Vào Ngày Di dân Quốc tế, Liên hiệp quốc kêu gọi hợp tác trong việc quản lý di dân để đảm bảo là những quyền lợi của di dân được phân phối sâu rộng nhất, và nhân quyền của những người liên hệ được bảo vệ như được ghi nhận trong Nghị trình Phát triển Bền vững 2030.
“Những bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy di dân tạo ra những lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa cho các xã hội ở khắp mọi nơi,” Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói trong một thông điệp kỷ niệm Ngày Quốc tế Di dân 18/12 hàng năm.
Ông nói tiếp “Tuy nhiên thù ghét đối với di dân tiếc thay đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Đoàn kết với di dân chưa bao giờ cấp thiết như bây giờ.”
Về phần mình, ông Tổng giám đốc Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) William Lacy Swing kêu gọi khẩn cấp bảo vệ an toàn cho di dân trong một thế giới đang tiến triển, vốn cũng là chủ đề của Ngày Di dân Quốc tế 2017.
Ông Swing gọi di dân là một thực tế của con người cần phải được quản lý, chớ không phải là một vấn đề cần giải quyết khi ông nhấn mạnh đến những lợi ích của Ảnh hưởng Toàn cầu Đối với Di dân, văn kiện dự kiến sẽ được chấp thuận vào cuối năm 2018 một khi việc thương thuyết giữa các thành viên Liên hiệp quốc kết thúc.
Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải trợ giúp di dân và nói rằng “Nếu chúng ta không tìm ra một giải pháp, những kẻ chuyển lậu người sẽ làm việc này cho chúng ta, với những mất mát lớn lao về sinh mạng và tài sản của xã hội.”
Gọi di dân là “một hiện tượng toàn cầu được thúc đẩy bởi nhiều lực lượng,” bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO nói: “UNESCO đang hành động để tăng tiến những cam kết liên hệ đến di dân trong Nghị trình Phát triển Bền vững 2030.” Bà nói thêm cơ quan này kết hợp với các đối tác Liên hiệp quốc để hình thành một ảnh hưởng toàn cầu về an toàn, trật tự cho di dân.
Các chuyên gia nhân quyền Liên hiệp quốc nói: “Các nước có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá những nhận xét tích cực về di dân trong công chúng bằng cách sử dụng và quảng bá các nhận định tích cực và đưa ra những dữ kiện và các cuộc nghiên cứu trong đó có sự đóng góp của di dân đối với xã hội.”
(Nguồn UN News Centre)