Thứ Năm đánh dấu kỷ niệm năm thứ 50 ngày ban hành Đạo luật về quyền bầu cử có tính cách bước ngoặt của Mỹ, cho phép chính phủ liên bang bảo vệ những người Mỹ gốc Châu Phi muốn hành sử quyền đi bầu của mình.
Đạo luật bầu cử ngày 6 tháng 8 năm 1965, do Tổng Thống Lyndon B. Johnson ký, đặt ra ngoài vòng pháp luật các rào cản do nhiều tiểu bang dựng lên, mà tác dụng của chúng trên thực tế là cấm người Mỹ gốc Châu Phi không được đi đầu phiếu, mặc dù họ đã được trao các quyền này theo Tu chính án thứ 15 của Hiến Pháp Mỹ.
Trong số các tiểu bang đó, có nhiều bang nằm ở miền Nam nước Mỹ, vốn có một lịch sử kỳ thị chủng tộc lâu dài, trở ngược lại từ thời kỳ nô lệ
ở khu vực này.
Quyết định thông qua Đạo luật về Quyền Bầu cử được đưa ra sau khi cảnh sát tấn công một cách tàn bạo những người biểu tình đã khởi sự một cuộc tuần hành ôn hoà đòi quyền bầu cử đi ngang qua cây cầu Edmund Pettus ở Selma, bang Alabama vào tháng Ba năm đó.
Vụ việc này đã khơi mào một làn sóng chỉ trích trong nước, dẫn tới bài diễn văn lịch sử của Tổng Thống Johnson trước một cuộc họp khoáng đại quốc hội, hối thúc việc thông qua luật bầu cử.
Đạo luật về Quyền Bầu cử được coi là văn kiện pháp lý bênh vực dân quyền hữu hiệu nhất từng được áp dụng tại Hoa Kỳ, đánh dấu cao điểm của Phong trào Dân quyền kéo dài cả thập kỷ, trong đó người Mỹ gốc Châu Phi công khai biểu tình để chấm dứt chính sách kỳ thị chủng tộc và sự phân biệt chủng tộc ở mọi khía cạnh của xã hội Mỹ.