Các giới chức Liên Hiệp Quốc và những người có thái độ nghi ngờ ở Afghanistan đã bày tỏ thái độ dè dặt trước tuyên bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo cho rằng nhóm hiếu chiến này chủ mưu vụ nổ bom tự sát ở miền đông Afghanistan hôm thứ bảy, gây tử vong cho 35 người và làm bị thương hơn 100 người khác. Từ trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA tại Islamabad, thông tín viên Ayaz Gul tường thuật từ trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA tại Islamabad.
Tuy nhóm Nhà nước Hồi giáo chưa chính thức thừa nhận sự hiện diện của họ ở Afghanistan, chính quyền địa phương và giới truyền thông trong vài tuần qua đã nói tới sự xuất hiện của các chiến binh thân Nhà nước Hồi giáo vẫy cờ màu đen của nhóm này.
Các phiến quân này đã nhận trách nhiệm đối với những vụ bắt cóc người Afghanistan, trong đó có các nhân viên an ninh, và những hình ảnh video được công bố cho thấy một số con tin bị giết hại.
Nhưng vụ đánh bom tự sát hôm thứ bảy ở Jalalabad là vụ bạo động gây nhiều chết chóc nhất mà các đồng minh của nhóm này ở Afghanistan lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện.
Trong bài diễn văn truyền hình toàn quốc vài giờ sau vụ tấn công, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lập lại tuyên bố của những kẻ tấn công, làm gia tăng mối lo ngại là nhóm này đang nới rộng tầm hoạt động ở Afghanistan. Trước đây nhà lãnh đạo Afghanistan cũng đã vài lần lên tiếng cảnh báo là nhóm Nhà nước Hồi giáo có thể tìm cách thiết lập căn cứ ở nước ông.
Tuy nhiên, trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại Kabul hôm chủ nhật, người đứng đầu phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan, ông Nicolas Haysom, nói rằng chớ nên vội vã kết luận về sự dính líu của Nhà nước Hồi giáo, được gọi theo tiếng Ả Rập là Daesh.
"Thật tình mà nói, có nhiều quan điểm trái ngược nhau về vấn đề nhóm này đã có chỗ đứng vững vàng tới mức nào và có tầm ảnh hưởng như thế nào, và phải chăng có một hiện tượng Deash thực sự hay chỉ là một số phần tử nào đó trong phe nổi dậy tìm kiếm một ngọn cờ để bám vào mà thôi. Do đó, tất cả những việc này cần được điều tra thêm."
Phiến quân Taliban tuyên bố không dính líu tới vụ tấn công hôm thứ bảy, nhưng một số chiến binh thoát ly khỏi nhóm nổi dậy này đã bày tỏ sự trung thành đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Một số người chỉ trích tố cáo Tổng thống Ghani khuyếch đại mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo để đánh lạc hướng sự chú ý đối với vấn đề quản trị đất nước và những vấn nạn như tham ô tràn lan trong chính quyền.
Cựu giám đốc tình báo Afghanistan, ông Amruallah Saleh, đã có phản ứng đối với tuyên bố hôm thứ bảy của Tổng thống Ghani. Trong một tin nhắn Twitter, ông Saleh nói rằng “Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan là chiến tranh tâm lý, là huyền thoại hơn là sự thật.”
Ông Haroun Mir, một nhà phân tích chính trị ở Kabul, nói rằng chính quyền chưa trưng ra chứng cứ để hậu thuẫn cho tuyên bố của mình.
"Thật tình mà nói, chúng ta chưa có chứng cứ cụ thể nào về sự hiện diện thật sự của nhóm Daesh ở quốc gia này. Tôi không tin là Daesh có khả năng để sai khiến những người ủng hộ họ ở Afghanistan từ những nơi xa xôi, như Iraq hay Syria. Do đó, việc tuyên bố đây là Daesh là một việc dễ làm, nhưng chúng ta cần phải cẩn thận để không tuyên truyền không công cho một phong trào chưa xuất hiện trong khu vực này.
Chính phủ của Tổng thống Ghani hồi gần đây đã bị các tổ chức nhân quyền và công chúng chỉ trích là không có một chiến lược hữu hiệu để ngăn chận làn sóng bạo động của phe hiếu chiến ở Afghanistan. Tuy nhiên, trong bài diễn văn hôm thứ bảy, ông Ghani nói rằng tình hình đã được cải thiện trong 6 tháng qua, từ khi ông lên nắm quyền.
Theo dự liệu, năm nay bạo động sẽ gia tăng cường độ vì các lực lượng an ninh Afghanistan sẽ chiến đấu chống lại phiến quân Taliban lần đầu tiên trong vòng một thập niên mà không có sự hỗ trợ trực tiếp của các lực lượng quốc tế. Các số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy số thương vong của thường dân trong những vụ giao tranh trên bộ giữa các lực lượng an ninh với quân nổi dậy đã tăng 8% trong 3 tháng đầu năm nay.