Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khởi động chiến dịch giúp cắt giảm ít nhất một nửa trong số hàng triệu ca tử vong và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2030.
Động thái này diễn ra tiếp sau việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua chương trình gọi là Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ vào tháng 8 năm 2020.
Hơn 50 triệu người đã chết vì tai nạn giao thông đường bộ kể từ khi ôtô được phát minh bởi doanh nhân người Đức Karl Benz vào năm 1886. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo rằng tai nạn đường bộ giết chết hơn 3.500 người mỗi ngày, thêm vào số gần 1,3 triệu người chết và khoảng 50 người triệu người bị thương mỗi năm.
WHO coi chấn thương giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu đối với trẻ em và thanh niên từ 5 đến 29 tuổi.
Một quan chức của WHO là Etienne Krug cho biết hầu hết các trường hợp tử vong và thương tích này đều có thể ngăn ngừa được.
Ông cho biết một trọng tâm trong Kế hoạch Toàn cầu của Liên Hợp Quốc nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và cứu sống con người là khuyến khích mọi người không sử dụng ôtô và chuyển sang các hình thức giao thông an toàn hơn, lành mạnh hơn.
Một báo cáo năm ngoái của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho thấy ước tính có khoảng 14 triệu xe cũ chất lượng kém, gây ô nhiễm nặng, đã được xuất khẩu từ châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ từ năm 2015 đến năm 2018.
Chương trình này nói rằng 4 trong số 5 xe được bán sang các nước nghèo hơn và hơn một nửa là sang châu Phi.