Đường dẫn truy cập

Lào không còn là ‘sân sau’ của Việt Nam?


Quốc kỳ của 10 nước thành viên ASEAN và các quốc gia đối tác được đặt xung quanh tượng đài Patuxay ở trung tâm Vientiane, Lào, 5/9/2016.
Quốc kỳ của 10 nước thành viên ASEAN và các quốc gia đối tác được đặt xung quanh tượng đài Patuxay ở trung tâm Vientiane, Lào, 5/9/2016.

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tới Vientiane đang thu hút sự chú ý tới quốc gia nhỏ bé nằm kẹt giữa nhiều nước, giữa lúc có ý kiến cho rằng Lào giờ không còn là “sân sau” của Việt Nam như trước.

Quốc gia giáp ranh với một số quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc trong tuần này sẽ tổ chức hai sự kiện lớn liên quan tới các nước Đông Nam Á và Đông Á, trong bối cảnh được cho là đang chịu nhiều chi phối của Bắc Kinh.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ về việc Lào có phải là “sân sau” của Việt Nam hay không:

“Nói chung, đấy là một cách nói ví von thôi. Việt Nam cũng không coi Lào là sân sau mà là nước láng giềng rất quan trọng ở phía tây của mình. Trong nửa sau của thế kỷ 20, hai nước chung lưng đấu cật, thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng, và tạo nên mối quan hệ đặc biệt. Khi hai nước tiến vào một giai đoạn phát triển mới của kinh tế thế giới và toàn cầu hóa thì hai nước đều có những thách thức riêng. Lào là nước lục địa, không có lối ra. Lào rất khó khăn về kinh tế. Trong hoàn cảnh đấy, các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc nhảy vào. Trung Quốc có 400 cây số đường biên giới với Lào, và tiếp cận Lào như là lối ra của Đông Nam Á. Họ đầu tư vào Lào với quy mô chưa từng có và đặt Lào vào tình thế khó khăn”.

Với việc đầu tư như hiện nay của Trung Quốc, theo ông Trường, Lào có thể “bị lấn át”, “bị biến thành sân sau của Trung Quốc” và “đó là thách thức lớn nhất đối với Lào”.

Theo tiến sĩ Trường, Việt Nam cũng đầu tư vào Lào, nhưng không thể “đối trọng lại với sự xâm nhập về kinh tế của Trung Quốc ở Lào”.

Một số quốc gia nhận nhiều viện trợ của Bắc Kinh như Campuchia, Miến Điện và Lào thời gian qua bị coi là trở ngại khiến khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể đạt được đồng thuận về biển Đông.

Lào ngả về Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:37 0:00

Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường nhận định:

“Không nên nói rằng Lào rơi vào vòng tay của Trung Quốc. Việt Nam rất hiểu hoàn cảnh của Lào khi đã có ảnh hưởng lớn của Trung Quốc, [nhận] viện trợ lớn của Trung Quốc. Việt Nam rất hiểu lập trường của Lào. Vấn đề biển Đông chỉ là một trong toàn bộ bức tranh chung. Điều đó không ảnh hưởng đến quan hệ đa dạng, phong phú, nhiều mặt và rất quan trọng giữa Việt Nam và Lào”.

Ông Trường nói thêm rằng chuyến đi của Tổng thống Obama “là dịp để tạo cho Lào có một chỗ dựa về mặt tinh thần và chính trị”.

Lào hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN và tuần này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối này cũng như khối Đông Á với sự tham dự của nhiều đối tác lớn trên thế giới.

Trong khi đó, tại Việt Nam, cô Hồ Cẩm Giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á ở TP HCM cho VOA Việt Ngữ biết rằng “hiện vẫn có những người quan tâm tới Lào và tiếng Lào, dù không nhiều”.

Cô nói thêm:

“Những người học tiếng Lào họ muốn học, thứ nhất, để đi buôn bán, và thứ hai để đi làm công nhân bên đó và thứ ba là muốn định cư bên đó, có người thân bên đó”.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Vientiane, tháng trước, quan chức Việt Nam và Lào đã thực hiện nhiều chuyến thăm lẫn nhau, và theo Đài tiếng nói Việt Nam, hai nước nhấn mạnh rằng “đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào là tài sản chung vô giá”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG