Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo chính quyền quân sự bảo đảm Thái Lan ‘sẽ quay về nền dân chủ’


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, Singapore, ngày 3 tháng 6 năm 2016.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, Singapore, ngày 3 tháng 6 năm 2016.

Người đứng đầu chính quyền do quân đội thống trị của Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, lên tiếng bênh vực việc ông ta chiếm chính quyền hai năm trước để tránh bất ổn hơn nữa "hoặc thậm chí là nội chiến."

Trên cương vị tổng tư lệnh quân đội, ông Prayuth đã lãnh đạo một cuộc đảo chính không đổ máu hồi tháng 5 năm 2014 và kể từ đó đã trở thành thủ tướng. Hôm thứ Sáu ông phát biểu trước cử tọa tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực rằng, "Tôi có thể bảo đảm với quý vị là Thái Lan sẽ quay trở lại nền dân chủ."

Việc quân đội tiếp quản một chính phủ dân sự suy yếu là cần thiết "để đưa đất nước đi theo con đường cải tổ" và ngăn chặn tổn thất thêm nữa cho nền kinh tế của vương quốc "vốn đã bị mất cân bằng."

Chính quyền quân sự nắm quyền vào lúc tiếp tục có những lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol rất được tôn kính. Năm nay 88 tuổi, ông là vị quân chủ trị vì lâu nhất thế giới. Trong những năm gần đây ông đã dành phần lớn thời gian trong một bệnh viện ở Bangkok.

Phản bác những chỉ trích của quốc tế về quyền hành sâu rộng của chính quyền quân sự và việc trấn áp những quyền tự do dân sự, ông Prayuth nói, "Chúng tôi không hề có bất kỳ ý định nào vi phạm nhân quyền... tất cả những biện pháp của chúng tôi đều dựa trên pháp trị."

Dưới sự giám sát của chính quyền quân sự, một hiến pháp mới đã được soạn thảo và sẽ được trưng cầu dân ý vào tháng 8, nhưng tranh luận về bản hiến pháp, vốn bị chỉ trích khắp hệ tư tưởng chính trị trong nước, đang bị ngăn chặn.

Người dân cầu nguyện trước chân dung Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej tại Đại Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18 tháng 2 năm 2016.
Người dân cầu nguyện trước chân dung Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej tại Đại Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18 tháng 2 năm 2016.

Ông Prayuth gần đây tuyên bố rằng bác bỏ hiến pháp này sẽ trì hoãn cuộc bầu cử chọn một chính phủ mới và rằng ông ta có thể sẽ phải lưu nhiệm "bất kể quý vị có ghét tôi bao nhiêu đi chăng nữa."

Thái Lan, đồng minh quân sự đáng tin cậy của Mỹ trong suốt Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam, dưới chính quyền quân sự hiện tại, đã có những mối quan hệ an ninh và thương mại nồng ấm với cả Trung Quốc và Nga, sau khi Washington chỉ trích cuộc đảo chính và thẳng thừng bày tỏ lo ngại của mình về việc đàn áp nhân quyền và không nhanh chóng khôi phục nền dân chủ.

Thái Lan và những nước vừa và nhỏ khác đang "tránh được cái bẫy của việc phải chọn phe," ông Prayuth nói.

Bài phát biểu của ông ta tại bữa tối khai mạc hội nghị, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, là sự kiện mở màn cho sự kiện chính hàng năm ở đây, nơi thỉnh thoảng chứng kiến những trao đổi đôi khi gay gắt giữa những quan chức quân sự cao cấp của Mỹ và Trung Quốc.

Những phái đoàn chính thức, những nhà phân tích an ninh và những học giả từ hơn 50 quốc gia vào ngày thứ Bảy sẽ mổ xẻ những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, hay PLA, về việc Trung Quốc quân sự hóa những đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Tôn, người phụ trách quan hệ đối ngoại của cho PLA, hôm thứ Sáu được cho là đã gặp riêng những quan chức an ninh từ tám quốc gia trước Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á.

Hội nghị diễn ra giữa lúc hầu hết những nước thành viên ASEAN đang ngày càng lo lắng về điều được nhìn nhận là những hành động ngày càng hung hăng và việc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á Đối thoại Shangri-La, ngày 3 tháng 6 năm 2016.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á Đối thoại Shangri-La, ngày 3 tháng 6 năm 2016.

Những hành động này được xem là chất xúc tác chính cho Việt Nam và Mỹ, hai nước cựu thù, tiến tới quan hệ an ninh chặt chẽ hơn. Điều này được nêu bật trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng rồi tới Việt Nam, nước cũng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc.

Bắc Kinh cáo buộc Mỹ quân sự hóa biển Đông bằng việc thực hiện những cuộc tuần tra "tự do hàng hải" bằng tàu thuyền và máy bay.

Hội nghị này ở Singapore diễn ra trước khi có một phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện chủ quyền của Philippines nhắm vào Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tuyên bố là họ sẽ không tuân hành phán quyết của tòa án ở La Haye và coi quá trình này là bất hợp pháp.

Một nhà lập pháp có ảnh hưởng của Mỹ, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết ở Singapore hôm thứ Sáu rằng có thể có những hậu quả nếu Bắc Kinh làm đúng như họ đe dọa là bác bỏ phán quyết của tòa án Liên Hiệp Quốc.

Thượng nghị sĩ McCain kêu gọi các nước trong khu vực ủng hộ những phát biểu của Washington rằng phán quyết của tòa án nên có tính ràng buộc.

"Mỹ và thế giới đang trông cậy vào những quốc gia Đông Nam Á một lần nữa vận dụng sức mạnh và sự quyết tâm của mình cho việc duy trì một hệ thống mà nền an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc vào," ông McCain nói trong một bài phát biểu tại Đại học Công nghệ Nanyang.

Ông Carl Thayer, giáo sư chính trị danh dự tại Đại học New South Wales, nói rằng những luật sư quốc tế không cho rằng tòa án sẽ thực sự đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của "đường chín đoạn" của Trung Quốc bao phủ một phần lớn Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền,

Trả lời câu hỏi của VOA về những lo ngại rằng Trung Quốc đã sẵn sàng tuyên bố "một vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) ở Biển Đông, ông Thayer, tại Đối thoại Shangri-La, nói, "Trung Quốc không có khả năng làm việc đó ... họ chỉ chỉ đang chơi trò đấu trí mà thôi."

ADIZ là một khu vực, được tuyên bố công khai, vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia nơi mà những máy bay không khai báo danh tính có thể bị truy vấn qua điện đài và có thể bị chặn lại để xác định danh tính trước khi bay vào không phận có chủ quyền.

Vào năm 2013, Trung Quốc áp đặt một ADIZ ở Biển Hoa Đông bên trên một quần đảo do Nhật Bản kiểm soát, được gọi là Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư trong tiếng Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG