Còn chừng một tuần nữa mới đến ngày giỗ đầu của ông Trần Đại Quang, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cựu Bộ trưởng Công an của chính phủ Việt Nam (21/9/2018 – 21/9/2019) nhưng người Việt đã bàn tán rôm rả về ông.
Sau khi nhà văn Tạ Duy Anh đưa lên trang facebook có tên Lao Ta một bài viết ngắn “Đi xem mộ Trần Đại Quang”, tuy đã quá cố ông Quang vẫn trở thành một trong những “tấm gương” để thiên hạ soi vào tìm diện mạo thật của cả ông Quang lẫn đảng.
Nhận định: Nhân sinh cái quan luận định, nhất nhật vị tử, tức nhất nhật ưu trách vị dĩ (Muốn luận về một người phải chờ đến khi đã đậy quan tài, chưa chết, chưa thể khen chê), mà cha ông người Việt thường diễn đạt vắn tắt “cái quan luận định” trở thành rất đáng ngẫm nghĩ.
Ông Quang mắc bạo bệnh từ năm 2017, tương quan giữa sức khỏe và trọng trách của ông từng làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi, rằng ông có nên từ chức hay không (?). Cũng vì vậy, tin ông qua đời không làm thiên hạ bất ngờ. Sự bất ngờ nằm ở chỗ chính ông chuẩn bị cho ông phần mộ quá lớn!
Năm ngoái đã từng có rất nhiều thông tin trái ngược về diện tích của nơi chôn cất ông Quang. Năm nay, đó là lý do khiến nhà văn Tạ Duy Anh và bốn người bạn quyết định tìm đến xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình để xem mộ ông Quang to, nhỏ thế nào (1).
Theo ước đoán của Tạ Duy Anh, thửa đất dành cho việc chôn cất ông Quang nằm giữa một cánh đồng có chiều ngang khoảng 600 mét, chiều sâu khoảng 100 mét, diện tích khoảng 55.000 mét vuông (khoảng 5,5 héc ta, chừng 15 mẫu Bắc bộ).
Vào thời điểm ông Quang mất, chính quyền địa phương đã hối hả trải nhựa con đường chạy ngang mộ ông. Lúc đó, những hình ảnh được đưa lên Internet cho thấy, đoạn kênh song song với phần đường băng ngang nơi có mộ ông Quang đã được kè đá và đã có ba cây cầu bắc qua kênh.
Nay, ông Tạ Duy Anh mô tả, mộ thật sự - chỗ chôn ông Quang – có hình tròn, đường kính lên tới… 10 mét, được tôn cao nên những hình ảnh ông Tạ Duy Anh đã chụp cho thấy, người ta phải xây tam cấp. Ông Tạ Duy Anh bảo rằng: Chưa thấy ngôi mộ nào to như vậy!
Ông Đỗ Ngọc Thống, một trong bốn người đồng hành với Tạ Duy Anh “Đi xem mộ Trần Đại Quang”, kể thêm, trong khuôn viên của thửa đất nơi chôn ông Quang có bãi đậu xe, có tổ chức phát nón cho khách che nắng, mưa và có… công an gác cả trong lẫn ngoài! Ông Thống tâm tình, ông cảm thấy thỏa mãn vì “đã xác minh được một sự thật” (2)!
***
“Sự thật” mà nhà văn Tạ Duy Anh, ông Đỗ Ngọc Thống xác minh và thuật lại có làm đảng cảm thấy bẽ bàng?
Có đảng viên nào chưa thề “không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác”?
Thề như thế mà vẫn thiết kế - phê duyệt dự án xây dựng nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp, diện tích lên tới 120 héc ta, chi phí lên tới 1.200 tỉ, nếu dân chúng không sôi lên vì giận thì nghĩa trang này đã được khởi công (3). Thề như thế mà mộ phần không ít đảng viên trung cấp, cao cấp chẳng kém là bao so với ông Quang!
Chẳng rõ sự thật ấy có làm công an nhân dân, lực lượng luôn thề “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” ngượng ngùng!
Mộ phần của ông Quang còn cho thấy một “sự thật” khác: Lòng tham của các viên chức cộng sản không có đáy. Tiền bạc không đủ để làm họ thỏa mãn. Ngoài giàu sang, họ còn tìm đủ cách để giương danh không chỉ với hôm nay mà còn với… muôn đời sau.
Khi còn tại thế, ngoài học hàm Giáo sư Khoa học an ninh, học vị Tiến sĩ Luật, ông Quang còn muốn sánh với Châu Trí (tấm gương về hiếu học) trong Quốc văn Giáo khoa thư nên mới có chuyện ngày còn bé, ông cũng dùng đom đóm thay đèn để học! Phần mộ của ông chỉ là bước tất nhiên, bất kể dấu ấn của ông thời còn là Bộ trưởng Công an chỉ bao gồm vô số sai phạm nghiêm trọng, hơn chục thuộc cấp mang hàm tướng của ông không bị phạt tù thì cũng bị tước sạch các chức vụ từng mang.
Ông Quang không phải trường hợp cá biệt! Ông Quang chỉ là một cá nhân trong một tập thể vừa thi nhau khoe giàu sang qua tư trang, tư gia vừa thi nhau dùng học hàm, học vị khoe tư chất. Cho nên mới có những cá nhân như Đinh La Thăng, tay này vung đao “trảm tướng”, tay kia bòn rút công sản. Như Nguyễn Bá Thanh vừa tuyên bố “hốt liền”, vừa bơm thổi Phan Văn Anh Vũ thành Vũ “Nhôm”, vừa nhắm mắt, xuôi tay, vợ con lập tức dựng “đền thờ”, lăng mộ có cả văn bia chạm khắc “thân thế, sự nghiệp” (4)…
Tại sao đảng viên càng cao cấp lại càng kỳ quặc như thế? Câu trả lời là vì đảng cũng hệt như thế!
***
Hạ tuần tháng 10 năm ngoái, ông Nguyễn Phú Trọng thay mặt BCH TƯ đảng CSVN ban hành “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” (Quy định số 08-QĐ/TW), nhấn mạnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ là những cá nhân phải tiên phong trong việc nêu gương “phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (5).
Không đầy ba tháng, vào trung tuần tháng giêng năm nay, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 04/2019 xác định, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ là những cá nhân có đặc quyền sử dụng công xa. Nếu đang hoặc từng là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng thì không những không bị khống chế về giá trị công xa mà còn được phục vụ bẳng công xa đến hết… đời (6)!
Ngay cả với chuyện đi lại mà còn như thế thì tuyên bố - cam kết “nêu gương” quả là khó tìm tên sao cho vừa đúng bản chất, vừa… lịch sự!
Câu hỏi đặt ra là tại sao đảng như thế? Chỉ có một câu trả lời: đảng vẫn chưa thay đổi được quán tính, vẫn đối xử với đồng bào như một tập thể khiếm khuyết ngũ quan và thiếu tứ chi.
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10217754541192858&id=1160946631
(2) https://www.facebook.com/thongdongoc/posts/10220198761588584
(6) http://plo.vn/thoi-su/quy-dinh-moi-ve-tieu-chuan-dinh-muc-xe-cong-813305.html