Đường dẫn truy cập

Liệu Thủ tướng Anh 42 tuổi có thọ nổi 42 ngày


Tân thủ tướng Sunak thăm một bệnh viện tại London.
Tân thủ tướng Sunak thăm một bệnh viện tại London.

Nhưng cũng nhờ sự xuống dốc không phanh của bà Truss mà ông Sunak đã trở thành thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hàng trăm năm qua. Ở tuổi 42, ông cũng là người hành đạo Ấn giáo đầu tiên ngồi vào ghế thủ tướng Anh.

Sẽ chẳng có ai hỏi như vậy vài năm về trước nhưng chỉ vài tháng qua Anh Quốc đã có tới ba thủ tướng thay nhau cầm quyền nên câu hỏi này không hề vô lý.

Thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của Anh, ông Rishi Sunak, sợ ghế lung lay tới mức tuyên bố sẽ không dự thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu ở Ai Cập trong tháng 11. Ông nói ông muốn tập trung giải quyết các vấn đề quốc nội mà nổi bật là kinh tế khó khăn. Sau khi bị chỉ trích vì không sẵn sàng đi đầu thế giới trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, ông Sunak nói ông vẫn có thể tới Ai Cập nhưng chưa khẳng định.

Cho dù vài tháng qua cho thấy sự bất ổn trong chính trường Anh, nó cũng cho thấy cơ chế dân chủ cho phép người ta thấy các vấn đề cần giải quyết trong chính trường nhanh chóng và có giải pháp ngay lập tức. Bà Liz Truss đưa ra những quyết định không đúng đắn dẫn tới không còn sự ủng hộ của dân biểu trong Nghị viện và đã phải đi vào lịch sử với tư cách là thủ tướng tại vị ngắn ngày nhất của nước Anh.

Nhưng cũng nhờ sự xuống dốc không phanh của bà Truss mà ông Sunak đã trở thành thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong hàng trăm năm qua. Ở tuổi 42, ông cũng là người hành đạo Ấn giáo đầu tiên ngồi vào ghế thủ tướng Anh.

Cũng phải nhắc lại chỉ cách đây vài tháng người ta còn nghĩ rằng cơ hội thành thủ tướng của ông Rishi Sunak đã tiêu tan và ông sẽ phải đợi tới năm 2035, tức hơn một thập niên nữa. Lý do là vì một loạt biến động trong tháng Hai năm nay. Thứ nhất, theo trang tin Tortoise của Anh, ông Sunak sợ thâm hụt ngân sách nên đã không giúp gì đáng kể cho người dân khi công bố kế hoạch ngân sách giữa kỳ khiến báo chí kêu ca thay cho dân hồi đầu năm. Thứ hai, vợ của ông Sunak, bà Akshata Murthy, bị tố cáo được lợi hàng chục triệu bảng Anh khi đường đường ở nước Anh nhưng lấy tư cách là dân Ấn Độ để đóng thuế cho thu nhập có được từ ngoài Anh. Điều này không trái luật nhưng không đúng đạo lý vì chỉ những người dự định sau này sẽ quay về quê hương mới được hưởng ưu đãi như vậy. Mà cả ông Sunak và vợ đều không có ý định sẽ rời Anh về Ấn Độ sống. Điều này càng rõ ràng hơn khi giờ ông đã đạt tham vọng thành thủ tướng.

Nhưng hai vấn đề đó giờ đều đã không còn vì vợ ông thủ tướng đã tuyên bố “vì chồng” mà trả toàn bộ thuế ở Anh cho cả những thu nhập có được ở bên ngoài Anh. Người dân giờ đã thấy tránh gánh thêm nợ nhà nước quá mức là điều đúng khi chứng kiến cách thị trường nổi đoá trước sự sẵn sàng vay vô tội vạ của bà Liz Truss.

Thế còn chuyện ông Sunak sẽ thọ được bao lâu, có nhiều khả năng ông sẽ không chịu chung số phận như bà Truss. Ông Sunak là người cẩn trọng và đã có gương của vài người tiền nhiệm nên ông sẽ cố duy trì sự ủng hộ khá lớn hiện có trong Nghị viện. Kể cả trong lần chọn thủ tướng hồi mùa hè năm nay, số dân biểu ủng hộ ông Sunak vẫn lớn hơn số nghị viên ủng hộ bà Truss. Chỉ có điều các đảng viên Bảo thủ, những người vốn tôn thờ cựu Thủ tướng Boris Johnson, không ưa ông Sunak vì cho rằng thần tượng của họ buộc phải từ chức do ông Sunak rời khỏi nội các để phản đối ông Johnson gây ra nhiều bê bối.

Vậy những lý do nào có thể khiến những ngày ở phủ thủ tướng của ông Sunak ngắn lại? Thực tế vẫn có nhiều lý do. Đảng Bảo thủ đang bị Đảng Lao động đối lập bỏ xa trong các thăm dò dư luận và có thể ông Sunak sẽ không thể mang lại thắng lợi tại phòng phiếu trong kỳ bầu cử tới, có thể vào đầu năm 2025 hay sớm hơn. Ngoài ra vì phải giữ sự ủng hộ của các phe nhóm trong Nghị viện, ông Sunak phải dùng tới những người mà tư cách và khả năng không hoàn toàn phù hợp. Đó là những người có thể tạo ra scandal gây hại tới khả năng tại nhiệm của ông thủ tướng gốc Ấn. Kinh tế èo uột là lý do khác khiến tham vọng cầm quyền lâu của ông Sunak không dễ đạt dược. Bên cạnh đó là sự chia rẽ tại Anh với Scotland muốn độc lập, Bắc Ai-len rối bời vì Brexit, vấn đề mà cả nước Anh cũng đang chịu tác động.

Một điều vẫn đáng nhắc lại là cơ chế dân chủ chẳng phải là hoàn hảo nhưng người ta nói trên thế giới này vẫn chưa có cơ chế nào tốt hơn nó. Đó là cơ chế khiến Anh có bất ổn nhưng xã hội không rối loạn và người gốc Ấn có thể đứng trên triệu người ở tuổi 42, tuổi mà nhân vật có tiếng của FPT, ông Trương Đình Anh, cũng muốn thành thủ tướng nhưng đó là giấc mơ chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực cho những người ở độ tuổi 40 tại Việt Nam. Trước ông Rishi Sunak, Thủ tướng David Cameron của Anh giữ kỷ lục thủ tướng trẻ ở tuổi 43 và điều đó xảy ra mới gần đây.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG