Khoảng 300 người sống sót trong trại tập trung Auschwitz-Birkenau của Đức Quốc xã đã tề tựu về địa điểm này hôm thứ Ba ở Ba Lan để tưởng niệm những nạn nhân chết trong những phòng hơi ngạt hoặc do bị đối xử vô nhân đạo và bệnh tật.
Khi trại tử thần này được quân đội Liên Xô giải phóng vào ngày 27 tháng 1 năm 1945, những binh sĩ tìm thấy 7.000 tù nhân, trong đó có 130 trẻ em.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Hai nói việc người Do Thái ở Đức đối mặt với những lời lăng mạ, đe dọa và bạo lực là một “nỗi ô nhục.” Bà Merkel đã cùng những người sống sót tham dự buổi lễ kỷ niệm đánh dấu 70 năm giải phóng những trại tử thần khét tiếng nhất của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.
Trước khi lên đường đến Ba Lan, Tổng thống Đức Joachim Gauck nói với Quốc hội ở Berlin những bài học về tội ác ở Auschwitz đã "đan cài vào bản sắc dân tộc của chúng ta. Từ cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ân hận' về tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã, nước Đức hiện đại đã trở thành nước bênh vực những quyền con người và sự bình đẳng."
Các nhà lãnh đạo và những yếu nhân khác của thế giới, Tổng thống Ba Lan, Israel, và Pháp, cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon, đã cùng đánh dấu sự kiện này.
Nhưng đây có thể là lần cuối cùng những nhân chứng của nạn Diệt chủng Do Thái Holocaust tham dự một buổi lễ lớn, bởi vì những người trẻ tuổi nhất trong số đó giờ đã 70 tuổi. Họ quay trở lại Auschwitz để vinh danh những nạn nhân và kể lại câu chuyện của chính họ.
"Không ai trong chúng tôi tin rằng người ta từng phải làm việc trong bùn, rằng khi ai đó không thể làm việc được họ bị bắn, rằng có hàng đống thi thể. Sau khi tôi đến, tôi không cần phải tưởng tượng, tôi nhìn thấy điều đó. Đó là lý do vì sao sau chiến tranh tôi không thể tới đây trong suốt 50 năm. Bởi vì tôi không nhìn thấy con người, tôi chỉ thấy những tù nhân hoặc những cái xác, hay ống khói đang nhả khói của những lò thiêu," bà Alina Dabrowska, chỉ là một đứa trẻ khi tới Auschwitz, phát biểu.
Đối với một người sống sót khác, ông David Wisnia 88 tuổi, "Đó là thực sự là cả một quãng đời trước" còn khơi lên những ký ức kinh hoàng.
"Đêm qua nằm ngủ ... Tôi mơ một giấc mơ khủng khiếp. Tôi tỉnh dậy nhìn ra ngoài cửa sổ và tưởng mình còn ở Birkenau trong dãy buồng giam 14, nơi tôi bắt đầu vào năm 1942," ông Wisnia nói.
Bà Roza Krzywolwocka-Laurow 79 tuổi từ Ba Lan bị đưa đến Auschwitz vào năm 1944 khi bà mới tám tuổi. "Nếu tôi còn sống thì đó là để cảnh báo điều này không bao giờ xảy ra lần nữa," bà nói khi đứng trước "Bức tường chết chóc" lỗ chỗ vết đạn, nơi mà Đức quốc xã bắn chết hàng ngàn người.
Theo kế hoạch diệt chủng của Adolf Hitler đối với người Do Thái châu Âu, được gọi là "Giải pháp Cuối cùng," hơn 1,3 triệu người đã bị đưa tới trại tập trung Auschwitz-Birkenau ở thành phố Oswiecim ở miền nam Ba Lan bị chiếm đóng trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 1940 và tháng 1 năm 1945.
Khoảng 1,1 triệu người, chủ yếu là người Do Thái châu Âu, đã vong mạng trong những phòng hơi ngạt hay vì đói kém và bệnh tật. Đức Quốc xã sát hại sáu triệu người trong số 11 triệu người Do Thái ở châu Âu trước chiến tranh.