Một tình huống khẩn trương đã xảy ra trên đường phố ở thủ đô của Hàn Quốc hôm 10/12 sau khi gần 1.000 nhân viên cảnh sát dọa xông vào một ngôi chùa mà một lãnh tụ lao động bị truy nã đang trốn trong đó. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, ông Han Sang-guyn, người đứng đầu Liên đoàn Lao động Hàn Quốc, đã đồng ý nộp mình cho cảnh sát trước thời hạn chót là trưa hôm 10/12.
Cảnh sát đã bao vây chùa Jogye ở trung tâm Seoul hôm thứ 9/12 để chuẩn bị bắt ông Han Sang-guyn, người đứng đầu Liên đoàn Lao động Hàn Quốc (KCTU). Ông Han bị tố cáo xúi giục bạo động trong cuộc biểu tình qui mô lớn của công nhân hôm 14/11 và tổ chức những cuộc biểu tình trái phép trong quá khứ.
Ông Han là một trong các nhân vật lãnh đạo của nhiều cuộc biểu tình trong năm nay để phản đối một dự luật cải cách lao động do Tổng thống Park Guen-hye hậu thuẫn để làm cho giới chủ nhân được dễ dàng hơn trong việc sa thải công nhân.
Hàng vạn người ủng hộ giới lao động đã tham gia cuộc biểu tình hồi tháng 11, trong đó những người biểu tình dùng ống sắt đánh nhau với cảnh sát và cảnh sát dùng vòi rồng và lập rào cản để ngăn chận người biểu tình.
Ông Han Sang-guyn nói rằng ông không hề khích động bạo lực tại cuộc biểu tình đó.
Ông Han cho biết: "Tôi không phải là một kẻ sát nhân, một tội phạm hung dữ, một kẻ ăn cắp hay một người xúi giục bạo loạn. Tôi chỉ là một công nhân bị đuổi việc."
Ông Han đã phát biểu như vậy vào ngày 10/12 bên ngoài Chùa Jogye, nơi ông đến ẩn náu sau cuộc biểu tình.
Những vị sư ở đây hôm 9/12 đã yêu cầu cảnh sát không vào bên trong khuôn viên nhà chùa và dành thêm thời giờ để thương lượng.
Một thông cáo của Chùa này nói rằng "Nếu cảnh sát đột kích vào chùa thì điều đó không khác gì một hành động đàn áp nhắm vào hệ phái Jogye và Phật giáo Hàn quốc."
Ông Han đồng ý nộp mình cho cảnh sát trước thời hạn chót là trưa hôm 10/12 giờ địa phương, nhưng ông hứa tiếp tục lãnh đạo phong trào lao động và tổ chức những cuộc biểu tình trong tương lai.
Ông phát biểu: "Tôi sẽ tiếp tục tranh đấu, bởi vì cứu giúp những người dân bị khinh rẻ là con đường mà Liên đoàn Lao động Hàn quốc theo đuổi."
Nam Triều Tiên không có luật lệ ngăn cấm cảnh sát tiến vào những địa điểm tôn giáo để thực hiện những vụ bắt giữ, nhưng giới hữu trách thường ngần ngại, không muốn làm như vậy. Một vụ đột kích của cảnh sát vào Chùa Jogye năm 2002 để bắt giữ 7 nhân vật tranh đấu cho người lao động đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội của công chúng. Trong thập niên 1980, nhiều nhân vật tranh đấu dân chủ ở Nam Triều Tiên đã vào các nhà thờ Công giáo để lánh nạn.
Liên đoàn Lao động Hàn Quốc do ông Han lãnh đạo là công đoàn lớn thứ nhì ở Nam Triều Tiên với hơn 691.000 đoàn viên làm việc trong ngành xây dựng và giao thông.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò hồi gần đây cho thấy dân chúng mạnh mẽ ủng hộ các chính sách lao động của Tổng thống Park Guen-hye.
Đối với một số người chống đối bà Park Guen-hye, vụ giằng co giữa cảnh sát với ông Han Sang-guyn đã khơi lại những ký ức về sự cai trị độc tài trong những thập niên trước đây, khi Tướng Park Chung-hee, thân phụ của bà, huy động lực lượng cảnh sát để đàn áp phe đối lập, trong đó có những người tranh đấu cho quyền lợi của công nhân.