Nữ luật sư tranh đấu cho nhân quyền Lê Thị Công Nhân vừa mãn hạn tù. Bản tin của AP đánh đi từ Hà Nội cho hay luật sư Công Nhân được phóng thích từ trại giam số 5 thuộc tỉnh Thanh Hoá hôm thứ bảy, và được công an áp tải về nhà ở Hà Nội.
Trả lời phỏng vấn VOA Việt Ngữ, luật sư Công Nhân cho biết cô rời trại giam lúc 11 giờ 15 phút trưa ngày 6/3/2010. Phát biểu cảm nghĩ sau 3 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”, luật sư Công Nhân nói:
“Tôi nghĩ rằng việc cộng sản tống tôi vào tù là một sai lầm của họ, bởi vì mất thì đôi bên cùng mất, nhưng đựơc thì họ chả đựơc gì mà tôi lại đựơc nhiều. Thứ nhất, trứơc đây tôi sống cuộc đời an lành, bình thường như mọi thanh niên Việt Nam, nhưng rồi sau sự việc này, tôi biết được mặt trái của xã hội, một sự tồi tệ khủng khiếp, một hậu quả mà không thể lường hết đựơc dưới chế độ độc tài này gây ra. Tôi nhấn mạnh từ “chế độ độc tài” mà tôi luôn nói từ đầu và xuyên suốt rằng tôi chống đối đến cùng sự độc tài của cộng sản, chứ không phải tôi muốn tiêu diệt đảng của họ. Đảng của họ sẽ tự thối rữa, mục ruỗng mà mất đi. Sự độc tài của họ là điều tôi không thể chấp nhận. Anh thích đảng của anh, tôi có đảng của tôi. Tại sao lại phải bắt tôi theo các anh? Tại sao lại vô lý như vậy? Trước khi vào tù tôi chỉ biết đựơc một phần, nhưng việc họ tống tôi vào tù làm cho tôi biết nốt phần còn lại, những điều tồi tệ. Sau những gì tôi trải qua, tôi thấy lý tửơng tôi theo đuổi là đúng đắn tuyệt đối. Đó là tự do, dân chủ và nhân quyền cho người Việt Nam. Điều này không bao giờ có thể có được dưới chế độ độc tài, mà lại độc tài cộng sản.”
Trong cuộc trao đổi với Ban Việt Ngữ VOA, bà Trần Thị Lệ, thân mẫu của luật sư Công Nhân, nói rằng đối với bà, đây là một niềm vui, tuy không trọn vẹn:
“Cũng như bao bà mẹ khác, khi con gái được ra khỏi nơi giam cầm về với gia đình là một sự vui mừng tuy rằng nó không trọn vẹn. Tôi muốn nói rằng Công Nhân sẽ còn bị 3 năm quản chế nữa, sẽ bị giám sát tất cả mọi sinh hoạt. Đó là nói về phía Công Nhân. Ngoài ra, đất nứơc chưa được có một nền dân chủ và nhân quyền cũng chưa được tôn trọng như hiện nay. Cho nên ý tôi muốn nói chưa đựơc trọn vẹn là như vậy.”
Ông Vincent Brossels thuộc Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF, một trong những tổ chức quốc tế nhiều lần lên tiếng yêu cầu Hà Nội phóng thích luật sư Công Nhân vô điều kiện, phát biểu với VOA Việt Ngữ rằng:
“Dĩ nhiên việc Công Nhân ra tù là một tin tốt, nhưng cô ta được phóng thích sau khi đã mãn hạn tù, nên chúng tôi không thấy sự tiến bộ khích lệ nào từ phía chính quyền Việt Nam. Việc cô Công Nhân đã bị giam 3 năm là vô lý vì cô ấy chỉ tổ chức các buổi tập huấn về nhân quyền và lên tiếng đòi hỏi nhân quyền và dân chủ cho người dân Việt Nam mà thôi. Tóm lại, cô ấy được trả tự do là điều đáng mừng, nhưng chúng tôi phản đối việc Hà Nội giam cầm cô Công Nhân cùng với người đồng sự là luật sư Nguyễn Văn Đài. Việt Nam phải phóng thích luật sư Đài càng sớm càng tốt.”
Cô Lê Thị Công Nhân, sinh năm 1979, bị Toà án TP Hà Nội tuyên 4 năm tù giam và 3 năm quản chế hôm 11/5/2007. Đến phiên phúc thẩm ngày 27/11/2007, bản án tù của Công Nhân đựơc giảm xuống 1 năm. Cô đựơc nhiều ngừơi biết đến như là một nhà hoạt động dấn thân tranh đấu cổ võ cho dân chủ, tự do tôn giáo, đa nguyên-đa đảng tại Việt Nam.
Cũng như những bản án của các nhà đấu tranh dân chủ khác ở Việt Nam, bản án của luật sư Công Nhân đã gây nên nhiều tranh cãi trong công luận trong và ngoài nước, khiến quốc tế và giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Nguồn: AP, VOA Interview
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1