VOA: Một diễn giả nói rằng cuộc hội thảo này là ‘cách tốt nhất để gắn kết lịch sử và các vấn đề đương đại’. Bản thân ông nghĩ sao?
Tiến sĩ Stephen Maxner: Những người làm việc ở Trung tâm Việt Nam tin rằng chúng tôi không chỉ có nhiệm vụ bảo tồn lịch sử liên quan tới cuộc Chiến tranh Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, mà chúng tôi cần phải phổ biến những tài liệu đó để các sinh viên, các nhà lập pháp và những người lập chính sách có thể nhìn lại và học hỏi nhằm áp dụng những gì đúng đắn, hợp lý vào việc giải quyết những vấn đề xảy ra hiện nay.
George Santayana, một sử gia nổi tiếng, thường được trích dẫn nói rằng: ‘Những ai không hiểu lịch sử, tất yếu sẽ lặp lại lịch sử’. Chính bởi thế, ngoài việc gìn giữ lịch sử, chúng tôi muốn thúc đẩy các cuộc thảo luận về các sự kiện từng xảy ra để xem chúng ta có thể rút ra những bài học gì cho hiện tại, nhằm giải quyết mọi việc tốt hơn.
VOA: Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc hội thảo này là bàn về Hoạt động Hỗn hợp Dân sự - Quân sự (Civil – Military Operation – CMO) trong Chiến tranh Việt Nam, và ý nghĩa của nó đối với cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. CMO đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Stephen Maxner: Đúng như tên gọi, CMO là hoạt động chung với sự tham gia của các tổ chức quân sự lẫn dân sự. Đây là lĩnh vực hoạt động mà hai thành phần này bù trừ lẫn nhau. Ví dụ như tại Việt Nam trước đây, lực lượng quân sự Hoa Kỳ còn tham gia một loạt các hoạt động như tới các ngôi làng chăm sóc y tế, nha khoa, hay hỗ trợ về mặt kỹ thuật như xây cầu, đào giếng và xây đập.
Chiến tranh đồng nghĩa với chuyện quân đội hai bên đụng độ, giết chóc lẫn nhau. Nhưng điều chúng tôi tập trung trao đổi tại cuộc hội thảo này là đánh giá toàn diện về các cuộc chiến. Xung đột không chỉ có giết chóc, mà còn cần phải phát triển mối quan hệ giữa các tổ chức quân sự, dân sự cũng như các chính phủ dân sự, nhằm bảo đảm rằng họ không thực hiện những điều phản tác dụng đối với nhiệm vụ của mỗi bên.
Đã có nhiều hoạt động như vậy ở Việt Nam thời chiến tranh, và ở Afghanistan hiện nay cũng vậy. Một ví dụ điển hình của Hoạt động Hỗn hợp quân sự và dân sự là các đơn vị của Hoa Kỳ ở Afghanistan tới các ngôi làng để hỗ trợ tài chính cũng như tái thiết, trong đó có việc xây dựng trường học. Taliban ở Afghanistan từng phá hủy hơn 600 trường học tại các ngôi làng khắp nước này vì họ muốn cản trở việc học hành của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng.
VOA: Có ý kiến cho rằng khó khăn lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt hiện nay ở Afghanistan là chiến đấu chống lại các phần tử nổi dậy nghèo khó, và việc họ trú ngụ trong dân chúng khiến khó có thể truy quét được các phần tử này. Ông đánh giá như thế nào về nhận định đó?
Tiến sĩ Stephen Maxner: Tôi cũng nghĩ đó là một trong những khó khăn lớn nhất mà quân đội Hoa Kỳ phải đối mặt ở Afghanistan. Xét về một khía cạnh nào đó, thách thức này cũng tương tự như những gì Hoa Kỳ từng phải đối mặt ở Việt Nam. Có một sự cảm thông nhất định của dân chúng đối với các phần tử nổi dậy, những người chống lại chính phủ Afghanistan hay quân lực Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh.
Đó là điều khó khăn nhằm phát triển một chính sách hoặc chiến lược phù hợp. Một trong những khía cạnh quan trọng của ý tưởng hỗn hợp quân sự và dân sự là không phải chỉ chú trọng vào việc chiến đấu và giết chóc, mà thay vào đó, phải giành được thiện cảm của người dân, và tìm ra những điều họ cần, họ muốn, đồng thời giúp họ đạt được những hy vọng và khát vọng đó. Điều này giúp hình thành tư tưởng về quyền sở hữu trong dân chúng.
Xét về một mức độ nào đó, họ nhận thấy rằng mình được quyền kiểm soát số phận của họ, về những gì xảy ra tại các làng mạc, thành thị và tỉnh thành của họ. Điều đó sẽ giúp lực lượng quân sự vấp phải ít thách thức hơn từ một số phần tử nổi dậy bám trụ trong dân chúng.
VOA: Bài học rút ra từ Chiến tranh Việt Nam là gì, và điều đó nên được áp dụng ở Afghanistan và Iraq ra sao, thưa ông?
Tiến sĩ Stephen Maxner: Đó là câu hỏi mấu chốt của toàn bộ cuộc hội thảo này. Theo tôi, điều cần thiết là phải xem xét lại chính sách và hoạt động tại Iraq và nhất là tại Afghanistan thời gian qua. Hoa Kỳ cần phải hỗ trợ những thứ người dân cần. Người Afghanistan phải được kiến tạo một đất nước mà họ mong muốn, và Hoa Kỳ không nên áp đặt quan điểm và lý tưởng lên họ.
Chúng ta cần nhìn lại những bài học trong quá khứ ở Việt Nam và Đông Nam Á về ý tưởng xây dựng nhà nước, chính xác hơn là xây dựng các thể chế, và hỗ trợ người dân ở cấp địa phương. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng các nhóm tái thiết cấp tỉnh ở Afghanistan là ví dụ rõ nhất của việc cung cấp nguồn lực tài chính cho người dân Afghanistan tái xây dựng đất nước của chính họ. Chúng ta không nên tới một ngôi làng và nói rằng các bạn cần một ngôi trường mới, hay cần phải làm cái này, cái kia. Điều chúng ta nên làm là tới đó và nói rằng, ví dụ, chúng tôi có 20 nghìn đôla, và chúng tôi muốn giúp các bạn tái xây dựng những gì các bạn muốn, cho dù đó là một ngôi trường hay đền thờ hay bệnh viện. Chúng ta cần phải tới đó và đặt câu hỏi: chúng tôi có thể giúp gì cho các bạn?
VOA: Vậy Hoa Kỳ đã thực hiện tốt điều đó chưa, thưa ông?
Tiến sĩ Stephen Maxner: Dù Hoa Kỳ tham chiến ở Afghanistan khá sớm vào năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố 11/9, tôi không nghĩ là chúng tôi đã đặt câu hỏi rõ ràng rằng sau khi tiến hành xong bước đầu của chiến dịch bằng việc sử dụng các loại vũ khí thông thường, thì làm sao để tạo dựng ổn định ở Afghanistan bằng cách xây dựng các thể chế.
Tôi nghĩ Hoa Kỳ đã bỏ lỡ một cơ hội tốt hồi năm 2002 – 2003 khi đã khuất phục được al-Qaeda và Taliban tới mức nếu quân lực tiến tới người dân và hỏi họ rằng chúng tôi có thể làm gì để giúp họ tái xây dựng lực lượng nhằm chống đỡ sự trỗi dậy của Taliban. Nếu Hoa Kỳ nghĩ đến điều đó khi tiến vào Afghanistan, thì đã có nhiều thay đổi. Tôi nghĩ Hoa Kỳ đã phạm sai lầm như ở Việt Nam. Thay vì tới hỏi người dân, chúng tôi tới đó và nói điều họ cần phải làm là gì.
Xin cám ơn Tiến sĩ Stephen Maxner. Nếu Quý vị muốn chia sẻ các câu chuyện cùng thông tin hấp dẫn từ nơi mình sinh sống, xin gửi về địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin chân thành cám ơn.
Thưa quý vị, một cuộc hội thảo với chủ đề ‘Lessons Learned and Lessons Lost: Counterinsurgency from Vietnam to Iraq and Afghanistan’ (Những bài học chống quân nổi dậy từ Việt Nam cho tới Iraq và Afghanistan) đã diễn ra tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ hôm 4/3, với sự tham sự của nhiều học giả có tiếng của nước này. Đa phần những người tham gia cuộc thảo luận được Đại học Johns Hopkins và Texas Tech đồng tổ chức cho rằng Washington cần phải rút ra những bài học từ Chiến tranh Việt Nam nhằm có sách lược phù hợp đối với cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với một trong những người chủ trì hội thảo, Tiến sĩ Stephen Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Texas Tech.