Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng, Việt Nam vẫn giam giữ các blogger


Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh
Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh
Trong khi các ký giả làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam được nhận quà tặng nhân ngày Báo chí Cách mạng, các blogger và giới tranh đấu cho Internet không được may mắn như thế. Chính phủ Việt Nam dường như sốt sắng ăn mừng vai trò của truyền thông trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng chính phủ không mấy khoan dung đối với các tiếng nói độc lập và đã bắt giữ nhiều người trong một cuộc đàn áp mới đây. Thông tín viên Marianne Brown tại Hà Nội tường trình cho đài VOA.

Trong một bài phát biểu mới đây trước Quốc Hội, Bộ truởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bảo Sơn tuyên bố Internet đã giúp Việt Nam phát triển, nhưng cũng có mặt tiêu cực.

Ông nói các thành phần cơ hội đã lạm dụng Internet để loan truyền thông tin bóp méo các chính sách nhà nước.

Trong tháng vừa qua, 2 blogger và một người hoạt động Internet đã bị cáo buộc chính vì đã làm điều đó. Họ bị bắt giữ vì “lạm dụng các quyền tự do dân chủ,” một lời cáo buộc có thể đưa tới án tù 3 năm.

Một số nêu ra vấn đề đấu đá nội bộ là động cơ của vụ đàn áp.

Ông Jonathan London, thuộc trường Ðại học Thành phố ở Hong Kong, nói những vụ bắt giữ nhắm mục đích làm cho dân chúng sợ hãi.

Ông nói: “Cảm nghĩ riêng của tôi là sau khi nhận thấy đã có những thay đổi quan trọng và đáng kể trong văn hóa chính trị ở Việt Nam thì một đợt đàn áp kéo dài không biết bao lâu đã bắt đầu thực sự và những vụ bắt giữ blogger, nhất là những blogger có thể ôn hòa hơn trong những lời chỉ trích tình trạng hiện nay thật là đáng ngại.”

Ít lâu trước khi bị bắt, ông Trương Duy Nhất 49 tuổi đã đăng một bài trên trang blog của mình quy trách cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bí thư Ðảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng về cuộc khủng hoảng kinh tế và kêu gọi họ từ chức.

Một vài tuần sau vào ngày 13 tháng 6, công an bắt giữ thêm một blogger chính trị nổi tiếng khác, ông Phạm Viết Ðào 61 tuổi ở Hà Nội. Ngày Chủ nhật sau đó, ông Ðinh Nhật Uy cũng bị bắt. Ông Uy mới đây đã mở một cuộc vận động trên Internet đòi phóng thích em trai đã bị tù 8 tháng vì phân phát truyền đơn chống chính phủ.

Hôm thứ Năm, tổ chức Human Rights Watch lên án những vụ bắt giữ và kêu gọi lập tức phóng thích các blogger.

Tiếp cận thông tin về một đề tài không được nhà nước chấp thuận cho thảo luận là điều khó khăn, theo nhận định của ký giả và blogger Ðoan Trang. Chẳng hạn như, cô nói các nhà báo thường được thông báo không nên tường thuật về một đề tài như tranh chấp lãnh thổ về Biển Ðông.

Nhà báo Ðoan Trang phát biểu: “Nhưng nếu một số blogger hay ký giả vẫn tìm cách tiếp cận thông tin, nhất là thông tin chính thức. Họ tìm cách gặp các học giả hay giới chức về hưu để nói chuyện về vụ tranh chấp Biển Ðông và họ công bố điều đó trên trang blog cá nhân của mình. Nếu bài báo đó được phổ biến rộng rãi trên Internet thì người đó sẽ gặp khó khăn, hay ít nhất người mà họ gặp sẽ gặp khó khăn."

Trên 1 phần ba trong số 90 triệu dân Việt Nam sử dụng Internet. Truyền thông xã hội và viết blog đang trở nên ngày càng phổ biến.

Cô Ðoan Trang nói trong khi có thêm những người viết blog chính trị, cô nghĩ nhà nước có “các công cụ hữu hiệu” để kiểm soát họ. Những công cụ này gồm việc công an dọa nạt và “những hình thức xác định công luận” được sử dụng để đăng lời bình luận trên các bài blog và mạng truyền thông xã hội.

Nhiều quan sát viên nói họ trông đợi sẽ có thêm những vụ bắt giữa trong những tuần lễ sắp tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG