Đường dẫn truy cập

Lại tiếp tục ‘hân hoan, phấn khởi’


Phải bảo đảm tiền là "rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành 'học đại'"?
Phải bảo đảm tiền là "rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành 'học đại'"?

Ông Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng được hệ thống chính trị Việt Nam lựa chọn, giới thiệu để làm đại biểu của dân chúng tỉnh Cà Mau tại Quốc hội khóa 15 - vừa khuấy động dư luận khi cho rằng: Học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại” (1)!

***

Theo tường thuật của hệ thống truyền thông chính thức thì khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm nay, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (khóa 15), ông Quân đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự chủ đại học.

Theo ông: Tự chủ đại học không có nghĩa là cắt bỏ sự hỗ trợ cho các đại học từ công quỹ. Muốn phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thì phải tăng chi từ công quỹ chứ không thể giảm, có như vậy mới nâng cao chất lượng, thu hút người học. Vì mức học phí còn rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của cơ sở giáo dục nên một mặt, vừa phải bảo đảm quyền lợi của người học để học sinh giỏi, học sinh nghèo nghèo có thể tiếp cận được học bổng, bảo đảm quyền được học đại học Mặt khác, phải bảo đảm học phí là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”…

Ông Quân nhấn mạnh: Phải coi học phí đại học là một nguồn đầu tư và thông lệ quốc tế, học phí bao giờ cũng bằng hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp… Chỉ khi triển khai tốt vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp thì mới có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước…

Phát biểu của ông Quân có một số điểm đúng (phải giúp các đại học sớm tự chủ, gia tăng đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nếu muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển) nhưng những điểm đó không mới! Đáng ngại là một vài điểm mới, đặc biệt là dùng học phí là rào cản kỹ thuật hoàn toàn… không đúng!

***

Bởi ông Quân lập luận học phí đại học là một nguồn đầu tưhọc phí bao giờ cũng bằng hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp là… thông lệ quốc tế nên cần tăng học phí, dùng học phí làm… rào cản kỹ thuật để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước nên có lẽ cần nhìn qua thiên hạ một chút…

Bàn về tương quan giữa học phí với nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của một quốc gia, có lẽ nên chọn Đức vì hai lý do: Một, Đức là quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Hai, Đức đã, đang và sẽ còn tiếp tục tiếp nhận hàng chục ngàn học sinh từ phía Bắc cho tới miền Nam Việt Nam đổ đến học đại học cũng như học nghề. Gia cảnh của đa số du học sinh chọn Đức chỉ bình thường hoặc trên bình thường một chút nên các bạn và gia đình không thể hoặc không dám chọn du học tại: Mỹ, Canada, Úc ,…

Hàng chục ngàn du học sinh và thân nhân của các bạn tại Việt Nam chính là nhân chứng hoặc sẽ giúp bất kỳ ai muốn kiểm chứng điều này: Rằng gần như toàn bộ đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tại Đức không thu học phí ngay cả với du học sinh (học sinh, sinh viên ngoại quốc). Chỉ có đại học của 1/16 bang thu học phí ở mức 1.500 Euro/học kỳ (2). Thậm chí, vì Đức ngữ không phổ biến, những người đã tốt nghiệp đại học ở bên ngoài nước Đức, có thể xin đến Đức học thạc sĩ, tiến sĩ trong các đại học Đức bằng tiếng Anh. Ngoài chuyện miễn học phí, du học sinh có quyền đi làm thêm, miễn phí hoặc chỉ phải trả một khoản phí rất nhỏ khi sử dụng các phương tiện công cộng và bảo hiểm y tế...

Đức được gì khi làm như thế? Phần lớn du học sinh sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học hoặc các chương trình đào tạo sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) của Đức đều tìm việc làm tại Đức, rồi xin định cư ở Đức. Xét cho đến cùng, chi phí nuôi dưỡng, giáo dục một cá nhân từ khi sinh ra cho đến lúc tốt nghiệp trung học hay đại học dẫu là “cơm cha, áo mẹ, công thầy” nhưng vẫn là tài sản xã hội… Đức chỉ “đầu tư” vài năm học phí nhưng thị trường lao động Đức liên tục được bổ sung bởi nhân lực chất lượng cao thuộc đủ mọi lĩnh vực, chưa kể những du học sinh và thân nhân của họ còn biết ơn nước Đức.

***

Ông Quân đề cập đến học phí – thông lệ quốc tế nhưng ông có biết chuyện Đức đã làm trong vài thập niên để vươn lên, trở thành một trong những quốc gia không những dẫn đầu châu Âu mà còn dẫn đầu thế giới? Chẳng lẽ Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội không biết hoặc biết mà không thấy có gì để nghĩ?

Cứ nhìn vào thực trạng giáo dục nói chung, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nói riêng sẽ thấy ông Quân cũng như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ nhìn thấy tiền, chỉ muốn vừa thu tiền, vừa huyên thuyên về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước!

Ý tưởng: Học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại” không chỉ bất trí, bất nhân mà còn bất nghĩa? Trong 499 đại biểu Quốc hôi, ít nhất cũng có một đại biểu Quốc hội, nay đang làm Chủ tịch Quốc hội từng ôn nghèo, kể khổ về một thời… “dữ dội” cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thậm chí phải dùng… “đom đóm để học bài” (3). Ngày xưa, ông Huệ có thể học hành tới nơi, tới chốn chính là nhờ nguồn lực do toàn xã hội đóng góp. Nếu học phí thật sự được dùng làm rào cản kỹ thuật như đề nghị của ông Quân, giờ này, có lẽ ông Huệ vẫn còn đang luẩn quẩn đâu đó huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An...

Có bao nhiêu đại biểu trong Quốc hội khóa này từng trải qua… “tuổi thơ dữ dội” như ông Huệ? Không rõ song chắc chắn là không ít. Có bao nhiêu đại biểu thấy ý tưởng của ông Quân không ổn, tước đi cơ hội học hành, khả năng thăng tiến trong tương lai của nhiều cá nhân, triển vọng đổi đời của nhiều gia đình? Chưa có! Chỉ có ông Huệ long trọng thưa với đồng bào: 499 đại biểu khóa này (trong đó tất nhiên có ông) là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá (4)!

Hai ngày trước khi ông Huệ khẳng định như thế, ông Trọng (Tổng Bí thư đảng CSVN, cũng là Đại biểu Quốc hội) từng tuyên bố với đồng chí, đồng bào rằng: Cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước thành công rực rỡ của Đại hội Đảng 13 và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15 (5)! Ai hân hoan, phấn khởi xin mời!

Chú thích

(1) https://laodong.vn/giao-duc/hoc-phi-phai-la-rao-can-de-tranh-viec-vao-dai-hoc-tro-thanh-hoc-dai-934349.ldo

(2) https://www.trabi.vn/du-hoc-duc.html

(3) https://www.baogiaothong.vn/cau-tro-ngheo-hoc-gioi-vuong-dinh-hue-trong-ky-uc-thay-co-d501365.html

(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-chu-tri-hop-bao-sau-kien-toan-nhan-su-758536.html

(5) https://baodantoc.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-1626751773986.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG