Đường dẫn truy cập

Biểu tình đòi TQ ngưng cưỡng bách hồi hương người Bắc Triều Tiên tỵ nạn


Cảnh sát Trung Quốc canh gác bên ngoài Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh
Cảnh sát Trung Quốc canh gác bên ngoài Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh

Hôm nay, giới hoạt động lo ngại về tình trạng khốn khó của người Bắc Triều Tiên đang tổ chức các cuộc biểu tình trước các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở nhiều nước. Họ muốn Bắc Kinh chấm dứt điều họ gọi là một chính sách tàn ác là gửi người tỵ nạn trở về Bắc Triều Tiên. Họ nói rằng những người bị hồi hương sẽ bị tra tấn và tù đầy, và trong một số trường hợp, bị hành quyết. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Mấy chục người tỵ nạn từ Bắc Triều Tiên đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Nam Triều Tiên để đòi cho những người trốn khỏi tổ quốc, như chính họ, được tái định cư một cách an toàn.

Người biểu tình hô khẩu hiệu “Bảo vệ người Bắc Triều Tiên xin tỵ nạn”, và “Ngưng cưỡng bách hồi hương.”

Một số người hoạt động phất các biểu ngữ tố cáo Trung Quốc là “hỗ trợ giết người”, và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật quốc tế trong tư cách thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Sau 30 phút, cảnh sát thông báo cho người tham dự biểu tình biết rằng cuộc tụ tập này là bất hợp pháp. Cuộc biểu tình nhỏ mau chóng chấm dứt và mọi người giải tán mà không xảy ra sự cố nào.

Trong số những người đào tỵ tại cuộc biểu tình có ông Seo Jae-pyung, tổng thư ký Uûy ban tranh đấu đòi Dân chủ hóa Bắc Triều Tiên. Ông này cho biết người cháu trai 24 tuổi của ông bị bệnh lao, đã chết trong một trại tỵ nạn của Trung Quốc cáhc đây 2 tuần lễ sau khi bị bắt lúc đang vượt con sông Tumen.

Ông Seo nói Trung Quốc trong tư cách là cường quốc kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới và là một nước ủng hộ hòa bình và bình đẳng, cần phải cứu xét tình trạng khốn khó của những người Bắc Triều Tiên vượt qua biên giới với tâm trạng “hành động hay chịu chết.”

Các tổ chức nhân quyền muốn Trung Quốc cho phép người dân Bắc Triều Tiên được tái định cư một cách an toàn, với sự hỗ trợ của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Hơn 20.000 người Bắc Triều Tiên đã lập nghiệp ở Nam Triều Tiên và các nước khác.

Giới hoạt động nói có hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên đang trốn tránh ở Trung Quốc. Đa số là phụ nữ mà các tổ chức nhân quyền nói rằng còn có nguy cơ trở thành nạn nhân của những tay buôn bán tình dục ở Trung Quốc.

Phụ nữ còn dễ bị tổn thương qua nhiều cách khác, theo nhận định của ông Peter Chung, một vị mục sư điều hành tổ chức Công lý cho Bắc Triều Tiên.

Ông Chung nói con em của các bà mẹ bị gửi trả về Bắc Triều Tiên còn ở lại Trung Quốc. Chúng được nuôi dậy bởi những người không có nguồn lực tài chính hay khả năng vật chất để chăm sóc cho chúng. Ông cho biết đám trẻ này tiếp tục thiếu ăn.

Liên minh Tự do Bắc Triều Tiên, có trụ sở ở bang Virginia của Hoa Kỳ, cho biết dự tính phối hợp tổ chức một cuộc biểu tình quốc tế bởi vì Bắc Kinh chưa đáp lại các yêu cầu của nhiều chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên, để ngăn chặn việc cưỡng bách hồi hương người tỵ nạn. Theo một thỏa thuận đạt được giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, những người vào Trung Quốc từ Bắc Triều Tiên được đối xử như di dân kinh tế thay vì người tỵ nạn với quy chế được Liên Hiệp Quốc thừa nhận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG