Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Quốc: Sản lượng thuốc phiện ở Đông Nam Á bình ổn


Các tình nguyện viên tiêu hủy một cánh đồng trồng thuốc phiện gần làng Loi Chyaram ở Miến Điện.
Các tình nguyện viên tiêu hủy một cánh đồng trồng thuốc phiện gần làng Loi Chyaram ở Miến Điện.

Phúc trình mới nhất của Liên Hiệp Quốc về việc sản xuất thuốc phiện ở Đông Nam Á cho biết rằng việc trồng loại cây gây nghiện này vẫn chủ yếu tập trung tại một số vùng tại Miến Điện, và Lào, đồng thời có sự thay đổi đôi chút về sản lượng trong năm ngoái. Thông tín viên Ron Corben tường thuật từ Bangkok.

Phúc trình thường niên về việc sản xuất và buôn bán thuốc phiện tại Đông Nam Á do Văn phòng phụ trách về vấn đề ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) công bố hôm nay cho thấy hơn 760 tấn thuốc phiện đã được sản xuất từ hơn 63 nghìn hectare trồng loại cây này, chủ yếu tại Miến Điện và Lào trong năm qua.

UNODC nói rằng dù sản lượng thuốc phiện tại khu vực này thay đổi đôi chút trong năm qua, nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là từ những người sử dụng thuốc phiện tại Trung Quốc.

Hàng chục nghìn nông dân thuộc các bộ lạc sống trên núi vẫn phụ thuộc vào nguồn thu nhập có được từ việc trồng cây thuốc phiện. Những người này sống tại các khu vực hẻo lánh, và không có lựa chọn công việc nào khác.

Khu vực vùng biên của Miến Điện, Lào và Thái Lan, khét tiếng với tên gọi “Tam Giác Vàng”, là vùng sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai trên thế giới sau Afghanistan.

Ông Jeremy Douglas, đại diện phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC, nói rằng dù sản lượng thuốc phiện đã bình ổn, xu hướng lâu dài trong những năm gần đây cho thấy sự gia tăng đều đặn trong việc sản xuất thuốc phiện.

“Đây là năm thứ 8 liên tiếp chúng tôi báo cáo về sự gia tăng việc trồng cây thuốc phiện tại vùng Tam Giác Vàng. Việc sản xuất này tập trung tại bang Shan và tăng gấp ba lần so với việc sản xuất trong tám năm ở trong khu vực. Tại Lào, việc trồng thuốc phiện tập trung vào các vùng Phongsali, Houaphan, và Xiangkhoang”.

Hầu hết việc sản xuất thuốc phiện ở Myanmar tập trung tại bang Shan nằm ở miền bắc, giáp biên giới với Trung Quốc, và các nhóm sắc tộc thiểu số tại đây dựa vào nguồn thu từ thuốc phiện để tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài nhiều năm qua. Giới hữu trách nói rằng các loại hóa chất quan trọng, được gọi là tiền chất, dùng để tinh chế thuốc phiện thành heroin, đã được nhập lậu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Theo UNODC cho biết, hiện nay có hơn 3,3 triệu người sử dụng thuốc phiện trên khắp châu Á, chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, nơi người sử dụng được giới hữu trách ghi nhận là 1,9 triệu người, và tiếp theo sau là Việt Nam, Myanmar, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Phúc trình cho biết rằng nhu cầu gia tăng một phần là do sự hồi sinh việc sản xuất thuốc phiện ở Đông Nam Á trong những năm gần đây. Nhưng việc tăng mạnh việc sử dụng chất kích thích amphetamine đã khiến con số người sử dụng heroin suy giảm trong số những người sử dụng ma túy được chính quyền ghi nhận.

Tại Đông Nam Á, có hai phần ba số thuốc phiện có xuất xứ từ Miến Điện và Lào, và số còn lại xuất phát từ Afghanistan, quốc gia sản xuất heroin lớn nhất thế giới.

Ông Doughlas của tổ chức UNODC nói rằng dù việc sản xuất thuốc phiện đã bình ổn, việc buôn bán thuốc phiện khắp khu vực đã lên tới 20 tỷ đôla, và đây là một mối đe dọa an ninh khu vực, nhất là khi 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng cường hội nhập kinh tế.

"Chúng ta phải đánh giá vấn đề này theo thực tiễn, nó giống như việc một quốc gia không chính thức thuộc ASEAN sở hữu khối lượng tiền nhiều như các quốc gia khác, nhưng số tiền đó lại chỉ nằm trong tay các nhóm nhỏ, và họ có một quyền lực lớn và dường như có thể hoạt động mà không bị cản trở trong suốt nhiều năm qua”.

UNODC nói rằng các bước đi nhằm hội nhập khu vực nhiều hơn nữa, việc đường xá được nâng cấp và cơ sở hạ tầng dễ tiếp cận sẽ làm lợi cho các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia trong khi việc kiểm soát biên giới yếu kém tại một số khu vực. Tổ chức này đang kêu gọi tiến hành các chương trình phát triển thay thế dài hạn cho những người trồng cây thuốc phiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG