Theo lời kể của các bậc cao niên trong thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, trước khi Huế chính thức rơi vào tay quân đội Bắc Việt vào tháng 2 năm 1975, đã có nhiều đoàn người, kể cả các quân nhân từ Quảng Trị chạy vào và thường dân, lên tàu tại biển An Dương để vào Nam. Trong số hàng trăm chuyến tàu xuất phát tại An Dương, có một chuyến bị pháo kích trong giờ phút cuối, một ngày cuối tháng 2, và xác của họ trôi nổi khắp nơi, vào tận Đà Nẵng, Cù Lao Chàm, Hội An.
Người dân trong thôn đã mang các thi thể bị dạt vào bờ chôn xuống hai hố bên bờ biển. Họ làm việc này lén lút vào ban đêm vì sợ khó bảo toàn sinh mạng. Hai hố chôn tập thể ở An Dương tưởng chừng rơi vào quên lãng, nhưng 35 năm sau, biển lở cuốn trôi mất hố lớn, nơi yên nghỉ của vài trăm người.
Năm 1975 tôi ở đây, tôi chứng kiến họ chết nhiều lắm, cứ nghe tin giải phóng thì người ta chạy đi vượt biên, chết nhiều lắm, nhớ không xuể.Ông Phan Ty
Xót xa trước cảnh này, ông Nguyễn Công Thiện đã đứng ra vận động, kêu gọi các bô lão trong làng cùng đóng góp tài chính để cải táng hầm mộ còn lại đến một đồi cao và khu mộ được xây khang trang, có người trong làng thường xuyên tới nhang khói.
Bà Phan Thị Kỳ, thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, cho biết: “Lúc đó chết nhiều lắm, lính cũng có, thường dân cũng có, xác trôi trên biển, trôi lên trôi xuống.”
“Năm 1975, người ta vượt biển ở đây nhiều lắm, cho cũng đi mà không cho cũng đi. Cứ nghe có tàu là chạy ra ngoài bờ biển, xin đò, nhảy đại lên đò, đò chở ra tàu ngoài kia. Hồi đó, có cái tàu lớn chưa kịp đi thì bị pháo kích sập giàn trước, chết cũng bảy mươi, tám mươi người. Tôi giờ già rồi, không nhớ nổi chi tiết, nhưng nhớ là hồi đó loạn lắm, kể sao cho xiết,” ông Phan Ty, một người trong thôn, thuật lại.
“Năm 1975 tôi ở đây, tôi chứng kiến họ chết nhiều lắm, cứ nghe tin giải phóng thì người ta chạy đi vượt biên, chết nhiều lắm, nhớ không xuể,” ông Ty tiếp lời.
Năm 1975, người ta vượt biển ở đây nhiều lắm, cho cũng đi mà không cho cũng đi. Cứ nghe có tàu là chạy ra ngoài bờ biển, xin đò, nhảy đại lên đò, đò chở ra tàu ngoài kia. Hồi đó, có cái tàu lớn chưa kịp đi thì bị pháo kích sập giàn trước, chết cũng bảy mươi, tám mươi người.Ông Phan Ty
Thôn An Dương nằm trên một vùng đất hẹp, bề ngang chưa đầy 1000 mét, phía Đông là đại dương, phía Tây là phá Tam Giang. Đời sống bán nông-bán ngư và phần lớn là tự cung tự cấp của người dân nơi đây tạo ra nhịp điệu trầm lắng, tĩnh tại.
Nơi đâu có đời sống tâm linh mạnh và lòng người tử tế nhất, có lẽ phải kể đến người dân thôn An Dương: chân chất, mộc mạc, thật thà và tốt bụng. Chỉ có tốt bụng, tin vào lẽ phải họ mới dám liều, đợi đêm về đi vớt xác của những người lính trôi nổi trên biển đem chôn. Lúc đó, làm việc này chẳng khác nào đùa giỡn với thần chết.
Chị Nguyễn Thị Gái, người thường lui tới thắp nhang, cúng vái ở khu mộ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, chia sẻ với VOA: “Chị về làm dâu ở đây mới 31 năm nên không biết mấy người này họ chết do đâu. Nhưng chị biết là khu mộ của họ trước kia nằm sát bờ biển, sau đó biển lở, các ông trùm trong làng mới kêu gọi tài chính, xin đất để đưa họ lên đây.”
Thời gian đã xóa đi mọi dấu vết. Câu chuyện nhạy cảm và nguy hiểm của thuở trước thành chuyện bình thường, chuyện nghĩa tử nghĩa tận bây giờ. Hơn một trăm xác của những quân nhân nam và một xác quân nhân nữ đã được cải táng lên đồi cao, nơi không còn sợ biển xâm thực. Người An Dương trở thành người thân của những vong linh chưa tìm ra thân nhân.
Chỉ có vài người may mắn còn thân nhân tìm gặp. Số đông còn lại vẫn nằm yên nghỉ trên đồi cao, nơi nhìn về phía Nam là dân làng miệt mài kiếm sống, nhìn về phía Bắc là thành cổ nhà Nguyễn, nhìn về phía Tây là phá Tam Giang nhấp nhô thuyền chài, nhìn về phía Đông là đại dương mênh mông. An Dương như quê nhà vĩnh hằng của những người lính trên ngọn đồi hiu quạnh giữa tháng Tư.