Đường dẫn truy cập

Liệu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có từ chức?


“Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.” Đó là nguyên văn lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 27 tháng 6 năm 2006.

Không những ông Thủ tướng chưa bao giờ từ chức mà ông còn tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 25 tháng 7 năm 2011. Trong khi đó thì đảng Cộng sản (ĐCS) của ông và Nhà nước Việt Nam không ngừng lập đi lập lại rằng “Tham nhũng là quốc nạn, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ và coi việc chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đảng và của cả hệ thống chính trị.”

‘Đảng kiên quyết chống tham nhũng đến cùng’

Cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng từng tuyên bố rằng “Đảng ta kiên quyết chống tham nhũng đến cùng để làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước.” Thậm chí cả Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng, vậy mà cái quốc nạn đó vẫn tỏ ra ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.

Tham nhũng ngày càng tinh vi hơn, có hệ thống và tổ chức quy mô hơn ngay trong các cơ quan công quyền từ trung ương đến điạ phương; mức độ gây thiệt hại cũng ngày càng tăng nhiều hơn. Tham nhũng thực sự đã từ lâu trở thành vấn đề “nhức nhối của toàn xã hội” - đến nổi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây còn ví von trước cử tri Hà Nội rằng “Tham nhũng như ghẻ ngứa (và ông cũng) rất khó chịu.” Trong khi đó thì tại Sài Gòn, ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại bộc bạch với cử tri của ông như sau: “… Nhiều cử tri TP.HCM đã nói thẳng với tôi ‘một số cán bộ có ăn (hối lộ) thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn’, nghe thật xót xa, đau đớn và xấu hổ. Do vậy, nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác…”

Vậy thì tại sao ông Thủ tướng còn chưa từ chức? Có phải vì nếu ông từ chức thì sẽ không có ai trong đảng của ông thay thế ông? Hoặc giả như ông “quyết liệt chống tham nhũng” thì toàn bộ cái bộ máy nhà nước mà ông đang điều hành sẽ không còn cán bộ làm “đầy tớ cho nhân dân”? Hay là Việt Nam không có người đủ khả năng và đức độ thay ông làm Thủ tướng?

Theo Điều 1, khoản 2 của Luật Phòng chống tham nhũng thì tham nhũng được hiểu là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Điều 1, khoản 3 của Luật này còn xác định rõ ràng rằng “người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: a) Cán bộ, viên chức, công chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn-kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”

Như vậy đã quá rõ là thành phần “tham nhũng” chỉ có thể là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong các cơ quan của đảng, Nhà nước, trong các lực lượng vũ trang quân đội, công an và trong các tổ chức chính trị-kinh tế-xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng.

Trong thực tế thì nhân dân Việt Nam không có quyền gì để có thể lợi dụng chức quyền đó mà vụ lợi theo như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Quyền của người dân Việt Nam đã bị ĐCS tước đi từ lâu cho dù Nhà nước CSVN không ngừng rêu rao rằng “Nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân.”

ĐCSVN đã thể chế hóa quyền lực của họ bằng điều 4 Hiến pháp 1992 để tự đặt họ lên trên ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Đối với ĐCS, qua lời của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, “Hiến pháp chỉ là văn kiện quan trọng thứ hai sau Cương lĩnh của Đảng”. Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, nếu có, đặt ra chỉ cốt để đè đầu cởi cổ, cai trị bóc lột nhân dân và bảo vệ quyền lợi cho đảng cũng như cho những đảng viên trung thành với đảng. Việc ĐCS hô hào chống tham nhũng bấy lâu nay dường như chỉ là một màn kịch rẻ tiền để mỵ dân và lừa phỉnh cộng đồng quốc tế!

Liệu ĐCSVN có hành xử như một ‘đảng cướp’?

Hoàn toàn không đúng khi cho rằng Việt Nam không có người đủ khả năng và đức độ thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng. Như đã trình bày, nhân dân Việt Nam từ lâu đã bị ĐCS tước đoạt đi cái quyền thiêng liêng làm chủ đất nước và chính vận mạng của họ. Biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã từng bị ĐCS trù dập, tù đày và thủ tiêu chỉ vì họ can đảm lên tiếng phản đối những chính sách ngu dân, độc tài, độc tôn, độc quyền đảng trị và phản động của Cộng sản. Liệu ĐCSVN có hành xử như một “đảng cướp” đối với đất nước và nhân dân Việt Nam?

Câu trả lời chắc sẽ không quá khó để tìm khi chính các lãnh đạo cộng sản tự thú rằng “Tham nhũng là quốc nạn, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ” của họ. Vấn đề đặt ra khi đã là quốc nạn thì ĐCS đã có quốc sách nào chưa để loại trừ cái quốc nạn này? Lãnh đạo ĐCS vẫn tiếp tục chỉ biết than vãn là bây giờ “sâu đã thành bầy đàn”, là “ghẻ ngứa khó chịu quá”, là quá “xót xa, đau đớn và xấu hổ”, là họ sẽ “quyết tâm… làm trong sạch đảng, trong sạch bộ máy nhà nước”, etc…

Cách đây một năm khi đảng “phê và tự phê” thì rộ ra một “Đồng chí X”. Vậy thật sự liệu có ai trong Bộ Chính trị (BCT) hiện nay có tên là “X” không mà ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi nói về quyết định của đảng không kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị mà ông đã gọi người ấy là “Đồng chí X”. Chẳng lẽ ông Trương Tấn Sang và các đồng chí của ông trong BCT không biết tên của người đồng chí ấy? Vậy thì cái danh sách các ủy viên BCT mà ĐCS công bố là chưa đúng và đầy đủ sao? Hoặc liệu có một “đồng chí lạ” hay một “đồng chí tàng hình” nào nữa trong BCT? Hay là ĐCSVN là một đảng cướp, một tổ chức của xã hội đen, mafia, hội kín vì thường chỉ có những tổ chức kiểu này mới có những người hoạt động cho nó mang những biệt danh giang hồ như “Bảy Hổ Xóm Chiếu, Ba Chột Cầu Ông Lãnh, Năm Điếc Cây Da Sà, Đại Cathay, Đồng chí X, etc…”

Tham nhũng đã là quốc nạn và nó đã tràn lan. Tham nhũng đã trở thành một chứng bệnh ung thư thời đại của đất nước. Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề để có một quốc sách cho cái quốc nạn này. Chúng ta không thể trông chờ gì vào cái ĐCS này nữa. Họ không có kế hoạch phát triển tương lai nào cho đất nước chúng ta. Tất cả những gì họ làm đều vì quyền lợi của chính bản thân họ, gia đình của họ và cho cái đảng cướp mà họ tôn thờ.

Có thể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa thấy tham nhũng thực sự đang hoành hành như thế nào trên quê hương của ông cho nên ông chưa muốn từ chức, hoặc chưa có quốc sách diệt trừ tham nhũng. Có thể các vị lãnh đạo cộng sản khác tuy đã nhìn thấy căn bệnh ung thư thời đại của đất nước nhưng cũng chưa tìm ra phương pháp hữu hiệu để trước cứu đảng sau cứu nước cho nên các vị chỉ biết than vãn. Hoặc cũng có thể cái ĐCS này chỉ là một đảng cướp không hơn không kém cho nên nó mới ra nông nỗi này. Dẫu sao thì dường như nhân dân Việt Nam cũng đã tìm ra được cái phương thuốc diệt trừ cái quốc nạn này rồi. Vấn đề là bao giờ nhân dân Việt Nam quyết định thực hiện phương thuốc này.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Vũ Đức Khanh

    Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG