Các nhà lập pháp đối lập Đài Loan chỉ trích việc 3 đại biểu quốc hội thuộc Quốc Dân Đảng đương quyền hôm thứ Hai đến thị sát đảo Itu Aba thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.
Hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa này Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình và hiện do Đài Loan chiếm giữ.
Báo chí Đài Loan cho biết các nhà lập pháp thuộc đảng Dân Tiến đối lập cho rằng chuyến đi của 3 thành viên ủy ban quốc phòng của Viện Lập pháp đã được thực hiện một cách lén lút, khiến cho ý nghĩa của hành động khẳng định chủ quyền bị sút giảm rất nhiều.
Trong cuộc họp báo sau chuyến khảo sát, dân biểu Lâm Úc Phương, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, nói rằng đây không phải là một chuyến đi bí mật mà chỉ là một chuyến đi không phô trương ầm ĩ để tránh gây ra những tranh cãi không cần thiết.
Ông Lâm cũng đề nghị chính phủ ở Đài Bắc xem xét việc nâng cấp và gia tăng số lượng các trang thiết bị quân sự trên hòn đảo màø Việt Nam gọi là đảo Ba Bình. Ông cũng hối thúc chính phủ xây dựng một hải cảng lớn ở đảo này nhằm gia tăng khả năng tiếp cận đối với hòn đảo nằm cách cảng Cao Hùng của Đài Loan 1.600 kilo mét về hướng nam.
Năm 2006 Đài Loan đã xây trên đảo này một phi đạo dài 1.150 mét, bất chấp sự phản đối của các nước cũng đòi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong đó có Việt Nam.
Hạ tuần tháng 3 vừa qua, Đài Loan tố cáo các tàu tuần có vũ trang của Việt Nam hai lần xâm nhập vùng biển do Đài Loan kiểm soát. Tin tức báo chí lúc đó nói rằng cả hai bên đều nổ súng trong vụ đối đầu ngày 22 tháng 3. Tuy nhiên, Nha tuần tiễu hải dương Đài Loan phủ nhận tin này.
Tưởng cũng nên nhắc lại, hiện có 6 nước đòi chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Tất cả các nước này, ngoại trừ Brunei, đều có binh sĩ trú đóng ở quần đảo có hơn 100 đảo nhỏ, đảo san hô và bãi đá ngầm, với tổng diện tích đất chưa tới 5 kilo mét vuông.
Chuyến đi Trường Sa của các nhà lập pháp Đài Loan được thực hiện trong lúc vụ đối đầu khá căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough tiếp tục diễn ra sang tới tuần lễ thứ tư.
Vụ này bùng ra hôm mùng 8 tháng 4 khi tàu hải giám của Trung Quốc ngăn không cho hải quân Philippines bắt giữ các thủy thủ trên 8 chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc mà Manila cho là đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của mình.
Nguồn: AFP, Kyodo, CAN
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1