Đường dẫn truy cập

Lại chuyện kích cầu


Câu chuyện kích cầu là câu chuyện muôn thủa ở Việt Nam. Một đặc thù lớn của kinh tế Việt Nam là ngắn hạn. Ở mức độ vĩ mô, sự ngắn hạn thể hiện ở việc hoạch định, ban hành, và triển khai chính sách vẫn mang tính chắp vá và hướng đến việc giải quyết các vấn đề trước mắt hơn là tạo ra các nền móng lâu dài. Ở mức độ vi mô, tầm nhìn và chiến lược của các doanh nghiệp cũng chủ yếu tập trung vào việc kiếm lợi ngắn hạn, một phần là do ảnh hưởng của tính ngắn hạn về vĩ mô (hầu như không ai có thể đoán trước được một tương lai vĩ mô ổn định ở Việt Nam).

Điều này làm cho trong nhiều năm qua kinh tế Việt Nam luôn có sự thăng giáng rất thất thường. “Chu kỳ kinh tế” ở Việt Nam từ năm 2007 trở lại đây thường lặp lại sau khoảng 2-3 năm. Mỗi khi có dấu hiệu khủng hoảng, nhiều người lại vận động “kích cầu”, kể cả các cuộc khủng hoảng cục bộ (trên một vài thị trường nhỏ thay vì toàn bộ nền kinh tế). Thí dụ hồi năm ngoái khi thị trường BĐS ở Việt Nam được coi là lâm vào đỉnh điểm khó khăn, các doanh nghiệp BĐS đã vận động hành lang và chính phủ đã thông qua một gói kích cầu 30 nghìn tỷ VND mặc dù tình trạng ngân sách có thể nói là đang trong tình trạng rất tệ hại. Gần đây, lại có nhiều thông tin về việc hình thành một gói cứu trợ lên tới 70 nghìn tỷ VND nữa, mặc dù chưa có gì rõ ràng.

Một trong những gương mặt điển hình ủng hộ chính sách kích cầu liên tục có lẽ là Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, một thành viên trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Ngân đang vận động cho một đợt kích cầu mới cho năm 2014. Có vẻ quan điểm gần như không đổi của ông là nhà nước phải liên tục kích cầu khi đầu tư tư nhân giảm. Trước đó không lâu, hồi giữa năm ngoái (2013), ông cũng kêu gọi tăng đầu tư công để kích cầu. Giữa năm 2012 ông cũng có quan điểm vận động tương tự.

Có nên kích cầu vào thời điểm này hay không là vấn đề đang được nhiều người tranh cãi. Từ phía các doanh nghiệp (đặc biệt là những người có lợi ích từ việc kích cầu), đương nhiên họ luôn ủng hộ. Từ phía chuyên gia thì ngược lại, nhiều người cho rằng thực hiện một gói kích cầu vào thời điểm này là sai lầm.

Từ phía cá nhân, tôi thấy những người đang cổ vũ cho kích cầu đều có lập luận rất rối, thiếu cơ sở, và thiếu tính thuyết phục. Tất cả các báo cáo của chính phủ đều nói kinh tế đang tăng trưởng tốt hơn. Đương nhiên ai cũng có quyền nghi ngờ tính chính xác của các thống kê của nhà nước. Thế nhưng thực tế là không có cơ sở dữ liệu nào tốt hơn, và việc làm chính sách không thể dựa trên cảm tính. Thêm nữa, nhà nước không thể một mặt công bố nền kinh tế đang tốt lên, một mặt lại tung ra các phao cứu sinh “kích cầu”, cái chỉ dùng khi nền kinh tế gặp nguy khốn.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2014 ước tính tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm trở lại đây. Tín hiệu tích cực này đến từ cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ. Lạm phát đang được kiểm soát tốt và ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Không chỉ có số liệu của nhà nước, số liệu từ các nguồn tư nhân cũng chỉ theo hướng tương tự. Theo HSBC, chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng, phản ánh sức khỏe của khu vực sản xuất) của tháng 3 đạt 51.3 điểm, cao hơn 51 điểm của tháng 2, và là tháng thứ 7 liên tiếp cải thiện theo hướng tốt lên. Thị trường chứng khoán cũng đang trong điều kiện tốt. Tâm lý của doanh nghiệp cũng ổn định hơn.

Như thế ít nhất về ngắn hạn Việt Nam đang không chịu sức ép đủ lớn để phải kích cầu. Việc kích cầu là việc chỉ nên làm trong điều kiện cấp bách, và làm trong một thời gian ngắn chứ không kéo dài vì hệ lụy không hay của nó đến ngân sách nhà nước, kèm theo nhiều méo mó, biến tướng không mong muốn khác. Sau hai năm giữ vững kỷ luật trong chính sách tiền tệ, giờ chúng ta tạm có sự ổn định đáng quý của thị trường tài chính, việc đáng làm là tiếp tục thực hiện các cải cách mang tính cơ cấu để tạo nền móng bền vững cho dài hạn. Việc “bơm vá” theo kiểu kích cầu ngắn hạn có thể có lợi cho một số doanh nghiệp trong một số lĩnh vực được “ân sủng” nhưng không có lợi cho nền kinh tế vào lúc này.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG