Đường dẫn truy cập

Kỳ vọng gì từ tân thủ tướng gốc công an Phạm Minh Chính?


Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.
Ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.

Ngày 5/4, Quốc hội Việt Nam bầu ông Phạm Minh Chính làm tân Thủ tướng, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc.

Giới quan sát gốc Việt cho rằng, ông Chính, với gần 30 năm thâm niên trong ngành công an và có quan điểm thân Trung Quốc có thể là một rào cản trong quan hệ quốc tế của Việt Nam với thế giới phương Tây; trong khi giới quan sát quốc tế có ý kiến cho rằng công việc của tân thủ tướng là “thực hiện các chính sách đã được tính toán kỹ lưỡng từ bấy lâu nay.”

Từ Nhật, học giả Đỗ Thông Minh nhận định với VOA về con đường thăng tiến của ông Phạm Minh Chính:

"Có một cái lo cho Việt Nam là Việt Nam đưa ông Phạm Minh Chính - cựu Trung Tướng Công an, Bí Thư Quảng Ninh, người lo vụ đặc khu kinh tế hành chính Vân Đồn và sau cùng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng - lên làm Tân Thủ Tướng. Ông này có vẻ là một người rất thân với Trung Quốc.

“Không rõ khi ông lên làm thủ tướng có giữ được vai trò thăng bằng hay không? Cũng có thể sẽ hơi khó khăn cho Mỹ và Nhật, những nước hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều. Nếu tân thủ tướng thân Trung Quốc thì có thể gây trục trặc cho Nhật, Mỹ.”

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.

Trang Bloomberg hôm 5/4 dẫn lời các nhà phân tích cho biết họ không nghĩ rằng ông Chính sẽ thay đổi các chính sách lâu nay của Việt Nam, bao gồm cả việc mở cửa hơn nữa thị trường với nền kinh tế toàn cầu và cân bằng mối quan hệ với nước láng Trung Quốc và với Hoa Kỳ.

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, nói với trang Bloomberg: “Công việc của ông ấy là thực hiện các chính sách đã được tính toán kỹ lưỡng từ bấy lâu nay.”

Từ California, ông Lê Minh Nguyên, một chuyên gia về quan hệ quốc tế khu vực, nói với VOA:

“Ông Phạm Minh Chính là một người tương đối trẻ, được biết đã thân Trung Quốc từ lâu nay.”

Cũng trong ngày 5/4, giáo sư Thayer nói với trang Nikkei Asia rằng ông Phạm Minh Chính “tương đối thiếu kinh nghiệm trong các quan hệ cấp cao của chính phủ.”

Ông Peter Mumford, Trưởng phòng tư vấn rủi ro của Tập đoàn Eurasia, cho biết tân thủ tướng sẽ phải đối mặt với những cải cách kinh tế theo yêu cầu của các thỏa thuận thương mại mới và nhu cầu giải quyết các nút thắt trong lĩnh vực sản xuất với cơ sở hạ tầng được cải thiện, bao gồm đảm bảo năng lượng đáng tin cậy. Chính phủ cũng sẽ bị thúc ép đối phó với tình trạng ô nhiễm ngày càng khiến tầng lớp trung lưu đang gia tăng của quốc gia lo ngại.

Ông Mumford cho biết thêm rằng các ưu tiên của ông Chính sẽ bao gồm việc hợp tác chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden để giải quyết cáo buộc của Washingtong đối với Hà Nội về thặng dư thương mại và thao túng tiền tệ.

Về việc ông Nguyễn Xuân Phúc, một người được giới quan sát nhận định là có quan điểm thân Mỹ, được bầu làm Chủ tịch nước, ông Lê Minh Nguyên nói đó là sự cân phân của giới lãnh đạo Hà Nội về mối quan hệ của tay ba của Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông Nguyên kỳ vọng rằng “vai trò của Chủ tịch nước có thể sẽ được củng cố mạnh hơn.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Phạm Minh Chính, ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.
Ông Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Phạm Minh Chính, ngày 5/4/2021. Photo VNA via Reuters.

Ông Phạm Minh Chính, 62 tuổi, nhận công tác tại Bộ Nội vụ, tiền thân của Bộ Công an, từ năm 1984 và sau đó làm cán bộ tình báo, sau này trở thành Thứ trưởng của Bộ Công an. Đến năm 2011, ông được phân công làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, nơi có Đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Từ Đại hội XII, ông Chính vào Bộ Chính trị, giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, và Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - cơ quan quản lý chiến dịch do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã đưa hàng loạt các quan chức trong bộ máy của Đảng vào tù.

Hãng tin Reuters hôm 5/4 nhận định rằng ông Phạm Minh Chính là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam chưa kinh qua các chức danh phó thủ tướng kể từ thời Đổi mới.

Phát biểu khi tuyên thệ nhậm chức chiều ngày 5/4, Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ưu tiên hàng đầu của ông: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG