Một cuộc nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy một sự chênh lệch mỗi ngày một lớn giữa trẻ em nghèo và trẻ em giàu tại các quốc gia giàu có nhất thế giới. Thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA tại Geneve gửi về bài tường thuật.
Mức chênh lệch giàu nghèo tại các quốc gia giàu có nhất thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng ba thập niên.
Cuộc nghiên cứu của UNICEF sử dụng 4 tiêu chí – thu nhập, giáo dục, sức khoẻ và sự hài lòng đối với cuộc sống – để đo lường sự bất bình đẳng mỗi ngày một tăng giữa trẻ em thuộc tầng lớp nghèo nhất với trẻ em thuộc giới trung lưu tại các nước có mức thu nhập cao.
Bà Yekaterina Chzhen, chuyên gia chính sách kinh tế xã hội của UNICEF, cho biết bảng xếp hạng 41 nước được dựa trên mức thua kém của trẻ em nghèo với trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu.
Bà Chzhen nói: "Những nước như Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Áo và Thuỵ Sĩ nói chung có thành tích tốt. Trong khi đó, những nước như Anh và Mỹ nằm ngay ở khoảng giữa. Và nằm ở đáy của bảng xếp hạng tổng quát, chúng ta có những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Bulgaria và Italia".
Bản phúc trình cho thấy từ năm 2008 đến năm 2013, bất bình đẳng về thu nhập đã gia tăng rất đáng kể tại một phần ba các nước được khảo sát. Văn kiện này cho biết cách biệt về học vấn đã được thu hẹp. Nhưng đồng thời, bất bình đẳng về sức khoẻ trẻ em đã gia tăng tại hầu hết các nước. Bản phúc trình ghi nhận một số cải thiện về sinh hoạt thể dục và ăn uống lành mạnh hơn trong giới trẻ em nghèo tại đa số các nước.
Bà Chzhen cho đài VOA biết rằng một số các nước giàu nhất đang để cho những trẻ em nghèo tiếp tục tụt hậu, nhưng phúc trình này trình bày một bức tranh không đồng nhất, trong đó có một số nước có thành tích tổng quát xấu nhưng lại có tiến bộ lớn trong những tiêu chí khác.
Bà Chzhen nhận định: "Một nước như nước Mỹ, là nước khét tiếng về mức độ cao của bất bình đẳng thu nhập nói chung, có thành tích khá tệ về sự bất bình đẳng ở trẻ em. Đó là một việc không có đáng ngạc nhiên. Nhưng đồng thời họ được xếp hạng khá cao về tiêu chí bất bình đẳng giáo dục".
Bà Chzhen cho biết trẻ em nghèo có nhiều cơ hội thăng tiến hơn tại các nước có hệ thống phúc lợi xã hội vững mạnh và có sự tái phân phối thu nhập giữa những người giàu nhất với những người nghèo nhất. Các quốc gia Bắc Âu thường là thuộc nhóm này.