 24/1 để thông tin tình hình viêm phổi cấp do virus corona gây ra, TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định: “Tại phía Bắc chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm phổi do virus lạ”.

Trong buổi họp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới ngày 24/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định chỉ có 2 trường hợp người Trung Quốc bị nhiễm virus corona tại Việt Nam, nhưng có 4 trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm trong vòng 2-3 ngày tới.

Đối với lo ngại về việc qua lại ở biên giới Việt-Trung, ông Vũ Đức Đam nói rằng Việt Nam đặt tình huống hiện nay không phải là “lây nhiễm hạn chế” như thông thường, mà là tình huống “lây nhiễm”. Theo đó, Việt Nam bắt đầu áp dụng khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu đối với hành khách, đặc biệt là hành khách đến từ Vũ Hán và Hoàng Cương của Trung Quốc, theo Tuổi Trẻ.

Giới hữu trách Việt Nam cũng khuyến cáo công dân tuyệt đối không đi tới Vũ Hán và các thành phố đang bị ảnh hưởng dịch bệnh ở Trung Quốc.

Kể từ ngày 23/1, Việt Nam cũng đã ngưng tiếp nhận và cấp phép cho các chuyến bay đi và đến từ hai thành phố trên của Trung Quốc. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng danh sách này tùy theo theo danh sách cách ly cập nhật của Trung Quốc.

Cho đến ngày 24/1, Trung Quốc đã đóng cửa ba thành phố là Vũ Hán, Hoàng Cương và Ngạc Châu, với tổng số khoảng 20 triệu dân bị cách ly để ngăn chặn dịch bệnh. Hiện đã có 26 người tử vong tại Trung Quốc và hơn 800 người bị nhiễm virus corona.

VOA Express

XS
SM
MD
LG