Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói hôm thứ Ba 27/8 rằng nhiệt độ đại dương đang tăng lên ở các đảo Thái Bình Dương cao gấp 3 lần so với mức trên toàn thế giới và dân số của các đảo này "bị ảnh hưởng đặc biệt" do mực nước biển dâng cao.
Phát biểu với các phóng viên tại Tonga, nơi đang diễn ra hội nghị của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, ông Guterres nêu bật những kết quả trong một báo cáo cho thấy Tây Nam Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mực nước biển dâng cao, ở một số nơi cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu trong 30 trở lại đây.
"Tôi có mặt ở Tonga để gửi ra tín hiệu SOS trên toàn cầu - hãy cứu lấy biển của chúng ta - do mực nước biển dâng cao", ông phát biểu.
"Mực nước dâng cao đang khuếch đại tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt triều cường và lũ lụt ven biển. Những trận lụt này nhấn chìm các cộng đồng ven biển. Phá hủy nghề cá. Làm hỏng mùa màng. Làm ô nhiễm nước ngọt. Tất cả những điều này khiến các đảo quốc Thái Bình Dương rơi vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng", ông nói.
Ông nói thêm rằng nước giãn nở ra khi ấm lên, góp phần làm mực nước biển dâng cao.
Biến đổi khí hậu và an ninh đang là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại cuộc họp thường niên kéo dài một tuần của các nhà lãnh đạo, đến từ 18 thành viên của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, bao gồm các quốc gia có các đảo san hô bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao như nước chủ nhà Tonga và một trong những nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới là Australia.
Khi được một phóng viên hỏi về việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Australia, ông Guterres nói rằng nhiên liệu hóa thạch phải được loại bỏ trên toàn cầu, mặc dù "tình hình ở các quốc gia khác nhau thì cũng khác nhau" và sẽ có những cách thức khác nhau để thực hiện điều này.
Bản báo cáo do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố hôm 27/8 cho thấy nhiệt độ đại dương ở Tây Nam Thái Bình Dương đang tăng lên cao gấp 3 lần mức chung của cả thế giới.
"Các đảo Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng do đặc điểm riêng. Đây là một khu vực có độ cao trung bình chỉ từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển", ông Guterres nói.
Nếu không cắt giảm lượng khí thải toàn cầu, các đảo Thái Bình Dương có thể phải chịu cảnh mực nước biển dâng thêm 15 cm vào năm 2050 và 30 ngày bị ngập lụt ven biển mỗi năm, ông nói.
Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu "thúc đẩy mạnh mẽ các khoản đầu tư thích ứng với khí hậu" ở các quốc gia dễ bị tổn thương.
Diễn đàn