Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo thế giới kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Ukraina


Người biểu tình chống chính phủ ném bom xăng về phía lực lượng cảnh sát trong vụ đụng độ tại thủ đô Kiev, ngày 18/2/2014.
Người biểu tình chống chính phủ ném bom xăng về phía lực lượng cảnh sát trong vụ đụng độ tại thủ đô Kiev, ngày 18/2/2014.
Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi chính phủ và những người phản đối ở Ukraina ngưng đổ máu tại Kiev sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến một số người thiệt mạng ở cả hai bên. Tình trạng đối đầu tăng cao vào chiều tối thứ Ba sau khi cảnh sát phá dỡ một khu trại của người biểu tình ở trung tâm Kiev. Thông tín viên đài VOA Zlatica Hoke có bài tường thuật sau đây.

Các đám cháy bùng lên giữa trung tâm thủ đô Kiev chiều tối thứ Ba sau khi cảnh sát tiến đến phá dỡ lều trại của người biểu tình. Các vụ va chạm gây ra số thương vong cao nhất trong cuộc đối đầu đã kéo dài 3 tháng qua. Nhiều người Ukraina đòi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức vì ông đã chọn con đường thắt chặt quan hệ với Nga hơn thay vì với Liên hiệp Châu Âu.

Trưởng ban chính sách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton, kêu gọi chấm dứt ngay tình trạng đổ máu.

"Tôi kêu gọi Tổng thống Yanukovych, chính phủ và các nhân vật lãnh đạo của phe đối lập tìm kiếm một giải pháp tức thời để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng này và tiếp tục nỗ lực tìm ra phương cách để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thông qua đối thoại. Như tôi đã phát biểu trong các chuyến thăm của tôi, Liên hiệp Châu Âu luôn sẵn sàng giúp đỡ bằng bất cứ cách thức nào mà chúng tôi có thể làm được."

Chính phủ Hoa Kỳ cũng gởi một thông điệp tương tự đến Kiev hôm thứ Ba. Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Frank-Walter Steinmeier nói rằng việc hạ giảm tình trạng căng thẳng tùy thuộc vào các lực lượng an ninh.

"Và tôi nói rõ rằng vào thời điểm này những ai chịu trách nhiệm về những quyết định dẫn đến đổ máu thêm nữa phải biết rằng các biện pháp trừng phạt mà Liên hiệp Châu Âu áp dụng đối với các cá nhân chắc chắn sẽ được xem xét."

Các nhà phân tích nói rằng viện trợ tài chánh của Moscow cho Ukraina là một lý do quan trọng khiến Tổng thống Yanukovych ngã về phía Nga, trong khi Liên hiệp châu Âu chưa có một hỗ trợ nào cho Kiev.

Giáo sư môn quan hệ quốc tế Klaus Larres của Ðại học North Carolina ở Chapel Hill nhận định:

"Cho đến giờ, Liên hiệp Châu Âu nói rất hay, hứa hẹn đủ điều. Nhưng trên thực tế họ chưa đưa ra một đề nghị hỗ trợ tài chánh thiết thực nào, trong khi Nga đã đề nghị giúp Ukraina 2 tỉ đôla, và Moscow đã mua 2 tỉ đôla trái phiếu của Ukraina, và đó mới chính là những gì mà Ukraina đang hết sức cần. Do đó tôi nghĩ rằng đồng tiền cần phải đi trước nếu Liên hiệp Châu Âu muốn kéo Ukraina về phía mình."

Giáo sư Larres nói rằng đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập là cần thiết bởi vì các cuộc biểu tình không thể đưa đến việc Tổng thống Yanukovych từ chức.

"Chúng ta không nên cố tình không chú ý, đôi khi truyền thông Tây phương đã cố tình không chú ý, tới việc Tổng thống Yanukovych là nhà lãnh đạo được bầu lên cách dân chủ. Ông được bầu lên làm tổng thống trong cuộc bầu cử tự do năm 2010. Chúng ta phải thừa nhận rằng ông đã sửa đổi hiến pháp để có lợi cho ông và ngày nay ông đã không chịu quay trở lại với một thể chế có tính chất đại nghị nhiều hơn."

Giáo sư Larres nói rằng bất chấp việc từ chức của Thủ tướng Mykola Azarov có chủ trương thân Nga hồi tháng trước, Nga vẫn tiếp tục nắm giữ một vai trò ở Ukraina, là nước đang thiếu thốn tiền bạc. Ông nói 2 tỉ đôla mà Moscow bỏ ra để mua trái phiếu của Ukraina sẽ có ích rất nhiều cho việc bảo đảm vai trò này của Nga.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG