Diễn biến chính trị ở Thái Lan
Diễn biến chính trị ở Thái Lan2006: Quân đội lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra
2007: Đảng Quyền lực Nhân dân ủng hộ ông Thaksin thắng cử
2008: Người biểu tình chống ông Thaksin, được gọi là phe “Áo Vàng,” biểu tình hàng tháng liền và làm tê liệt sân bay Bangkok một thời gian ngắn. Ông Abhisit Vejjajiva trở thành thủ tướng.
2010: Phe "Áo đỏ" ủng hộ ông Thaksin biểu tình rầm rộ ở Bangkok, hàng chục người thiệt mạng
2011: Bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, được bầu làm thủ tướng
2013: Những người biểu tình chống chính phủ lại tổ chức biểu tình lớn, bà Yingluck cho tiến hành bầu cử mới
2014: Trại biểu tình ở Bangkok và chính phủ bà Yingluck bị dẹp, quân đội tuyên bố thiết quân luật sau đó đảo chính chiếm quyền vào tháng 5.
Bày tỏ mối quan tâm sâu xa, văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói quân luật và các mệnh lệnh của quân đội đang được áp dụng có thể vi phạm đến các quyền tự do cơ bản, theo tin của Reuters.
Nữ phát ngôn viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani nói:
“Chúng tôi nhắc nhở nhà cầm quyền về các nghĩa vụ của Thái Lan, nhất là Công ước Quốc tế về Dân quyền và Quyền chính trị nghiêm khắc hạn chế việc áp dụng các quyền khẩn trương..... Chúng tôi kêu gọi chính quyền tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm nhân quyền cơ bản được tôn trọng.”
Tham mưu trưởng quân đội Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha đã nắm quyền kiểm soát chính phủ trong một cuộc đảo chính chiều thứ năm, 2 ngày sau khi ông thiết quân luật, và nói rằng quân đội phải vãn hồi trật tự và thúc đẩy cải cách để trấn dẹp hỗn loạn và bạo lực đã kéo dài 6 tháng.
Phản ứng của Hoa Kỳ và Pháp
Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha
Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha· 60 tuổi, trở thành Tổng tư lệnh quân đội vào tháng 10, 2010
· Dự định về hưu vào tháng 9, 2014
· Được tiếng trung thành với chế độ quân chủ, đặc biệt là Hoàng hậu Sirikit
· Từng phục vụ đội Vệ binh Hoàng hậu, nhánh quân sự rất có ảnh hưởng trong chính trường Thái Lan
· Có vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính năm 2006 lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra
· Loan báo vụ tiếp quản quân sự mới nhất trên truyền hình
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói:
“Chúng tôi trông đợi quân đội tôn trọng cam kết coi đây là một quyết định tạm thời để ngăn chặn bạo động, và không gây phương hại cho các cơ chế dân chủ.”
Tổng thống Pháp Francois Hollande lên án cuộc đảo chính của quân đội và kêu gọi lập tức trở lại với pháp trị, theo tin của hãng thông tấn AFP.
Ông Hollande kêu gọi “một sự trở lại ngay lập tức với trật tự hiến định và tổ chức một cuộc bầu cử," cũng như sự cần thiết là “các quyền cơ bản và tự do của dân chúng Thái phải được tôn trọng."
Tổ chức Human Rights Watch bày tỏ sự lo ngại về điều tổ chức này gọi là cuộc đảo chính “trên thực tế.” Một thông cáo do tổ chức này công bố nói rằng quân đội phải trả lại quyền cho một chính phủ dân sự ngay tức khắc.
Liên đoàn Ký giả Quốc tế lên án quân đội là làm tê liệt và tìm cách bịt miệng giới truyền thông.
Quân đội Thái nói với tất cả các đài truyền hình và truyền thanh trong nước phải ngưng các chương trình thường lệ hôm thứ Năm, theo tường trình của thông tín viên đài VOA ở Bangkok.
Mặt khác, chỉ tệ Thái Lan hôm nay đã sụt giá sau khi quân đội lên nắm quyền, theo tin của AP.
Các thị trường chứng khoán ở châu Á được thúc đẩy nhờ các dấu hiệu cải thiện trong khu vực chế tạo trong khi các thị trường khác bất định.
Thông cáo của tham mưu trưởng quân đội Thái về cuộc đảo chính được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán địa phương kết thúc phiên giao dịch. Thị trường Chứng khoán Thái cho biết giao dịch sẽ mở lại bình thường vào ngày thứ Sáu.
Ở các nơi khác, các thị trường đứng giá.
Nguồn: VOA, Reuters, AP, AFP