Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp nhất trong 25 năm và sự lo ngại ngày càng tăng ở những nước đã lệ thuộc vào nền kinh tế bùng phát của Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích lo ngại rằng là nước đã trở nên thịnh vượng nhờ xuất khẩu các tài nguyên thiên nhiên qua Trung Quốc, Australia có thể theo chân các nền kinh tế lệ thuộc vào tài nguyên bước nào tình trạng suy thoái. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật.
Sau vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu, thế giới phần lớn đã dựa vào Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế. Nhưng nhu cầu Trung Quốc sụt giảm đã dẫn đến một sự sụt giảm mạnh về giá các thương phẩm, trong đó có quặng sắt và than đá, là những mặt hàng đã nâng đỡ nền kinh tế Úc.
Ông Andrew Charlton, người đứng đầu công ty tham vấn AlphaBeta, nói rằng sự trì trệ ở Trung Quốc là tin xấu cho Australia.
“Trung Quốc chiếm gần 50% toàn bộ nhu cầu về thương phẩm trao đổi trên toàn cầu và điều đó có nghĩa là nếu ta là một nước xuất khẩu thương phẩm, thì ta sẽ ở thế tiến vào suy thoái. Canada đang suy thoái. Brazil là một trong những nước suy thoái tệ hại nhất trong lịch sự cận đại và ta sẽ phải nghĩ rằng Australia cũng nằm trong tầm ngắm tương tự”.
Australia có tham vọng chiếm chỗ của Qatar trong vị thế là nước lớn nhất thế giới về sản xuất khí đốt thiên nhiên hóa lỏng, còn gọi tắt là LNG, và đã đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu. Các thị trường ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã được nhắm làm mục tiêu xuất khẩu, nhưng giá LNG đã suy sụp.
Giám đốc cơ quan nghiên cứu Tài chính Năng lượng Australasia, ông Tim Buckley nêu nhận xét:
“Giá LNG xuất qua châu Á sụt 60%. Do đó, tại bang Queensland, Australia vừa đầu tư từ 60 đến 70 triệu đôla Úc để xây dựng các cơ sở xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, và gần như trong lúc chúng ta bắt đầu hoạt động, thì giá sản phẩm đó lại sụt tới 60%”.
Một trong các khu vực chính khác của Australia là du lịch cũng lo ngại về tình trạng bất định kinh tế ở Trung Quốc.
Năm ngoái, 1 triệu du khách Trung Quốc đã đến Australia, tăng 22% so với năm 2014.
Nhưng bà Anna Cook, người điều hành các tour du lịch ở Melbourne, tỏ ra lo lắng về tương lai:
“Tôi rất lo lắng. Tôi nghĩ giờ này sang năm sẽ rõ, nhưng chưa có dấu hiệu gì hết. Và ta không thể nào biết được liệu các con số thống kê mà ta đọc được có đúng sự thực hay chỉ là do hoảng sợ mà ra thế hay không”.
Bất kể tình trạng trì trệ, ông Tim Harcourt, một kinh tế gia tại trường Kinh doanh của Đại học New South Wales tin rằng Trung Quóc vẫn tiếp tục củng cố sự thịnh vượng của Australia trong tương lai.
Theo ông Harcourt, một sự bùng phát về tài nguyên kéo dài nhiều thập niên có thể đang mờ nhạt, nhưng các khu vực khác của nền kinh tế Úc đang thu lợi nhờ vào nhu cầu của Trung Quốc.
“Australia dường như đang chuyển từ một sự bột phát về hầm mỏ qua sự bột phát về ăn uống, bởi vì chúng ta đã thấy một sự bùng phát trong xuất khẩu nông phẩm, và về một số mặt, chúng ta đã giúp xây dựng 'đại thương xá Trung Quốc'. Rất nhiều dịch vụ của chúng ta và các nhà xuất khẩu xây dựng đã giúp xây dựng các thành phố hạng 2 và hạng 3 ở miền tây Trung Quốc. Tôi nghĩ việc này nằm trong khuôn khổ đợt sóng giao tiếp sắp tới với Trung Quốc từ Australia”.
Ông Harcourt tin rằng Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa ký xong có phần chắc sẽ giúp cho ngành xuất khẩu Úc, nhưng không gây thiệt hại cho giao thương với Trung Quốc.
Australia là một trong số hàng chục nước đang tham gia TPP, trong khi Trung Quốc thì không.
“Tôi nghĩ về mặt sách lược Nhật Bản và Hoa Kỳ muốn chứng tỏ họ là những nước lãnh đạo rất quan trọng trong khu vực, và tôi cho rằng đó là một phần của lịch sử TPP, nhưng điểm chính tôi nghĩ điều mà TPP có lẽ sẽ làm là bãi bỏ một số thuế quan và bảo hộ đối với nông sản như ta đã thấy ở Nhật Bản và đông nam châu Á từ lâu, và điều đó có thể có lợi cho Australia, nhưng có phần chắc sẽ không làm chệch hướng mậu dịch ra khỏi Trung Quốc”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Năm ngoái, quan hệ thương mại giữa hai nước đã được tăng cường khi một hiệp định thương mại tự do được ký kết.