Làn sóng người Syria chạy sang Jordan lánh nạn đã giảm mạnh trong vài ngày qua, làm tăng mối lo ngại về một vụ khủng hoảng nhân đạo khác nữa trong cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm nay. Từ trại tị nạn Zaatari gần biên giới Syria, thông tín viên Elizabeth Arrott của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Cuộc chiến Syria đã biến phần đất hẻo lánh, đầy cát bụi của Jordan ở ngay phía nam biên giới Syria thành thành phố lớn thứ 5 của vương quốc Jordan. Trong vài tháng qua, trung bình có 2.500 người Syria chạy tới đây lánh nạn mỗi ngày.
Nhưng theo hồ sơ ghi danh tại trại tị nạn, không có người nào tới đây kể từ hôm chủ nhật. Các giới chức cứu trợ cho biết trong vài ngày qua chỉ có một số rất ít người Syria vượt biên sang Jordan.
Ông Osama là một trong những người tị nạn chót đã tới đây hôm thứ bảy tuần trước cùng với những người trong gia đình. Ông cho biết tình hình ở ngôi làng của ông gần vùng biên giới đã xuống cấp rất nhanh chóng trong lúc các binh sĩ trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện một cuộc phản công nhắm vào phe nổi dậy trong khu vực.
Ông Osama cho biết những tay bắn sẻ đã nổ súng bắn vào những người dân tìm cách rời khỏi khu vực. Nhưng ông và người thân trong gia đình rốt cuộc cũng đã vượt biên được mà không bị hề hấn gì.
Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, sự việc đã thay đổi: chẳng những chính phủ Syria tìm cách ngăn chặn làn sóng người vượt biên mà lính biên phòng Jordan cũng làm như vậy. Giới hữu trách Jordan bác bỏ tố cáo đó và nói rằng họ không hề ngăn không cho người tị nạn vào nước họ. Có vài cửa khẩu chính thức dọc theo biên giới cùng với mấy mươi cửa khẩu không chính thức.
Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc vương Abdullah của Jordan, Tướng hồi hưu Fayez al-Dwairi, cho biết bất kể là như thế nào thì Jordan cũng sẽ để cho biên giới được rộng mở.
Tướng Dwairi nói rằng những lý do của việc mở cửa biên giới gồm có những mối liên hệ lịch sử giữa nhân dân của hai nước và những yêu cầu về tôn giáo và đạo đức đòi Jordan phải giúp đỡ những người chạy trốn bạo động và chết chóc.
Trong thời gian qua, Jordan đã thể hiện thái độ hiếu khách truyền thống và đã tiếp nhận khoảng nửa triệu người tị nạn Syria: trong đó có 130.000 người ở vùng Zaatari và phần còn lại sống chung với các cộng đồng người Jordan trên khắp nước. Làn sóng người tị nạn đang tạo ra những sự căng thẳng lớn cho những nguồn lực hạn hẹp của vương quốc này.
Một giới chức an ninh cho rằng gánh nặng này có thể là nguyên do làm cho số người tị nạn sút giảm, một diễn tiến trùng hợp với những cuộc họp bàn về việc gia tăng viện trợ để ứng phó với vấn đề người tị nạn. Mới đây Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ đã loan báo những khoản viện trợ bổ sung.
Sự giảm mạnh của số người tị nạn cũng trùng hợp với điều mà các chiến binh của phe nổi dậy nói là sự sút giảm của lượng cung ứng khí giới và những tiếp liệu khác mà họ nhận được từ các nước đồng minh vùng Vịnh thông qua Jordan. Điều này tạo thêm nghi vấn về những thỏa hiệp có thể đã đạt được ở hậu trường chính trị của các nước.
Nguyên do của sự sụt giảm mạnh số người tị nạn hiện chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là hàng vạn người Syria muốn vượt biên đã không thể tới được nơi an toàn - làm tăng thêm sự khốn đốn của người dân nước này.
Cuộc chiến Syria đã biến phần đất hẻo lánh, đầy cát bụi của Jordan ở ngay phía nam biên giới Syria thành thành phố lớn thứ 5 của vương quốc Jordan. Trong vài tháng qua, trung bình có 2.500 người Syria chạy tới đây lánh nạn mỗi ngày.
Nhưng theo hồ sơ ghi danh tại trại tị nạn, không có người nào tới đây kể từ hôm chủ nhật. Các giới chức cứu trợ cho biết trong vài ngày qua chỉ có một số rất ít người Syria vượt biên sang Jordan.
Ông Osama là một trong những người tị nạn chót đã tới đây hôm thứ bảy tuần trước cùng với những người trong gia đình. Ông cho biết tình hình ở ngôi làng của ông gần vùng biên giới đã xuống cấp rất nhanh chóng trong lúc các binh sĩ trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện một cuộc phản công nhắm vào phe nổi dậy trong khu vực.
Ông Osama cho biết những tay bắn sẻ đã nổ súng bắn vào những người dân tìm cách rời khỏi khu vực. Nhưng ông và người thân trong gia đình rốt cuộc cũng đã vượt biên được mà không bị hề hấn gì.
Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, sự việc đã thay đổi: chẳng những chính phủ Syria tìm cách ngăn chặn làn sóng người vượt biên mà lính biên phòng Jordan cũng làm như vậy. Giới hữu trách Jordan bác bỏ tố cáo đó và nói rằng họ không hề ngăn không cho người tị nạn vào nước họ. Có vài cửa khẩu chính thức dọc theo biên giới cùng với mấy mươi cửa khẩu không chính thức.
Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc vương Abdullah của Jordan, Tướng hồi hưu Fayez al-Dwairi, cho biết bất kể là như thế nào thì Jordan cũng sẽ để cho biên giới được rộng mở.
Tướng Dwairi nói rằng những lý do của việc mở cửa biên giới gồm có những mối liên hệ lịch sử giữa nhân dân của hai nước và những yêu cầu về tôn giáo và đạo đức đòi Jordan phải giúp đỡ những người chạy trốn bạo động và chết chóc.
Trong thời gian qua, Jordan đã thể hiện thái độ hiếu khách truyền thống và đã tiếp nhận khoảng nửa triệu người tị nạn Syria: trong đó có 130.000 người ở vùng Zaatari và phần còn lại sống chung với các cộng đồng người Jordan trên khắp nước. Làn sóng người tị nạn đang tạo ra những sự căng thẳng lớn cho những nguồn lực hạn hẹp của vương quốc này.
Một giới chức an ninh cho rằng gánh nặng này có thể là nguyên do làm cho số người tị nạn sút giảm, một diễn tiến trùng hợp với những cuộc họp bàn về việc gia tăng viện trợ để ứng phó với vấn đề người tị nạn. Mới đây Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ đã loan báo những khoản viện trợ bổ sung.
Sự giảm mạnh của số người tị nạn cũng trùng hợp với điều mà các chiến binh của phe nổi dậy nói là sự sút giảm của lượng cung ứng khí giới và những tiếp liệu khác mà họ nhận được từ các nước đồng minh vùng Vịnh thông qua Jordan. Điều này tạo thêm nghi vấn về những thỏa hiệp có thể đã đạt được ở hậu trường chính trị của các nước.
Nguyên do của sự sụt giảm mạnh số người tị nạn hiện chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là hàng vạn người Syria muốn vượt biên đã không thể tới được nơi an toàn - làm tăng thêm sự khốn đốn của người dân nước này.