Đường dẫn truy cập

Lo COVID-19 trong Mùa Đông tới


Một nhân viên y tế đứng kế bên thi hài một người chết vì covid tại New Delhi, Ấn Độ, 28 tháng Chín. Hình minh họa.
Một nhân viên y tế đứng kế bên thi hài một người chết vì covid tại New Delhi, Ấn Độ, 28 tháng Chín. Hình minh họa.

Dù ai đắc cử tổng thống đầu tháng 11 này thì đến đầu năm 2001 dân Mỹ cũng vẫn phải tiếp tục đối đầu với Covid-19. Nếu có thuốc chủng người trong tháng Mười thì từ đó đến cuối năm cũng chỉ có thể cung cấp cho những người dễ bị virus tấn công nhất: người già yếu, người có bệnh sẵn, và nhất là các người đứng “tuyến đầu” đang lo chăm sóc bệnh nhân. Những người khác phải tự lo bảo vệ trước khi đến lượt chích vaccine! Bởi vì Coronavirus có thật. Những người đã chết đều có thật!

Ngày Thứ Ba 29 tháng 9, trên thế giới đã có 33,194,377 trường hợp bị bệnh và số người chết sắp hơn một triệu. Trong chín tháng, Covid-19 giết nhiều người hơn HIV/AIDS (954,000 người trong năm 2017), bệnh sốt rét (620,000) hay tự tử (794,000). Riêng nước Mỹ, chiếm 4 phần trăm dân số toàn cầu, số người bệnh lên tới hơn bẩy triệu (7,142,076) và205,000 người chết, đều vào khoảng 20% của cả thế giới.

Nhưng các con số chính thức chắc chắn còn thấp so với sự thật. Nhiều người bịnh nhưng không biết, nhiều người ở các nước nghào chết âm thầm không được đưa vào nhà thương. Số người mắc bệnh, theo nhiều tổ chức y tế, có thể tới từ 500 triệu tới 700 triệu, thay vì 33 triệu. Tìm ra sai lệch trong số người chết vì Covid-19 giản dị hơn. Các quốc gia đều có số thống kê số người chết mỗi năm, từ đó có thể tiên đoán số người sẽ chết trong năm sau. Nếu thấy số người chết năm nay lên cao hơn con số được tiên đoán một cách bất thường, thì có thể kết luận số chênh lệch do Covid-19 gây ra. Người ta đã thấy trong sáu tháng, từ đầu tháng Ba đến hết tháng Tám, số người chết vì Covid cao hơn các con số được công bố khoảng 30%. Riêng ở nước Nga thì cao gấp 8 đến 10 lần.

Mùa Đông sắp tới, bắt đầu cuối tháng 12, 2020, có thể nguy hiểm hơn. Người ta sẽ sinh hoạt trong nhà nhiều hơn ở bên ngoài, tức là dễ truyền vi khuẩn cho nhau hơn. Bệnh dịch lên theo cấp số nhân. Nếu một người mang virus trong mình có thể truyền cho một người khác thì số bệnh nhân sẽ tăng gấp đôi, cứ thế tiếp tục. Từ 1 tăng thành 2, rồi thành 4, rồi là 8, 16, 32 … trong mấy ngày sẽ có 256, 512, rồi 1,024 … người mắc bệnh.

Vì vậy muốn ngăn chặn bệnh dịch phải giảm bớt số người bị lây.

Nhưng có rất nhiều người mang virus trong mình mà không biết. Có người thấy triệu chứng đã đi thử test nhưng chưa biết kết quả. Họ đều có thể vô tình truyền bệnh cho người chung quanh. Chỉ số một người có thể truyền vi khuẩn cho mấy người, viết tắt là R, càng xuống thấp thì bệnh dịch càng bị hạn chế.

Vì vậy, tất cả các nước đều có những biện pháp ngăn ngừa ngay khi Covid 19 xuất hiện để giảm bớt nạn lan truyền. Thứ nhất là ra lệnh “cấm cung” hạn chế tối đa các việc tiếp xúc, để chỉ số R xuống thấp. Thứ nhì, là nếu người ta bắt buộc phải gặp gỡ nhau thì phải đứng xa cách nhau 2 mét; mọi người đều đeo mạng che miệng vì không ai biết chắc người nào đã nhiễm vi khuẩn; hai cách đó cũng giảm bớt không cho bệnh lan truyền. Thứ ba, những người đã mắc vi khuẩn rồi phải được cô lập. Nhưng làm sao biết ai đã mắc bệnh? Cần phải thử nghiệm, làm test càng nhiều người càng tốt. Khi biết ai đã mắc vi khuẩn rồi thì phải tìm ra, theo dõi những người đã tiếp xúc gần với họ để thử nghiệm coi đã bị lây chưa.

Tất cả các biện pháp trên đã được thi hành và thành công ở nhiều quốc gia. Các nước như Canada, Đức quốc, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, đã thực hiện việc thử nghiệm cho rất nhiều người, theo dõi những người có thể bị lây để thử nghiệm tiếp, vân vân. Nam Hàn, Đài Loan đều đã ra lệnh cấm cung toàn diện ngay khi bệnh mới chớm xuất hiện nên có đủ thời gian để chuẩn bị các hành động đối phó khác: thử nghiệm (test), theo dõi (tracing) và các phương pháp trị liệu. Đài Loan, với dân số gần bằng một phần 10 nước Mỹ, chỉ có hơn 500 người mắc bệnh và dưới 10 người chết vì Covid-19.

Ngược lại, Israel đã thành công bước đầu như Đài Loan, nhưng lại thất bại trong các bước sau. Chính phủ Netanyahu đã ra lệnh cấm cung toàn diện ngay; nhưng để phí thời giờ không chuẩn bị các công tác thử nghiệm và theo dõi. Dân Israel không thi hành lệnh đeo mạng và tránh tụ họp đông người. Các đám tang tại nhà thờ bảo thủ của người Do Thái cũng như các đám cưới của người Á Rập trong nước Israel đã tạo cơ hội cho vi khuẩn truyền lan nhanh và rộng.

Ngay tại nước Mỹ, một hội nghị đông người ở Boston vào tháng Ba, do một công ty dược phẩm tổ chức, đã cho thấy virus lan truyền nhanh và rộng thế nào. Sau cuộc tập họp, hầu hết 100 người tham dự mắc bệnh, dù chỉ có vài người đến dự họp đã mang sẵn vi khuẩn. Vì không làm test và theo dõi ngay lập tức, cho nên cuối cùng đã có tới 20,000 người bị lây cũng mắc Covid-19, bắt nguồn từ cuộc họp ở Boston.

Miền Đông Bắc nước Mỹ là nơi diễn ra đợt bệnh dịch đầu tiên. Từ giữa Tháng Ba đến đầu tháng Tư, mỗi ngày nước Mỹ có 32 ngàn ca bệnh mới – cứ 100 ngàn người có 10 người bệnh. Thành phố New York phải làm lều để cho bệnh nhân nằm; các nhà xác hết chỗ phải thuê xe phòng lạnh chứa, để ngoài đường.

Sau đó, đợt sóng bệnh thứ nhì trào tới các tiểu bang miền Nam và miền Tây. California đã thành công với hành động cấm cung ngay giữa tháng Ba, đến tháng Năm đã nới lỏng các hạn chế tiếp xúc, cho mở cửa cả các quán rượu. Từ giữa tháng Sáu số người bệnh tăng lên từ tháng Sáu, từ California đến Florida, Texas, Arizona, vân vân. Giữa tháng Bảy, số người mới bị bệnh tăng lên tới 67 ngàn ca một ngày, gấp đôi con số tháng Tư.

Đợt sóng truyền bệnh thứ nhì vẫn tiếp tục, trong tuần qua có 26 tiểu bang trong nước Mỹ vẫn thấy số người mắc bệnh tăng lên. Các tiểu bang miền Trung Tây chịu nặng nhất, từ Wisconsin và Minnesota đến Nam và Bắc Dakotas, xuống tới Utah và Wyoming.

Covid 19 cũng bắt đầu tấn công các vùng thưa dân, ở nông thôn thay vì tấn công các khu đô thị đông người trong đợt đầu. Nếu chia nước Mỹ làm ba vùng tùy theo mật độ dân số, thì trong đợt đầu, trước giữa tháng Tám, trong một phần ba dân Mỹ sống ở các đô thị, số người bị bệnh cao hơn cả hai phần ba còn lại. Bây giờ thì ngược lại. Một phần ba dân số Mỹ, những người sống ở các vùng thưa dân bị bệnh nhiều hơn các người ở khu đông đúc.

Điều đáng lo là những vùng thôn quê nhiều người già hơn, hay bị bệnh hơn, và số nhà thương tốt, số bác sĩ ít hơn ở thành phố. Cho nên, nhiều người đang lo khi Covid tấn công vào đợt thứ ba, mùa Đông năm tới, thì tình trạng sẽ trầm trọng hơn.

Đợt truyền bệnh mới đã diễn ra ở Âu châu. Từ Pháp qua Tây Ban Nha, số người mới nhiễm bệnh tăng lên, còn cao hơn đợt đầu. Một điều phải lo lắng trước, là tất cả mọi người đều đã “mỏi mệt và chán ngán” đối với các biện pháp phòng bệnh. Bà thủ tướng Đức mới tuyên bố ngày Thứ Ba, 29 tháng Chín, rằng dù bệnh có lan truyền mạnh hơn, chính phủ cũng không ra lệnh cấm cung toàn diện, mà chỉ cấm cung từng địa phương một theo nhu cầu.

Điều đáng mừng là những phương pháp trị bệnh đã được cải thiện rất nhiều. Có nhiều loại thuốc, tấn công vào các hoạt động khác nhau của loài coronavirus đã được đem thử và thấy hiệu nghiệm. Các bác sĩ cũng biết loài virus này nguy hiểm cho các bộ phận khác chứ không riêng buồng phổi, và biết cách trị liệu thích hợp ngay từ khi chớm bệnh.

Nhưng chúng ta vẫn phải lo chống đỡ với coronavirus trong mùa Đông sắp tới.Đã rút kinh nghiệm thành công và thất bại trên cả thế giới trong chín tháng vừa qua, hy vọng sẽ không lập lại những sai lầm có thể tránh được.

Đối với mỗi người thì tốt nhất vẫn nên giữ các thói quen tập được trong bẩy, tám tháng vừa qua. Luôn luôn rửa tay và tránh đụng tay vào mắt, mũi, miệng. Đi ra ngoài, gặp người lạ thì đeo mạng che miệng. Tránh không đến gần ai dưới 2 mét nếu không có gì ngăn giữa hai người. Cầu mong mọi người bình an trong mùa Đông nguy hiểm này!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG